Giải pháp cần thiết để ngăn chặn bạo lực học đường

Thứ Năm, 27/10/2016, 11:15
Tuy không mới xuất hiện, thế nhưng khi nhìn vào thực tế - nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua, chúng ta không khỏi lo ngại. Vấn nạn bạo lực học đường đã và đang trở nên báo động, là mối lo không của riêng ai.


Thực tế đang đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhà trường và các gia đình cần chung tay, sớm đưa ra những giải pháp căn cơ. Có như vậy, những vụ việc tương tự mới không xảy ra trong thời gian tới.

"Bạo lực học đường", cụm từ này dường như đã trở thành nỗi lo của không ít các bậc phụ huynh, bởi chỉ một thời gian ngắn trở lại đây, trên mạng internet xuất hiện nhiều video clip đặc tả những vụ việc mâu thuẫn được giải quyết bằng… nắm đấm, thậm chí bằng các vật dụng có tính sát thương cao khác.

Cần tăng cường trang bị cho các em học sinh kỹ năng giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp phi bạo lực.

Chị Nguyễn Nga, 43 tuổi, nhà ở quận Tây Hồ (Hà Nội) có con mới bước chân vào học lớp 10 khi xem video clip có tiêu đề "Nữ sinh đánh nhau, lột áo lộ vùng kín" được đăng tải trên mạng internet vào ngày 10-10 vừa qua tỏ ra lo lắng trước cách hành xử của các bạn nữ sinh có độ tuổi như con gái chị.

Trong đoạn video clip có độ dài hơn 7 phút trên ghi lại cảnh hai nữ sinh lao vào, dùng nắm đấm, đầu gối để "xử" nhau, khiến quần áo hai nữ sinh này sau đó rách tả tơi, tóc tai bù xù.

"Xem những clip như thế này, mình thấy lo lắm. Lo vì, "bạo lực học đường" đang trở nên nhức nhối. Không biết con mình khi đi học có gặp phải cảnh này không nữa", chị Nguyễn Nga chia sẻ.

Khoác áo đồng phục học sinh lao vào đấm, đá nhau; làm nhục bạn trước đám đông… đó là những hình ảnh được đăng tải trên nhiều forum, mạng xã hội trong thời gian trở lại đây. "Bạo lực học đường" không phải mới xuất hiện, nhưng khi nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta không khỏi giật mình trước hiệu ứng, hậu quả do nó đem lại.

Đáng lo ngại hơn khi khác với trước đây, thời gian qua, các "nhân vật" trong các video clip bạo lực học đường đăng tải trên mạng internet chiếm đa phần là các em nữ sinh - những trường hợp mà ít ai nghĩ rằng lại sử dụng "nắm đấm" để giải quyết mâu thuẫn. Và rồi, khi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn.

Đến giờ, khi nhắc tới vụ đánh "hội đồng" của một nhóm học sinh trên địa bàn thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) cách đây không lâu, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước kiểu hành xử của nhóm học sinh này.

Trước đó, trên một số trang mạng xã hội Facebook đăng tải đoạn video clip nhóm nữ sinh đánh nhau trên địa bàn. Vào cuộc xác minh, Công an TP Bắc Kạn đã làm rõ những học sinh có liên quan. Theo đó xác định, người bị đánh "hội đồng" trong đoạn video clip trên là em T.P.T, 14 tuổi ở phường Sông Cầu (Bắc Kạn).

Nguyên nhân bắt nguồn, trước đấy, T có mua nợ hàng qua mạng với Nguyễn Thị Th, 20 tuổi và Nguyễn Thị L, 15 tuổi đều trú tại TP Bắc Kạn. Do nhiều lần đòi tiền, nhưng T chưa trả, nên Th và L rủ thêm một số bạn là học sinh một trường THCS đóng trên địa bàn tìm và đánh T. Ngay sau đó, Công an TP Bắc Kạn đã chuyển vụ việc cho Công an huyện Bạch Thông thụ lý theo thẩm quyền.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các em thiếu kiềm chế, sẵn sàng gọi chúng bạn, người thân đến hành xử bạn cùng lứa. Có khi, nguyên nhân bắt nguồn từ một mẫu thuẫn nhỏ vặt khi lên mạng trò chuyện với nhau, hay vì một ánh mắt được cho là "nhìn đểu" v.v... là đủ để thổi bùng lên bạo lực học đường.

Những clip ghi lại cảnh học sinh xô sát thường xuyên xuất hiện trên mạng.

Và thật đáng phê phán hơn khi, trong hầu hết các vụ giải quyết mâu thuẫn bằng… nắm đấm của các em học sinh xảy ra trong thời gian qua đều có sự xuất hiện, cổ vũ của số đông các bạn cùng trang lứa. Không chỉ cổ vũ, số em này còn chuẩn bị điện thoại sẵn sàng quay phim từ đầu cho đến cuối vụ giải quyết mâu thuẫn.

