Bảo hiểm y tế - Góp thêm ấm áp Tết đoàn viên
- Đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với 1.000 công nhân
- Ứng dụng “Bệnh viện 4.0” giúp người bệnh có bảo hiểm y tế
- Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
- Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để hưởng nhiều quyền lợi khi khám chữa bệnh
- Đà Nẵng: Đề nghị đóng 100% bảo hiểm y tế cho tổ phó tổ dân phố
Là một gia đình chỉ có mức thu nhập trung bình, chồng là công nhân phụ hồ, vợ là nhân viên tạp vụ, gia đình anh Nam và chị Mai sớm rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi cách đây dăm năm, anh Nam bị phát hiện mắc bệnh xơ gan.
Cùng với tốc độ phát triển của bệnh tật, anh Nam nhanh chóng mất đi sức khỏe, không còn có thể tiếp tục công việc phụ hồ vất vả.
Không chỉ thế, đến cả những công việc hằng ngày như đưa đón con đi học, anh cũng dần không thể phụ giúp vợ. Một mình chị Mai tần tảo vừa chăm sóc con nhỏ, vừa chăm sóc chồng ốm, mẹ già, lại cáng đáng gánh nặng kinh tế gia đình – có những lúc tưởng như người phụ nữ nhỏ bé ấy gục ngã trước những thử thách khắc nghiệt của số phận. Nhưng trách nhiệm của một người con, người vợ, người mẹ đã tiếp thêm nghị lực, giúp chị vượt lên tất cả.
Chị Mai ân cần chăm sóc chồng trên giường bệnh. |
Còn nhớ ngày anh Nam phát hiện bệnh, lúc đó chị Mai vừa sinh cô con gái nhỏ được tròn năm. Thấy chồng không khỏe, có những biểu hiện xuống sức, chị Mai nhiều lần giục anh đi kiểm tra. Nhưng phần vì tham công tiếc việc, phần lại lo ngại chi phí y tế tốn kém, anh Nam cứ lần lữa. Đến khi không thể gắng gượng được nữa, anh đến bệnh viện khám thì căn bệnh xơ gan đã trở nặng.
Tiếng là ở giữa Thủ đô, nhưng là một phụ hồ làm việc hưởng lương công nhật, dù đã có thời gian gắn bó với công việc hàng chục năm trời nhưng anh Nam không được chủ tham gia BHXH, BHYT. Quanh năm ngày tháng cật lực chạy khắp các công trình, đau ốm cũng chẳng dám nghỉ ngơi. Đến lúc mắc bạo bệnh, không chế độ BHXH, đi khám, chữa bệnh phải tự trả hoàn toàn chi phí, ông chủ lạnh nhạt cắt hợp đồng không một lời giải thích, anh Nam mới càng thấm thía câu “vắt chanh bỏ vỏ”, chỉ còn biết trách mình không sớm tự phòng thân.
Chồng mắc bệnh, chị Mai để hai đứa con nhỏ ở nhà, xin vào làm tạp vụ tại Công ty Hoàn Mỹ. Từ đây, khoản tiền lương ít ỏi của chị trở thành nguồn kinh tế chính nuôi sống cả gia đình. Không nói cũng biết cơ cực trăm bề, quanh năm suốt tháng trong cảnh giật gấu vá vai.
Trải qua mấy lần điều trị bệnh cho chồng, số tiền tiết kiệm ít ỏi trong nhà tích lũy bao nhiêu năm đã cạn, chị Mai quá thấm thía nỗi khổ viện phí nên đăng ký cho anh tham gia BHYT hộ gia đình. Rồi đến năm sau nữa thì anh chị đã thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước cấp thẻ BHYT. “Nếu không có BHYT, em cũng chẳng biết chồng em có thể chống chọi với bệnh tật đến ngày hôm nay nữa hay không” – Chị Mai tâm sự.
