Bắt đầu xử phạt hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi
- Kêu gọi học sinh, sinh viên 'Đã uống rượu bia, không lái xe'
- Uống rượu bia từ tối hôm trước, hôm sau vẫn… bị phạt gần 5 triệu
- Không uống rượu bia khi tham gia giao thông, vì an toàn của mọi người
Người dưới 18 tuổi uống rượu bia có thể bị phạt đến 500.000 đồng
Tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP (NĐ117) quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về uống rượu bia và địa điểm không uống rượu, bia. Theo đó, người dưới 18 tuổi uống rượu, bia có thể bị phạt đến 500.000 đồng.
Ông Phạm Tiến Đông, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Nghị định quy định, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Nhưng ai là người kiểm soát tuổi và phát hiện người dưới 18 tuổi uống rượu, bia khi người đó uống tại nhà riêng hoặc ngay uống ở hàng, quán, chẳng lẽ trước khi uống phải xuất trình chứng minh thư hay sao? Theo tôi thấy đây là vấn đề khó thực hiện”.
Nghị định còn quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia. Hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia.
Từ ngày 15/11, người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia có thể bị phạt tới 500.000 đồng. Ảnh minh họa |
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng. Tại Điều 31 của Luật, việc xử phạt giao cho UBND các cấp. Tại Điều 23 của Nghị định 176, hành vi này bị xử phạt từ 100.000-300.000 đồng. Sau một thời gian triển khai, việc thực hiện không hiệu quả, bởi hành vi hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra rất nhiều, nhưng lực lượng xử lý hầu như không có.
Lần này, Nghị định 117 ra đời hy vọng sẽ có những bước tiến mới trong vấn đề xử phạt vi phạm thuốc lá. Tại Hội nghị triển khai Nghị định 117 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm thuốc lá hiện nay đang có trong rất nhiều quy định của nhiều văn bản khác nhau, nhiều luật khác nhau. Đối với Nghị định 117, nội dung các xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá quy định từ Điều 25 - Điều 29. Tại Điều 25 quy định về xử phạt vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá, nếu như trước đây chỉ xử phạt từ 100-200 nghìn đồng thì hiện nay tăng lên từ 200-500 nghìn đồng.
Đáng chú ý, tại Điều 26 nghị định này quy định về mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Vậy, làm thế nào để người bán xác định khách hàng đủ 18 tuổi, theo nhiều ý kiến, đây là vấn đề khó, khi không có quy định người đi mua thuốc lá phải mang theo giấy tờ chứng minh mình đủ 18 tuổi.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không bị xử phạt theo lĩnh vực y tế...
Tăng mức phạt để bảo đảm tính răn đe
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Nghị định mới số 117 có một số điểm mới như rà soát lại các hành vi vi phạm để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế đã được ban hành mới trong thời gian qua. Trong đó có tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe. Nghị định 117 cũng bổ sung một số hành vi vi phạm mới trong các lĩnh vực như: Hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia, dược, trang thiết bị y tế…; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh như lực lượng Công an, cơ quan bảo hiểm xã hội.
Một trong những điểm đáng chú ý tiếp theo của Nghị định 117 là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Cụ thể, Nghị định 117 đã bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá. Theo đó, tại Điều 29 quy định phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi này.
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, lâu nay đã có những ý kiến cho rằng chúng ta chưa chú trọng đến công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, nhưng với những quy định của Nghị định 117 về tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt nguội đối với vi phạm về thuốc lá, hy vọng cơ quan chức năng liên quan tăng cường xử phạt.
Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tránh tình trạng các cơ quan không có chuyên môn về y tế có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các cơ sở y tế có hoạt động chuyên môn.
Nghị định đã liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể. Nghị định quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 117 và đã chuyển đến các Sở Y tế, đồng thời sẽ tổ chức các hội thảo, tập huấn để giới thiệu các nội dung chính của Nghị định 117 đến đông đảo các đơn vị, tổ chức liên quan... Tuy nhiên, để việc thực thi Nghị định mang lại hiệu quả, các địa phương phải thành lập Ban Chỉ đạo để có sự quyết liệt và đồng bộ trong triển khai.