Bạo lực học đường và hệ lụy thời 3G
- Giải pháp cần thiết để ngăn chặn bạo lực học đường1
- Học sinh cần làm gì khi bị bạo lực học đường
- Tạo sân chơi lành mạnh để ngăn chặn bạo lực học đường
Khi vụ một nam sinh lớp 8 ở Yên Bái tự tử sau khi bị bắt quỳ giữa đường chưa kịp lắng xuống thì giữa tháng 10-2016, trên mạng xã hội lại lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh nhóm học sinh đánh một bạn nam là học sinh của Trường THCS Kinh Môn, Hải Dương tiếp tục được chia sẻ trên mạng...
Những đoạn clip bạo lực học đường với nội dung tương tự xuất hiện tràn lan trên mạng Internet và có thể dễ dàng tìm thấy chỉ trong vài giây tra cứu cho thấy sự gia tăng chóng mặt của tình trạng bạo lực học đường.
Bạo lực học đường ngày nay khác trước không chỉ về tính chất, mức độ do sự tương tác lan truyền của mạng 3G khi học sinh đánh bạn, làm nhục bạn được quay "nóng" rồi phát tán trên mạng xã hội, tác động tiêu cực tới cá nhân các em bị bạo lực và gây dư luận xấu.
Hành hung bạn rồi quay, phát tán clip
Hơn một tháng đã trôi qua nhưng trong căn nhà của vợ chồng chị Trần Thị Nga (34 tuổi), mẹ của cháu Bùi Đoàn Quang Huy, học sinh lớp 8A, Trường THCS Âu Lâu, nạn nhân của một vụ bạo lực học đường, cuộc sống vẫn chưa bình thường trở lại. Sự ra đi đột ngột của cậu con trai khiến chị Trần Thị Nga tưởng như gục ngã...
Những sang chấn về tâm lý khiến cậu học sinh Bùi Đoàn Quang Huy tìm đến cái chết, để lại nỗi đau trong gia đình, nhà trường. Đó chỉ là một trong số các vụ bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua.
Nhóm học sinh đánh bạn ở Hải Dương. Ảnh cắt từ clip. |
Xem lại đoạn clip và tìm hiểu vụ án từ Cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái (Yên Bái), chúng tôi không khỏi đau xót trước những điều mắt thấy, tai nghe... Chứng kiến sự việc một bạn học bị đánh hội đồng, thay vì việc phải can ngăn, những người có mặt lại thản nhiên dùng điện thoại di động, quay lại diễn biến sự việc rồi tung lên trên mạng Internet.
Đoạn clip chỉ trong thời gian ngắn được lan truyền với tốc độ chóng mặt ấy ở một góc độ nào đó đã tác động vào tâm lý của một đứa trẻ mới lớn như học sinh Huy, khiến cậu bé cảm thấy xấu hổ khi xem lại... Như vậy, không chỉ gây tổn hại về thể xác, nạn nhân của vụ bạo lực học đường còn bị sang chấn tâm lý rất lớn.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa cháu Huy đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái, trong các ngày từ 19-9 đến ngày 24-9. Sau đó, gia đình và những người có liên quan trong vụ án là hai học sinh D và Trần Văn Đ cũng đến thăm hỏi.
Song tất cả đều chỉ quan tâm đến vết thương trên thân thể còn về những suy nghĩ và tâm tư của cháu Huy thì không gần gũi chia sẻ. Vì thế, một ngày sau khi ra viện, vào khoảng 11h ngày 25-9, cháu Huy đã tử vong trong tư thế treo cổ tại gian phòng bếp của gia đình.
Cái chết của Huy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường mà nguyên nhân chỉ xuất phát từ những lý do không ngờ đến.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 2013 - 2015, các đơn vị chức năng đã xử lý hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự; trên 42.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm. Một điều lo ngại là hành vi bạo lực đang có xu hướng gia tăng với tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.
Sáng 10-5, tại phòng học lớp 12 A5, Trường THPT Thảo Nguyên đã xảy ra vụ xô xát giữa Hoàng Quang Anh, học sinh lớp 11 A4 và Trịnh Danh Thịnh, học sinh lớp 12 A5. Trong lúc xô xát, Thịnh đã dùng dao đâm Anh chảy máu. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban giám hiệu nhà trường đã đưa nạn nhân vào bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng, học sinh Quang Anh đã tử vong.
Học sinh cần được trang bị kỹ năng sống
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường. Vì sao bạo lực tiếp tục gia tăng trong môi trường giáo dục và làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trên, để trường học thực sự là nơi lành mạnh, giúp các em hoàn thiện cả về tri thức và đạo đức, đòi hỏi sự vào cuộc của nhà trường, gia đình và xã hội.
Hành vi bạo lực không chỉ giữa các học sinh với nhau mà còn xuất hiện với các thầy giáo, điều đó còn báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức của học sinh. Sự việc xảy ra vào ngày 27-10 là một ví dụ.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 30-10, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, Ban Giám hiệu Trường THCS thị trấn Thanh Chương đã đình chỉ học tập đối với em Nguyễn Trọng Mạnh (lớp 8B, Trường THCS thị trấn) thời hạn đình chỉ là 1 tuần để học sinh này làm bản kiểm điểm. Mạnh là học sinh cá biệt của nhà trường.
Để giúp học sinh này tiến bộ, thầy Nguyễn Hữu Hiếu (37 tuổi) – giáo viên dạy Hóa kiêm Trưởng ban An ninh Trường THCS đã mời bố mẹ Mạnh đến nói chuyện. Trong khi thầy Hiếu đang nói chuyện với bố mẹ Mạnh thì học sinh này mang theo con dao đuổi đánh thầy Hiếu khiến thầy bị thương ở bàn tay trái.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường, một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Một trong những căn nguyên cơ bản của tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng của những bộ phim ảnh có tính chất bạo lực và các trò chơi trực tuyến trên mạng Internet.
Rất nhiều học sinh đã được bố, mẹ trang bị cho những chiếc điện thoại di động màn hình cảm ứng, trị giá từ một vài triệu đến hàng chục triệu đồng, dễ dàng truy cập 3G ngay trong giờ học. Vì thế, họ không quản lý được con của mình chơi với ai, xem những chương trình gì và truy cập vào những trang mạng nào.
Các em học sinh có thể vào Facebook, kết bạn trên Zalo hoặc chìm đắm trong những trò chơi bạo lực. Trong khi đó, ở lứa tuổi hiện tại, các em chưa có đủ sức đề kháng để có thể lựa chọn cho mình những chương trình phù hợp và dễ bị những tác động xấu.