Cuộc sống khốn khó của người dân sau bão

Thứ Ba, 19/09/2017, 09:07
Sau bão là những giọt nước mắt, lòng quặn thắt vì mất mát, thiệt hại.... Có lẽ với người dân xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cùng chung hoàn cảnh là đã rơi vào cảnh trắng tay.

Sau gần 4 ngày cơn bão số 10 đi qua chị Đoàn Thị Dương, ở thôn Minh Cầm Ngoại, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Với chị điều may mắn nhất là giữ được tính mạng của hai mẹ con trong cơn bão lịch sử vừa diễn ra.

Bão qua, điều chị Dương cố lục lọi trong đống đổ nát là hi vọng tìm được di ảnh của ông nội, còn mọi tài sản trong gia đình thì đều hư hỏng toàn bộ cùng với căn nhà. Trong nước mắt nghẹn ngào, chị Dương mong ước có được căn nhà, dù chỉ là tạm thời để mẹ con ra vào những lúc khốn khó này... "Giờ trong cảnh không nhà, nương nhờ hàng xóm rồi đến người thân, biết lúc nào mẹ con có được nơi ở.... Cực lắm chú ơi", chị Dương nghẹn ngào nói.

Chị Đoàn Thị Dương bên căn nhà đã sập hoàn toàn sau bão số 10 vừa qua.

Thôn Minh Cầm Ngoại và Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa có 100% nhà bị tốc mái, trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn và nhiều người dân không thể ở trong ngôi nhà của mình vì thiệt hại quá nặng. Và đến nay sau hơn 3 ngày hệ thống điện lưới vẫn chưa hoạt động trở lại, khiến cuộc sống của người dân hết sức khó khăn.

Ông Hồ Quang Chinh - Phó trưởng thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho hay đa số người dân ở đây là thuần nông, cuộc sống trong chờ vào vụ sản xuất lúa. Một tấn lúa trên dưới 6 triệu thì cũng chỉ vừa ăn trong gia đình, giờ thiệt hại này thì dù điều gì có xảy ra nữa phải gắng người dân cũng phải nhịn ăn, nhịn mặc để tu sữa mái nhà để còn sinh hoạt nữa.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, nghề giúp người dân xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình có được cuộc sống ổn định bấy lâu là dựa vào trồng rừng sản xuất, nhưng cơn bão số 10 đã cướp sạch gần như toàn bộ rừng khi đã gần đến độ tuổi thu hoạch.

Bà Hồ Thị Bích Hà - Chủ tịch UBND xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho biết: Theo thống kê bước đầu thì có gần 445 hec ta rừng keo, tràm bị gãy đổ, trong đó có 110 hec ta đang trong thời gian khai thác, số còn lại được từ 3 đến 4 năm tuổi và con số thiệt hại lên đến gần 15 tỷ đồng. Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay.

Những gì nhặt nhạnh được sau bão chỉ là những vật dụng như thế này.

Những mái nhà lợp tạm, cuộc sống người dân vốn dĩ đã vất vả nay càng vất vả hơn và biết khi nào những người dân nơi đây có được cuộc sống ổn định trở lại, còn nỗi trăn trở của chính quyền địa phương lúc này mong được sự hỗ trợ để phần nào giúp được người dân vượt qua khó khăn sau bão.

Bà Hà cho biết thêm, đối với những trường hợp có nhà bị sập, xã đã tổ chức đoàn đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ ban đầu mỗi gia đình 1 triệu cùng một số thực phẩm thiết yếu, áo quần để giúp người dân không bị đói. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các lực lượng địa phương tiến hành vận động, giúp đỡ các gia đình có nhà bị tốc mái để tu sữa, ổn định cuộc sống.

Đặc biệt là tập trung huy động lực lượng phong quang đường sá, vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo công tác khắc phục hậu quả bão thuận lợi. Để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn lúc này rất mong sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm.

Sau bão, cuộc sống người dân vùng tâm bão tỉnh Quảng Bình lại bộn bề hơn, với nhiều nỗi lo.... Những ngôi nhà và hoàn cảnh như gia đình chị Đoàn Thị Dương biết khi nào được dựng lên và cuộc sống bình thương của người dân nơi đây lúc nào mới trở lại.... Người dân vùng tâm bão rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm ở những thời điểm khó khăn này để ổn định cuộc sống.

Trần Tuấn
.
.
.