Tạo sân chơi lành mạnh để ngăn chặn bạo lực học đường

Thứ Sáu, 13/05/2016, 11:10
“Bạo lực học đường” – cụm từ này đã và đang trở thành mối lo của nhiều gia đình cũng như xã hội. Không phải mới xuất hiện, song nhìn vào những đoạn video clip, hình ảnh đăng tải trên một số forum, trang mạng xã hội trên mạng internet thời gian gần đây, ta không khỏi lo ngại.


Chỉ cần truy cập vào trang tìm kiếm google trên mạng internet, gõ từ  khóa “học sinh đánh nhau”. Trong ít phút, trên giao diện màn hình sẽ hiện lên vô số đường link chỉ dẫn, đăng tải hình ảnh, clip, thông tin đề cập tới các vụ việc học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng… vũ lực.

Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về vấn nạn bạo lực học đường trong thời gian gần đây, nhưng khi nhìn vào hàng loạt vụ việc xảy ra thời gian qua, bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều gia đình, nhà trường cũng như xã hội.

Cần tăng cường trang bị cho các em học sinh kỹ năng giải quyết mâu thuẫn.

Thực tế cho thấy, không chỉ lăng mạ, đấm đá bằng tay chân, trong một số vụ việc, chỉ vì sự bồng bột, thiếu kiềm chế, các em học sinh đã trở thành đối tượng hình sự khi gây ra án mạng. Và rồi khi nhận ra sai lầm thì đã quá muộn.

Mới đây, khoảng 8h45 ngày 10-5, tại trường THPT T.N, huyện Mộc Châu (Sơn La), do mâu thuẫn cá nhân, em Hoàng Quang A., 17 tuổi là học sinh lớp 11 đã gặp Trịnh Danh Thịnh, 19 tuổi học sinh lớp 12 để giải quyết mâu thuẫn. Trong quá trình ẩu đả, Thịnh đã dùng con dao nhọn đâm trúng em A. khiến em A. bị thương tích nặng và tử vong sau đó. Cơ quan CSĐT Công an huyện Mộc Châu sau đó đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trịnh Danh Thịnh.

Bạo lực học đường chính là một trong những biểu hiện lệch chuẩn trong cách ứng xử của một bộ phận học sinh. Bạo lực học đường là hành vi hung tính, tiềm ẩn nhiều hệ lụy đi kèm.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực nghiên cứu tâm sinh lý của học sinh, PGS.TS Lê Văn Hảo, Phó Viện trưởng Viện Tâm Lý học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại khi đề cập đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, việc các em sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột, mâu thuẫn đã cho thấy sự thiếu hụt kỹ năng sống, ứng xử trong giao tiếp xã hội của các em. Nguy hại hơn, có những vụ việc còn dẫn đến án mạng đau lòng mà thực tiễn đã chứng minh.

Mọi hành động, hành vi đều bắt nguồn từ những lý do, nguyên nhân khác nhau và bạo lực học đường cũng vậy. PGS.TS Lê Văn Hảo cho hay, lứa tuổi “teen” – từ 12 đến 19 tuổi, đó là giai đoạn mà các em có sự biến đổi tâm sinh lý rất rõ nét, muốn thử nghiệm, muốn khẳng định cái tôi cá nhân của mình, muốn thu hút sự chú ý, muốn thể hiện sức mạnh.

Trong khi đó, khác biệt, mâu thuẫn hay xung đột – theo nghĩa rộng là một phần khó tránh trong cuộc sống. Vấn đề là giải quyết như thế nào? Có khi chỉ vì những xích mích nhỏ vặt, một vài hiểu lầm, quy gán… một số bạn trẻ đã sử dụng vũ lực để giải quyết. Bên cạnh đó, trước sự bùng nổ thông tin, mạng internet, game, phim bạo lực, những hình ảnh bạo hành trong gia đình, tấm gương xấu trong giải quyết bất đồng, xung đột của người lớn… cũng ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận giới trẻ.

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Hảo, để đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát sự giận dữ, ứng xử và giải quyết xung đột phát sinh trong cuộc sống, trong học tập bằng các biện pháp phi bạo lực.

Đồng thời, nhà trường cũng cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục đạo đức học sinh, cụ thể hóa các bài giảng bằng thông điệp “không chấp nhận bạo lực trong học đường”, có các chương trình phòng ngừa hay can thiệp bạo lực học đường cụ thể.

Bản thân thanh thiếu niên cũng rất cần sân chơi, các hoạt động giải trí lành mạnh để có cơ hội thể hiện các hành vi tích cực, hữu ích cho sự phát triển và giảm thiểu các hành vi nguy hại.

Đứng trước hành vi bạo lực của trẻ, các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo cần bình tĩnh, khuyên giải để các em nhận thức rõ hành vi sai lầm của mình, từ bỏ cách giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi vũ lực, tránh quát tháo, đánh đập. Giải pháp có tính căn cơ trong việc đẩy lùi hành vi bạo lực của trẻ không gì khác chính là để trẻ tự nhận ra hậu quả, tự nguyện “quay lưng” lại với bạo lực học đường.

Chưa hết, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ và người thân của các em học sinh cũng cần là tấm gương thân thiện, loại bỏ những hành vi bạo lực ra khỏi đời sống gia đình.

Trần Huy
.
.
.