Dường như các em đứng bên ngoài cổ vũ, quay phim chưa ý thức được hết hành động của mình. Vì chính đây là một trong những nguyên nhân tác động, khiến số vụ bạo lực học đường ngày một phức tạp hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá như lúc đó, các em - những người bạn đang quay  đứng xem hoặc video clip, có lời khuyên, hành động can ngăn thì đâu có những vụ bạo lực học đường xảy ra như vậy. Mới đây, ngày 13-10, một đoạn video clip dài gần 5 phút quay lại cảnh hai nữ sinh đánh nhau (được cho là xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk) được tung lên mạng.

Không những không vào can ngăn, khuyên gián hai bạn mà nhiều em học sinh (cả nam lẫn nữ) còn đứng ngoài cổ vũ, hô hào kích động việc quyết mâu thuẫn bằng… nắm đấm của hai em. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an thị xã Buôn Hồ đã tiến hành xác minh, điều tra và xử lý vụ việc theo quy định.

 Tuy chưa có thống kê đầy đủ nào về vấn nạn bạo lực học đường, song khi lên mạng truy cập vào trang web tìm kiếm google.com trong ít phút, dễ dàng bắt gặp các đường link đăng tải video clip các em học sinh dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với nhau.

PGS.TS. Lê Văn Hảo, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua.

Khi thấy chúng tôi đề cập đến vấn đề này, là người có thâm niên trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học sinh, nên PGS.TS. Lê Văn Hảo nắm rõ hơn bao giờ hết.

Theo PGS.TS Lê Văn Hảo thì bạo lực học đường hay cách giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm của các em chính là biểu hiện của sự lệch chuẩn trong cách ứng xử mối quan hệ xã hội; nó tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nguy cơ đi kèm.

Việc các em học sinh sử dụng nắm đấm, giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng bạo lực cho thấy những kỹ năng xử sự, giao tiếp xã hội của bản thân đang bị thiếu hụt, không được định hướng theo những chuẩn mực nhất định.

Hầu hết các vụ bạo lực học đường thường xảy ra đối với các em từ 12 đến 19 tuổi, đây là lứa tuổi mà ở đó các em có sự biến đổi tâm, sinh lý rõ rệt. Chỉ cần một chút cảm xúc bồng bột, thiếu kiềm chế, hành vi, cách ứng xử của các em sẽ khó được kiểm soát.

Bên cạnh đó, cũng chính ở lứa tuổi này, các em luôn muốn thể hiện cái tôi cá nhân, sức mạnh của mình, muốn thu hút sự chú ý của đám đông, bè bạn xung quanh. Nên, khi đứng trước những hiểu lầm, vụ việc mâu thuẫn bình thường không có gì là nghiêm trọng, các em lại đẩy những mâu thuẫn này lên thành cao trào. Và đỉnh điểm là việc sử dụng vũ lực để giải quyết.

Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua không ngừng tuyên truyền, phản ánh về vấn nạn bạo lực học đường, nhưng số vụ việc tương tự vẫn không ngừng xảy ra.

PGS.TS. Lê Văn Hảo: "Cách giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm của các em chính là biểu hiện của sự lệch chuẩn trong cách ứng xử".

Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng thấy rằng, việc chưa trang bị tốt các kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát sự giận dữ cũng như cách ứng xử giải quyết những phát sinh trong cuộc sống xã hội, giao tiếp thường ngày cho các em học sinh cũng là lỗ hổng khiến số vụ bạo lực học đường, giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm gia tăng cả về tính chất lẫn mức độ trong thời gian qua.

Một số nhà tâm lý học cũng nêu ý kiến, các gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, trang bị kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử với bạn bè xung quanh thông qua các bài giảng một cách sinh động.

Đồng thời tạo thêm nhiều sân chơi, hoạt động giải trí lành mạnh cho các em học sinh; tuyên truyền mạnh về những mặt trái do mạng internet, phim ảnh bạo lực gây ra. Có như vậy, những vụ việc tương tự mới không phát sinh trong thời gian tới.

Khi phát hiện các em học sinh có hành vi bạo lực, luôn muốn thể hiện mình là "anh, chị" trong nhóm bạn, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần bình tĩnh, phân tích những việc gì nên làm, không nên làm cho các em. Qua đó, trang bị thêm cho các em cách giải quyết mâu thuẫn bằng phi vũ lực, giúp các em nói: "không bạo lực trong học đường". Tuyệt đối không được quát tháo, đánh đập các em. Bên cạnh đó, việc tạo ra những tấm gương sáng, làm điều hay lẽ phải, phi bạo lực xung quanh môi trường học tập, sinh sống của các em cũng là điều nên lưu tâm. Bởi khi đó các em sẽ được thụ hưởng những tấm gương đó, rồi tự mình tu chỉnh cách ứng xử của bản thân. Với các em khi bị bạn có những hành xử không đúng thì không nên có suy nghĩ tiêu cực (như tìm mọi cách trả thù, bỏ học…) mà thay vào đó là nhờ sự trợ giúp kịp thời từ phía các bậc phụ huynh, gia đình và các cơ quan chức năng.


Nhóm PV
.
.
.