Cần có giải pháp đồng bộ xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở Hưng Yên

Thứ Sáu, 07/12/2018, 06:52
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường đang ngày một gia tăng, kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.


Ở hầu khắp các địa phương, tình trạng vứt rác thải bừa bãi và quá tải tại các bãi rác đã và đang đặt ra cho chính quyền các cấp những “bài toán hóc búa” về quy hoạch tổng thể các điểm tập kết rác và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi rác.

Trực tiếp có mặt tại một điểm tập kết rác nằm trên địa bàn xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi thấy, nơi đây không chỉ có rác thải sinh hoạt mà còn có rất nhiều loại chất thải khác, trong đó có cả nguyên vật liệu của các làng nghề, rác thải công nghiệp tại các xưởng sản xuất cũng được người dân mang ra đây “tập kết”. Cả một khu vực rộng mênh mông, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang những bọc rác được vứt tùy tiện, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc.

Tại bãi rác phố Nối – phố Bần, thuộc thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào cũng vậy, mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc để xử lý vấn đề ô nhiễm và ngăn chặn các hành vi đổ trộm, đốt rác tại đây, tuy nhiên với lượng rác quá tải hằng ngày được thu gom từ các nơi về, thì ngày ngày, người dân sinh sống ở gần khu vực này vẫn phải sống chung với những loại mùi không mấy dễ chịu.

Lực lượng Công an tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng để nắm tình hình và tham mưu các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt.

Bà Phạm Thị Đầm, người dân phố Bần cho biết: "Từ khi bãi rác của thị trấn được chuyển đến thì môi trường sống ở đây rất ngột ngạt. Mỗi khi có gió Đông, gió Nam là các hộ dân chúng tôi ở đây đều phải đóng cửa, nếu không thì mùi hôi thối bay vào, không thể nào mà chịu được. Có những đêm người dân mang rác đến đốt trộm, mùi khói bốc ra rất khó chịu, chúng tôi không ngủ được, phải bảo nhau ra đổ nước vào cho đỡ khói".

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 512 điểm tập kết tạm thời và bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt; 3 khu xử lý chất thải tập trung.

Trong hoạt động vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, đa số các địa phương tự thành lập các tổ vệ sinh đi thu gom từ các hộ dân đến điểm tập kết đã được quy hoạch và thuê Công ty cổ phần Môi trường đô thị Urenco 11 (địa chỉ tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm) thu gom, xử lý. Tuy nhiên với lượng rác phát thải trên địa bàn toàn tỉnh trung bình vào khoảng trên 500 tấn/ngày đêm thì hiện nay, nhiều bãi rác đã rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và gây nhiều “áp lực” cho chính quyền các địa phương trong giải quyết tình trạng này.

Ông Ngô Phương Tuệ, Chủ tịch UBND thị trấn Bần Yên Nhân cho biết: "Hiện nay, các bãi rác trên địa bàn thị trấn đều rơi vào tình trạng quá tải. Riêng bãi rác Phố Bần - Phố Nối, hằng ngày chúng tôi phải thuê Công ty Urenco 11 thu gom, xử lý và với lượng rác như hiện nay thì kinh phí địa phương phải bỏ ra vào khoảng 90 triệu đồng/tháng.

Chi phí cao như vậy nhưng nếu không thu gom, xử lý hằng ngày thì rác sẽ bị ùn ứ và ô nhiễm. Một khó khăn nữa là bãi rác lại nằm gần khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên chúng tôi đang tập trung kiến nghị để khắc phục tình trạng này".

Riêng trên địa bàn thành phố Hưng Yên, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên môi trường và công trình đô thị Hưng Yên thực hiện. 

Trước đây, số lượng công nhân viên phụ trách công tác vệ sinh môi trường của công ty vào khoảng trên 100 người, trung bình mỗi công nhân làm việc khoảng 8 giờ/ngày tuy nhiên, đến nay với lượng rác “khổng lồ” được xả ra vào gần 100 tấn/ngày đêm, để đảm bảo yêu cầu của công tác vệ sinh môi trường, công ty đã phải tuyển thêm lao động. Hiện công ty có khoảng 200 công nhân làm công tác vệ sinh môi trường, tuy vậy, hiện nay, mức thu gom của công ty vẫn chỉ đạt được khoảng 80 đến 85%.

Trong khi chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng vẫn đang “đau đầu” đi tìm giải pháp giải quyết “vấn nạn” ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra thì ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân còn nhiều hạn chế. Bất chấp biển cấm được dựng lên ở nhiều nơi, một số người vẫn ngang nhiên vứt rác một cách tùy tiện, không đúng địa điểm và thời gian quy định, thậm chí đổ trộm rác thải công nghiệp ra các bãi rác thải sinh hoạt hoặc đốt rác bừa bãi… gây khó khăn cho việc thu gom rác và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên môi trường và công trình đô thị Hưng Yên cho biết: "Tôi phụ trách dọn dẹp và thu gom rác ở 3 cung đường của thành phố. Hằng ngày, chúng tôi bắt đầu làm việc từ 15h đến 23h. Trong ca làm việc của chúng tôi, một số hộ dân mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn không thực hiện theo các quy định về thời gian, địa điểm đổ rác của công ty. Có hôm chúng tôi đi đến 5 vòng hoặc hết giờ làm việc mà người dân vẫn vứt rác ra đường, khiến công việc của chúng tôi càng thêm vất vả".

Thực hiện Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc phấn đấu đến năm 2020, 80% rác thải sinh hoạt nông thôn sẽ được thu gom, vận chuyển và xử lý; chính quyền các địa phương đã và đang tiến hành một số biện pháp như thành lập các tổ vệ sinh môi trường; trang bị phương tiện, dụng cụ thu gom, phân loại, xử lý rác; quy hoạch và xây dựng các điểm tập kết rác và các lò đốt theo đúng tiêu chuẩn... Lực lượng Công an cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực đấu tranh, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường, có như vậy, mới có thể góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.

Phương Huyền
.
.
.