“Quyền theo tiếp”: Giấc mơ xa vời của họa sĩ Việt?

Thứ Năm, 09/07/2020, 14:20
Mới đây, giám tuyển mỹ thuật Nguyễn Như Huy khiến giới họa sĩ trong nước bàn tán xôn xao khi anh đề cập đến quyền ARR, tạm gọi là “quyền theo tiếp”. Biết đến quyền này, phần lớn họa sĩ đều ngã ngửa khi hiểu rằng mình có thể đang bị “móc túi” một thời gian dài mà không hề hay biết.


Những năm gần đây, vấn đề bản quyền trong lĩnh vực hội họa được dư luận chú ý. Tuy nhiên, theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, vấn đề bản quyền chỉ là một khía cạnh của thị trường nghệ thuật. Nói đúng hơn, nó chỉ thuộc về một nửa không gian pháp lý của thị trường: không gian bảo vệ cho người mua. Còn không gian pháp lý bảo vệ chủ thể sáng tạo là nghệ sĩ thì sao? Nhân đó, anh đề cập đến “quyền theo tiếp”.

 “Quyền theo tiếp” trong tiếng Anh được viết rõ là “Artist's resale rights” (ARR). Giới chuyên môn vẫn dịch nôm na là quyền “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, đây là quyền hưởng tiền phần trăm của tác giả khi tác phẩm của họ được mua đi bán lại sau khi đã rời xưởng. Thậm chí nếu nghệ sĩ đã chết, thì người thụ hưởng tiền phần trăm là gia đình nghệ sĩ.

Quyền này ra đời từ vụ việc có liên quan đến gia đình hoạ sĩ người Pháp Jean Francois Millet (1814-1875). Jean Francois Millet là tác giả của bức tranh nổi tiếng “Angelus”. Năm 1858, nó được bán với giá 553.000 quan Pháp.  Đến năm 1889, nó được bán tiếp với giá 750.000 quan Pháp. Bất chấp giá tranh tăng phi mã như thế, cả gia đình họa sĩ vẫn sống trong cảnh bần hàn khi ông qua đời. Do đó, cho tới năm 1920, Pháp ban hành luật thuế cho quyền được hưởng phần trăm của nghệ sĩ mỗi khi tranh được giao dịch.

Hầu hết họa sĩ Việt Nam đều xa lạ với quyền ARR. (ảnh minh họa).

“Quyền theo tiếp” không tính vào lần đầu tiên tác phẩm được giao dịch (chẳng hạn như hoạ sĩ tự bán tranh, hay ai đó được hoạ sĩ tặng tranh rồi đem bán lần đầu tiên). Song nó sẽ bắt buộc áp dụng trong các giao dịch tiếp theo với giá tác phẩm vượt 1.000 bảng Anh. Sự mua bán đi bán lại có thể đến từ gallery, từ nhà đấu giá, hay từ nhà môi giới nghệ thuật độc lập.

Nói chung, bất kỳ khi có giao dịch thứ cấp diễn ra, thì tác giả, vẫn có tiền phần trăm từ những giao dịch đó dù họ đã bán tranh rồi. Hiện nay, ARR được áp dụng trên 70 quốc gia. Ở nước Anh, thuế phần trăm này còn kéo dài đến 70 năm cho người thừa kế sau khi nghệ sĩ qua đời. Tại Mỹ, giám tuyển - nhà môi giới các dự án nghệ thuật vị niệm Seth Siegelaub và luật sư Robert Provjansky đưa ra con số phần trăm lợi tức mà họa sĩ được hưởng từ các giao dịch thứ cấp lên tới 15%!

Nhìn lại thị trường Việt Nam, rõ ràng chúng ta có rất nhiều giao dịch thứ cấp. Nhiều tổ chức bán tranh qua mạng, qua gallery, hay đặc biệt qua mô hình đấu giá, kể cả đấu giá từ thiện thì đó vẫn là một giao dịch. Giám tuyển Nguyễn Như Huy đặt câu hỏi: “Vậy đã có nghệ sĩ nào thu được tiền từ quyền “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” từ các giao dịch trong nước chưa? Ở thế giới, dạo này có rất nhiều giao dịch tranh của nghệ sĩ Việt Nam tại các nhà đấu giá. Đã có nghệ sĩ nào thu được xu nào từ quyền này chưa? Nếu chưa thì sao không bắt đầu đòi đi?”. Bởi theo anh, căn cứ quy định của ARR, số tiền mà các họa sĩ Việt có thể bị “móc túi” ít nhất là 1 triệu đồng và nhiều nhất là 4 triệu đồng mỗi khi bán được bức tranh có giá 29 triệu đồng mà họ không hề hay biết. Số tiền bị “móc túi” càng lớn khi giá trị bức tranh vượt xa con số 29 triệu.

