Dự báo siêu bão Mangkhut vì sao có sai số lớn?

Thứ Hai, 17/09/2018, 11:00
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì chiều 14-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, đến 70-80% khả năng siêu bão Mangkhut sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến sáng nay, 17-9, thực tế diễn ra khá khác biệt.



Trao đổi xung quanh việc dự báo siêu bão Mangkhut và dự báo bão, áp thấp nhiệt đới nói chung,  Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Phó viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải: Hướng dịch chuyển của bão số 6,  có tên quốc tế là siêu bão Mangkhut phụ thuộc vào các yếu tố như quán tính, ma sát và dòng dẫn đường.

Đối với cơn bão mạnh thì dòng dẫn đường đóng vai trò rất quan trọng. Khi bão Mangkhut bắt đầu hình thành ở vùng biển ngoài khơi phía Đông của Philippines, trên hệ thống khí quyển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tồn tại hệ thống cao cận nhiệt đới, lúc đó hệ thống cao cận nhiệt đới nằm lệch và sâu xuống phía Nam.

Ông Mai Đăng Khiêm, Phó viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

Do vậy, hầu hết các mô hình dự báo trên thế giới sử dụng điều kiện khí quyển ban đầu như thế thì kết quả dự báo dài trước 3-5 ngày đều cho rằng quỹ đạo của bão Mangkhut có xu hướng đi lệch xuống phía Nam, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, 2-3 ngày sau, tất cả các mô hình phải cập nhật lại điều kiện khí quyển ban đầu, hệ thống cao cận nhiệt đới nói trên lại có xu hướng đi lệch lên phía Bắc một chút. Các mô hình dự báo sau khi cập nhật các điều kiện đó, thì hầu hết lại cho rằng quỹ đạo di chuyển của bão Mangkhut lệch lên phía Bắc hơn so với dự báo trước đó 2-3 ngày.

Các bản tin dự báo về siêu bão Mangkhut

Đây cũng chính là lý do mà dự báo ban đầu so với dự báo sau 2-3 ngày của hầu hết các mô hình dự báo trên thế giới đều khác và cho thấy cường độ cơn bão Mangkhut này giảm hơn.

Thông thường bão di chuyển lệch lên hướng Bắc thì nguồn năng lượng cung cấp cho bão cũng thấp hơn do ma sát với nhiều vùng đệm đất liền.

- Như vậy có thể hiểu, các bản tin dự báo xa, từ 48h đến 72h vẫn còn sai số lớn?

- Có thể nói, các bản tin dự báo bão hiện nay vẫn còn sai số, nhất là bản tin dự báo xa, từ 48h đến 72h?

- Sau rất nhiều cải tiến của các mô hình dự báo trên thế giới cũng như hiểu biết của chúng ta về quá trình vật lý trong khí quyển thì việc dự báo quỹ đạo bão, đường đi của bão, vị trí của bão đã được cải thiện rất nhiều.

Hiện nay, dự báo trước 3 ngày thì sai số về quỹ đạo bão là ở bán kính trên dưới 200km, tức là khi ta dự báo bão sẽ ở vị trí điểm A, nhưng bão lại ở vị trí điểm B hoặc C trong bán kính 200km; còn dự báo trước 2 ngày thì sai số khoảng 150km; dự báo trước 1 ngày thì sai số khoảng 100km.

Có thể nói, sai số trong dự báo về quỹ đạo bão hiện nay đã được cải thiện. Vì quỹ đạo phụ thuộc vào các yếu tố như đã phân tích ở trên, do đó, các bản tin phải liên tục cập nhật.

Còn đối với cường độ bão thì khó dự báo hơn vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố tương tác giữa các hoàn lưu địa hình dẫn đến sai số.

Những nước phát triển như Mỹ, để dự báo bão trong 24 giờ tới, 48 giờ tới bão ảnh hưởng như nào và cường độ bao nhiêu thì phải dùng máy bay không người lái bay thẳng vào tâm bão để đo chính xác cấu trúc của bão như nào, đặc điểm nhiệt và áp trong bão như nào, từ đó họ mới đưa ra được các bản tin cảnh báo cho 24 giờ, 48 giờ như thế nào.

Ngoài ra, họ có rất nhiều mạng lưới quan trắc trên các tàu biển và vệ tinh để chụp được hình ảnh bão từ trên cao, thu thập dữ liệu để phân tích.

-Vậy nguyên nhân có thể kết luận do yếu tố nào?

- Biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều cơn bão như Florence đang hoạt động trên khu vực Bắc Đại Tây Dương và Mangkhut ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong tháng 9/2018 hay siêu bão Haiyan năm 2013 và siêu bão Irma năm 2017.

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự nóng lên toàn cầu và hoạt động của bão trên toàn cầu đã phát hiện ra rằng các cơn bão rất mạnh và siêu bão, với những cơn gió mạnh nhất xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt trên khu vực Đại Tây Dương. Thậm chí một số nhà khoa học đã đề xuất có thể phải đề xuất thêm cấp độ 6 đối với bão ở Đại Tây Dương (hiện nay cấp độ cao nhất là cấp độ 5).

Như vậy, có thể thấy biến đổi khí hậu cùng với các hạn chế về công nghệ, trong đó có mô hình dự báo đối với bài toàn dự báo quỹ đạo và cường độ bão đã, đang và sẽ còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác dự báo bão và áp thấp nhiệt đới, không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

-Gần đây trên thế giới xuất hiện nhiều bão mạnh, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Đầu tháng 9-2018, siêu bão Jebi với sức gió mạnh nhất đạt 217 km/h (cấp 16) đã tàn phá nặng nền Nhật Bản, khiến 11 người thiệt mạng và hơn 150 người bị mất tích. Ngày 15-9, siêu bão Mangkhut với sức gió mạnh nhất đạt 275 km/h (cấp 17) đã gây ra thiệt hại nặng nề cho Philippines với thiệt hại ban đầu đã là 14 người thiệt mạng.

Ngoài việc tăng số lượng các cơn bão mạnh, quỹ đạo các cơn bão cũng có những thay đổi phức tạp, gần đây nhất là trên khu vực Biển Đông, bão số 4 có tên quốc tế là Bebinca đã di chuyển theo một quỹ đạo hết sức phức tạp.

Không chỉ ở Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, bão cũng xuất hiện đồng thời trên hầu hết các đại dương trên thế giới trong khoảng thời gian giữa tháng 9. Thống kê trong ngày 11-9 cho thấy có tới 9 xoáy thuận nhiệt đới (bao gồm cả bão, áp thấp nhiệt đới và các vùng áp thấp) hoạt động đồng thời trên toàn cầu.

Trong đó có các cơn như bão Florence, Helene, Isaac ở Đại Tây Dương, bão Paul và Olivia ở Đông Thái Bình Dương, siêu bão Mangkhut  ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương…


Chi Linh
.
.
.