Không uống rượu bia khi tham gia giao thông, vì an toàn của mọi người

Chủ Nhật, 05/01/2020, 06:38
Chỉ chưa đầy một tuần kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, tại nhiều khu vực trên cả nước, người dân đã ý thức hơn khi ra đường. Luật với những chế tài xử phạt nghiêm khắc đã tác động mạnh đến nhận thức và điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. 


Giải pháp nào để Luật này thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần thiết lập trật tự an toàn giao thông? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT về vấn đề này.

PV: Thưa đồng chí Cục trưởng, ông có thể nói rõ những tác động của một số điểm mới trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa chính thức có hiệu lực?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Ngày 14-6-2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, sửa khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và trên cơ sở 2 năm sơ kết thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo đó khoản 6 Điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 21 quy định: "Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông; cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông".

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.

Ngày 30-12-2019 Chính phủ ký ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cả Luật và Nghị định nêu trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 218 hành vi, nhóm hành vi về quy tắc giao thông, trong đó tăng cao mức xử phạt đối với 61 hành vi, nhóm hành vi như vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc; nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, không chấp hành hiệu lệnh, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm quy định về tốc độ; tránh xe, vượt xe không đúng quy định, không chấp hành quy định nhường đường tại nơi giao nhau...

Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng.

Nghị định mới cũng bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (tại khoản 11 Điều 80) nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính “cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính”, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT.

Có thể nói, trước tình hình trật tự, an toàn giao thông ngày càng phức tạp hiện nay, việc quy định cấm triệt để sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện trong Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và việc sửa đổi, bổ sung các hành vi mới, nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm - nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là rất đồng bộ, kịp thời. 

Luật và Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận dụng và thực hiện. Tuy nhiên, để góp phần đưa Luật cũng như Nghị định đi vào cuộc sống cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân; sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng để người dân nắm vững và thực hiện nghiêm túc.

PV: Luật Phòng chống rượu bia có hiệu lực ngay từ đầu năm mới, khi mà Tết Nguyên đán đang cận kề, Cục trưởng có cho rằng người dân sẽ thực hiện nghiêm và CSGT có mạnh tay xử lý?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông, hành vi uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông đã cướp đi mạng sống hoặc để lại các di chứng rất nặng nề cho không ít nạn nhân.

Tết Nguyên đán đang tới gần, để không xảy ra các vụ TNGT thương tâm, đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc Luật. Trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nhân dân biết. Mỗi một người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức cần phổ biến, quán triệt tới các cán bộ, đảng viên, nhân viên… gương mẫu thực hiện. Mỗi người tham gia giao thông cần nhận thức đúng về sự tiến bộ này và có sự tự giác điều chỉnh hành vi, thói quen phù hợp với quy định.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT thì lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT nói chung và những hành vi vi phạm về nồng độ cồn nói riêng khi tham gia giao thông để nhân dân có một cái Tết an toàn và vui vẻ.

PV: Mấy ngày qua, lực lượng CSGT đã ra quân xử lý vi phạm theo Nghị định mới. Xin Cục trưởng cho biết kết quả xử phạt và những khó khăn, vướng mắc mà CSGT gặp phải?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Bộ Công an đã có Công điện chỉ đạo lực lượng Công an trên toàn quốc triển khai, quán triệt ngay Nghị định này.

Kết quả 2 ngày đầu xử phạt theo Nghị định mới, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 6.527 trường hợp vi phạm; phạt tiền 6 tỷ 214 triệu đồng; tạm giữ 926 xe môtô, tước 824 GPLX các loại. Theo báo cáo chưa đầy đủ, xử lý 248 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 545 triệu đồng. Đa số người tham gia giao thông nắm được và chấp hành nghiêm, một số ít chưa nắm được hoặc chưa đồng tình cần tuyên truyền đi đôi với xử lý nghiêm.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ tăng mức xử phạt đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Đặc biệt đối với hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đảm bảo tính răn đe, nhằm nâng cao hiệu quả việc chấp hành những quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, có thái độ cản trở, không hợp tác, chống đối, không chấp hành việc kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng; tập quán, thói quen sinh hoạt uống rượu, bia diễn ra phổ biến trong các dịp hiếu, hỉ, lễ, tết là một trong những khó khăn trong việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.

PV: Từ lâu người dân lo ngại về vấn đề vệ sinh và tính chính xác của ống thổi kiểm tra nồng độ cồn. Đồng chí Cục trưởng có thể thông tin cụ thể thông tin cụ thể về vấn đề này?

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Máy đo nồng độ cồn trong hơi thở là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác của lực lượng CSGT thuộc danh mục kiểm định theo quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26-7-2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các thiết bị đưa ra kiểm tra đều được kiểm định, hóa đơn chính xác.

Với mỗi lần tiến hành kiểm tra, người được kiểm tra sẽ được sử dụng một ống thổi đóng gói riêng và đảm bảo yêu cầu vệ sinh, chỉ sử dụng 1 lần. Người được kiểm tra chỉ cần thổi vào ống cho đến khi lượng khí thở đạt yêu cầu, thao tác nhanh chóng, đơn giản, không gặp khó khăn. Thời gian một lần kiểm tra tính từ lúc lượng khí thở của người được kiểm tra đạt yêu cầu đến lúc máy cho kết quả đo, in phiếu là dưới 5 giây, tổng thời gian kiểm tra đối với mỗi trường hợp thông thường không đến 1 phút.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng.

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.