Bác sỹ Việt kể chuyện chống COVID-19 tại Pháp

Thứ Năm, 16/04/2020, 20:20
"Dịch bùng ở đâu, thì bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh nơi đó sẽ là những đơn vị đầu tiên và trường kì với dịch. Bạn không có sự chuẩn bị sớm thì chắc chắn đó là lỗi của các bạn với chính sức khoẻ của người thân, bạn bè bạn", bác sỹ Lê Thị Thương viết. 


Theo thông tin từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, mỗi năm, hàng chục bác sỹ nội trú và bác sỹ Việt Nam sang Pháp học tập trong khuôn khổ chương trình DFMS/A của Chính phủ Pháp. 

Bác sỹ Lê Thị Thương, chuyên hồi sức cấp cứu Bệnh viện E Hà Nội là một trong những người như vậy. Chị đã làm việc tại Khoa Hồi sức nội, Bệnh viện Colmar từ tháng 11 năm 2019. Đây là một trong những vùng của Pháp bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
Nhân viên y tế bệnh viện Mulhouse, phía Đông nước Pháp, đang đưa một bệnh nhân ra trực thăng để chuyển tới các bệnh viện ở vùng bị dịch nhẹ. Ảnh Reuters

Trong khi bạn bè, du học sinh các nước tìm cách quay về Việt Nam hay chuẩn bị đồ để tự cách ly trong nhà nếu không thể hoặc được khuyên ở lại xứ người, bác sỹ Thương đã quyết định ở lại để cùng các đồng nghiệp Pháp đối phó với dịch bệnh COVID-19. Và mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, chị đã kể lại những trải nghiệm khó quên của mình. 

Bác sỹ Thương cho biết, ban đầu, không chỉ riêng chị mà tất cả người Pháp đều nghĩ dịch bệnh ở thật xa và có vẻ như không có thực. Nhưng "dịch bệnh thực sự đến với mình, gần mình hơn bao giờ hết, đó là khi bác Trưởng khoa chỗ mình học sau hơn 10 ngày tự cách ly, có suy hô hấp rồi vào chính khoa mình. Bạn có thể tưởng tượng được không khi điều đó làm cả khoa mình bàng hoàng như thế nào. Chính xác là cảm giác bủn rủn chân tay. Và cái cảm giác tự tay mình đặt ống thở cho đồng nghiệp, tận mắt thấy đồng nghiệp nằm yên bất động với máy thở, mắt nhắm nghiền, cảm giác mỗi ngày xem kết quả xét nghiệm của đồng nghiệp, có thể nói nó rất đau, thực sự đau... 

Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình của bác ấy còn rất nguy hiểm. Cả khoa mình vẫn luôn hỏi thăm tình hình của bác ấy từ khi bác ấy chuyển viện điều trị tiếp. Chỉ cầu mong tuổi chưa cao, không bệnh nền sẽ giúp bác ấy qua được..”, bác sỹ Thương nhớ lại.

Bức ảnh về điều trị bệnh nhân COVID-19 được bác sỹ Thương dùng để minh hoạ cho bài viết trên Facebook cá nhân.

Và kể từ khi dịch bùng phát ở Pháp, mọi thứ đều bị đảo lộn. "Mình hiện tại đang học và làm việc như một bác sĩ nội trú tại Khoa Hồi sức nội Bệnh viện Colmar, Pháp - trung tâm dịch (ổ khởi phát là thành phố Mulhouse bên cạnh). Trước đợt dịch, bọn mình có 5 nội trú, đủ chia ca trực. Tuy nhiên bắt đầu có dịch, mọi việc đảo lộn. 

Một nội trú COVID dương tính (khả năng cao lây từ bác Trưởng khoa) phải nghỉ làm và nghỉ trực, một bạn nội trú nghỉ phép. Công việc thì tăng lên, số lượng buổi trực cũng phải tăng lên và số người thì ngược lại. Đỉnh điểm của mình là 4 buổi trực liên tiếp cách ngày, trực xuyên 24h và không ngủ. Chính xác là không ngủ. Thực ra điều này so với dân hồi sức thì không có gì là to tát cả tuy nhiên, nếu đó là 1 tháng- ok, ca marche. Nhưng nếu nó kéo dài hơn thì: bạn sẽ lực bất tòng tâm, bạn sẽ kiệt sức trước cả bệnh nhân và ….bạn biết đấy: GAMER OVER!", bác sỹ Thương viết.

Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết và những hỗ trợ từ gia đình và đồng nghiệp, Khoa Hồi sức nội đã có thêm 3 bác sĩ nội trú từ các chuyên khoa khác đến giúp đỡ. "Bắt đầu thấy có dấu hiệu khởi sắc đầu tiên cuối tháng 3. Những hỗ trợ từ nhà ăn bệnh viện với các phần ăn đặc biệt gửi đến Hồi sức và các đơn vị COVID, những dòng thông điệp của các khoa gửi đến cổ vũ, động viên. Đây là những động lực to lớn đối với bọn mình", bác sỹ Thương tâm sự. 
Pháp là một trong những quốc gia ở châu Âu chịu thiệt hại nặng nề về dịch COVID-19.

Nói về tình hình trang thiết bị y tế, bác sỹ Thương cho biết, trong 1 tuần đầu, đồ bảo hộ có đầy đủ gồm: quần áo giấy dùng 1 lần, khẩu trang FFP2 (chuẩn Châu Âu, N95 chuẩn Mỹ), mũ, kính. Phòng bệnh nhân COVID-19 là phòng áp lực âm 100%. Tuần thứ 2, vì toàn bộ khoa là COVID-19 do đó phòng bệnh nhân không âm, không dương luôn, khẩu trang và quần áo chuyển từ dùng cho mỗi bệnh nhân thành dùng cho tất cả bệnh nhân và chỉ được thay khi đi ăn cơm. Đến tuần thứ 3, quần áo giấy được gom lại, giặt, xử lý rồi mặc lại...

"Nước Pháp thiếu vật tư y tế cho nhân viên y tế tuyến đầu chúng mình. Bon, vẫn phải thích nghi (hình như vẫn còn đỡ hơn các bạn Mỹ). Và đến thời điểm hiện tại chúng tôi đặt ống cho bệnh nhân thường xuyên, khám bệnh nhân (ít nhất ngày 3, 4 hoặc n lần/bệnh nhân), làm việc với dịch tiết của bệnh nhân hằng ngày... Đây chỉ mới là tình hình ở chỗ mình, còn trên Strasbourg nghe đồng nghiệp nói có đến gần 200 giường hồi sức với khoảng gần 80% thở máy. Không hiểu một buổi trực cần bao nhiều bác sĩ, bao nhiêu điều dưỡng để hoàn thành khối công việc siêu to khổng lồ này", bác sỹ Thương kể. 

Chị cũng cho biết thêm, liên quan đến chiến lược chống dịch, chiến lược điều trị bệnh nhân, hiện tại, tất cả các nước có dịch đều lúng túng, toàn thế giới đều lúng túng trong việc ra chiến lược trong trận dịch này. Về thuốc điều trị đặc hiệu virus, có rất nhiều loại thuốc chống lại virus nhưng thực tế cho đến nay chưa có thuốc nào thực sự đủ mạnh để trở thành thuốc điều trị virus chính thức. 
Nhân viên y tế Pháp đã phải làm việc cật lực kể từ khi dịch bệnh bùng phát. 

Từ Pháp nhìn về Việt Nam, bác sỹ Thương nhận định: "Ở Việt Nam, thực sự các biện pháp phòng chống dịch cho đến hiện tại với mình là đã đúng hướng và phù hợp với Việt Nam". 

Nhưng theo quan điểm của một người có kinh nghiệm đối phó với COVID-19 thời gian qua, bác sỹ Thương cảnh báo rằng, Việt Nam vẫn còn đang ở pha 1, nghĩa là phong toả khoanh dịch còn hiệu quả. Một khi dịch chuyển pha 2, phong toả khoanh dịch không còn hiệu quả thì chắc chắn sẽ tiến vào pha 3, nghĩa là COVID-19 ở mọi vùng lãnh thổ của Việt Nam. "Càng kéo dài được thời gian pha 1, chúng ta càng có thời gian chuẩn bị tốt về mọi mặt: trang thiết bị y tế, con người, chiến lược….vv", bác sỹ Thương nhấn mạnh.


H.Chi
.
.
.