Siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa

Thứ Sáu, 14/09/2018, 16:35

Siêu bão Mangkhut được nhận định đang ở cấp 17, giật trên cấp 17 vào khả năng đổ bộ vào Việt Nam là rất lớn. Chiều nay, 14-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để lên phương án đối phó với siêu bão.



Siêu bão gây gió mạnh, sóng cao, mưa lớn

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, vào 13h chiều 14-9, vị trí siêu bão Mangkhut ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/h), giật trên cấp 17.

Theo ông Cường, siêu bão Mangkhut có phạm vi gió mạnh rất rộng, hiếm thấy trong những cơn bão gần đây ở khu vực này. Cụ thể, vùng gió cấp 7 có bán kính rộng 400-450km km, vùng gió cấp 10 có bán kính 200-250km.  “Qua theo dõi cho thấy, siêu bão Mangkhut có quỹ đạo di chuyển tương đối ổn định trong những ngày qua, tốc độ di chuyển từ 20-25km/h, cường độ bão ở cấp 16-17”, ông Cường cho hay.

Hiện tại, mô hình dự báo của nhiều nước đều đưa ra nhận định khá đồng nhất về siêu bão Mangkhut, bão đang ở cấp 17 và tiếp tục di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Bắc, khi vào Luzon sẽ suy yếu 1-2 cấp, khi vào Biển Đông duy trì cấp 16. Bên cạnh đó, các mô hình dự báo đều cho thấy, siêu bão Mangkhut có khả năng hướng về Vịnh Bắc bộ, ở cấp 11-12.  

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo họp ứng phó siêu bão Mangkhut vào chiều 14-9

“Tổ hợp các dự báo của nhiều nước khá tập trung, hiếm thấy trong công tác dự báo trong các cơn bão gần đây, cho thấy quỹ đạo di chuyển của bão ổn định, không có biến động lớn trong vài ngày tới”, ông Cường chia sẻ. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình dự báo đều cho rằng, sau khi vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), siêu bão Mangkhut sẽ suy yếu, càng vào gần Vịnh Bắc bộ sẽ càng suy yếu vì cơn bão đã trải qua 10 ngày di chuyển trên biển.

Còn dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho thấy, 3 ngày trước khi đổ bộ vào bờ, siêu bão Mangkhut sẽ di chuyển theo hướng tây Tây Bắc, sáng mai, 15-9 bão đi vào Biển Đông, mạnh cấp 15. Đêm 16-9, siêu  bão Mangkhut đi vào Vịnh Bắc bộ. 

Tuy nhiên, từ trưa 16-9 bão đã gây ảnh hưởng đến Vịnh Bắc bộ vì phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng.  Trong ngày 17-9, siêu bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc bộ, gây mưa rất lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 17 đến 20-9, phạm vi ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, trọng tâm là vùng Đông Bắc và Quảng Ninh là trọng điểm của bão. 

Sóng ở Vịnh Bắc bộ có thể cao từ 6-7m. Lượng mưa được dự báo ở vào khoảng từ 200-300mm. Đáng nói, cơn bão có khả năng cao sau khi đổ bộ vào đất liền sẽ đi dọc biên giới phía Bắc nên lượng nước về hệ thống sông ngòi phía Bắc sẽ lớn, thượng lưu Sông Lô, Thao có thể lên BĐ3.

Siêu bão Mangkhut sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ vào tối 16-9

Cấm biển trước 10h ngày 16-9

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn, xong trước 10h ngày 16-9. 

Gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thuỷ sản; tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn trước 17h ngày 16-9-2018. 

Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển; Tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tiêu gạn nước đệm để chống úng. 

Đồng thời, cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm đặc biệt là với cầu vượt biển;  bảo vệ an toàn đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, có phương án ứng phó kịp thời; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để khắc phục ngay các sự cố.

Bên cạnh đó, cần triển khai ngay các tổ đội xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh; Tổ chức di dời dân cư vùng có nguy cơ cao; Đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng phương tiện để khắc phục giao thông khẩn cấp với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự, điều phối giao thông khi có yêu cầu

Chi Linh
.
.
.