Với căn bệnh của anh Nam, chi phí điều trị hằng tháng lên tới con số hàng triệu với ai đó không phải quá lớn nhưng cũng không phải là nhỏ, nhất là với gia đình anh chị. Khi mà để có thể đảm đương nhu cầu chi tiêu tối thiểu của cả gia đình, chị Mai không quản ngại ngày nắng, đêm mưa, vừa làm việc theo giờ của Công ty, vừa nhận phụ giúp dọn nhà theo giờ cho các gia đình…
Thời gian làm việc của chị mỗi ngày đã không còn là 08 tiếng, cũng không còn khái niệm thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ, ngày Tết. Cộng thêm việc chăm sóc hai cô con gái nhỏ, chồng ốm đau, mẹ chồng già yếu.
“Cũng có người muốn thuê em làm giúp việc gia đình, hứa sẽ trả lương cao hơn, nhưng em không muốn bỏ việc Công ty, vì ở đây em được tham gia BHXH, BHYT đầy đủ. Đến khi già yếu hoặc rủi ro, còn có chế độ của Nhà nước. Cứ nhìn bài học từ chồng em là em thấy sợ quá rồi” – Chị Mai kể.
Những tưởng cứ gắng gỏi thì hoạn nạn sẽ qua. Nào ngờ cách đây 02 tháng, qua kiểm tra bệnh định kỳ, bác sĩ phát hiện anh Nam có khối u trong gan. Anh Nam được chuyển lên Bệnh viện ung bướu Hà Nội, chuẩn bị cho một đợt điều trị mới.
Chị Mai lại tất tả ngược xuôi, vừa chăm sóc chồng, vừa chăm sóc hai con nhỏ, mẹ già, vừa lo tiền cho anh điều trị. Dù BHYT đã chi trả phần lớn chi phí, nhưng có những khoản BHYT không chi trả, bên cạnh đó là chi phí chăm sóc sau điều trị đối với gia đình anh chị đều thực sự rất khó khăn.
Trong cái rủi lại có cái may. Bác sĩ nói anh Nam tuy thể lực yếu do bệnh lâu ngày, nhưng khối u trong gan được phát hiện sớm, có thể sử dụng phương pháp nút mạch khối u – một phương pháp điều trị được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay đối với căn bệnh ung thư gan.
Đáng mừng hơn là ca phẫu thuật của anh Nam được thực hiện sau thời điểm 1-12-2018, nhiều điểm mới trong chính sách BHYT có hiệu lực thi hành, hầu hết các loại thuốc, vật tư y tế sử dụng trong phẫu thuật nút mạch khối u gan đã được BHYT chi trả. Chị Mai cầm số tiền ít ỏi được người thân, bạn bè thăm hỏi, ủng hộ, trong lòng bớt đi một chút mối lo về khoản bồi bổ, chăm sóc chồng sau khi phẫu thuật…
Những ngày cuối cùng của năm 2018, tiếp chúng tôi trong phòng điều trị sau 03 ngày tiến hành phẫu thuật, sức khỏe của anh Nam đã tiến bộ hơn rất nhiều. Theo đánh giá ban đầu của bác sĩ, cơ thể anh đã thích ứng khá tốt với phương pháp nút mạch khối u.
Bây giờ việc hồi phục chỉ còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sau điều trị. Chắc chắn, anh sẽ được về nhà đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cùng mẹ, vợ và 02 cô con gái nhỏ. Tết này, niềm vui với gia đình anh chị lớn hơn khi cô con gái lớn tiếp tục duy trì học lực giỏi, cô con gái nhỏ đã vượt qua vòng thi cấp quận/huyện, chuẩn bị thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp Thành phố.
“Với vợ chồng tôi và nhiều người không may mắc bạo bệnh giống như tôi, bảo hiểm y tế không chỉ mang lại cơ hội được sống, mà còn giúp chúng tôi có thêm nhiều cái Tết đoàn viên cùng gia đình, cho tôi cơ hội được nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành” – Anh Nam và chị Mai xúc động chia sẻ./.