Quyền ARR trong hội họa có nhiều đặc điểm khá giống với thuế phần trăm trong xuất bản và tiền tác quyền trong âm nhạc. Một cuốn sách được tái bản thì tác giả tiếp tục được thụ hưởng tiền phần trăm từ lần tái bản đó. Hoặc bất cứ ai dùng tác phẩm âm nhạc vào mục đích thương mại đều phải trả tiền tác quyền mỗi lần sử dụng cho chủ sở hữu tác phẩm, thông thường chính là nhạc sĩ. Quyền ARR giúp họa sĩ đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Điều này càng cấp thiết bởi tính độc bản của hội họa khiến giá trị của nó luôn luôn được đẩy cao hơn sau mỗi lần giao dịch. Quyền ARR không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn giúp người mua truy xuất nguồn gốc tác phẩm, tri ân người “mang nặng đẻ đau” ra tác phẩm.

Đáng buồn là đa số họa sĩ Việt Nam đều mù mờ về quyền ARR. Do đó, khi giám tuyển Nguyễn Như Huy nhắc đến, nó được cộng đồng họa sĩ chia sẻ, bàn tán rầm rộ. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết bà có rất nhiều tranh được giao dịch ở nước ngoài.

“Tuy nhiên tôi không hề biết đến quyền này. Tôi bán xong tranh là coi như mình mất vĩnh viễn bức tranh đó. Mình chỉ còn tư cách tác giả của bức tranh đó thôi chứ quyền lợi vật chất không còn. Sau này, họ mua đi bán lại tranh của tôi thế nào thì tôi không còn liên quan gì nữa” – họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nói. Còn họa sĩ Bùi Thanh Tâm thì biết đến quyền ARR từ năm 2012 nhưng cũng như họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, ông chưa bao giờ được hưởng lợi tức từ quyền này.

Nhiều người trong giới cho rằng chính vì họa sĩ Việt Nam thiếu hiểu biết, nên ở các nước áp dụng ARR, họ cũng tảng lờ và không thực hiện quyền để trục lợi. Ngay như các nhà đấu giá danh tiếng, quyền này cũng ít trở thành hiện thực với họa sĩ Việt. Bởi chính ở nơi đây, tranh giả sao chép tác phẩm của các bậc thầy hội họa nước ta vẫn ngang nhiên được rao bán công khai từ năm này qua năm khác.

Mới đây, một nhà đấu giá nổi tiếng ở Pháp rao bán trực tuyến hai bức họa của danh họa Nguyễn Tiến Chung và Bùi Xuân Phái. Các bức tranh này nhanh chóng bị thân nhân của hai cố họa sĩ lên tiếng là tranh giả vì nét vẽ quá ngô nghê, hời hợt. Họa sĩ Bùi Trọng Dư chua chát kết luận: “Qua các vụ “tranh rởm” từ nhà đấu giá cho thấy: Hoặc các chuyên gia nhà đấu giá quá kém hoặc các nhà đấu giá lợi dụng danh tiếng của chính họ để trục lợi”.

Một bức tranh nhái lại một cách ngô nghê bức “Được mùa” của danh họa Nguyễn Tiến Chung.

Nếu các họa sĩ nước ngoài luôn có luật sư riêng lo khâu pháp lý một cách chặt chẽ, tường tận khi mua bán tranh thì họa sĩ Việt Nam gần như đơn thương độc mã “tự bơi”. Các giao dịch mua bán tranh của họa sĩ nước ta vẫn theo kiểu thuận mua vừa bán. Theo họa sĩ Uyên Huy, với bản tính nghệ sĩ, hầu hết anh em trong giới mỹ thuật ít để ý đến các vấn đề pháp lý phức tạp. Ngay cả khâu đăng ký bản quyền, họ cũng ngại ngần vì thủ tục hành chính còn khá rườm rà. Nhiều họa sĩ cho hay khi biết được quyền ARR, việc tiến hành áp dụng khi họa sĩ Việt đem tranh đi bán ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp... còn khả dĩ nếu được hỗ trợ pháp lý chặt chẽ. Riêng ở thị trường nội địa, họ không mong thu được đồng nào. Nguyên nhân trước hết, nước ta chưa áp dụng quyền ARR.

Thứ hai, ngay như tình trạng xâm phạm bản quyền, Việt Nam dù đã có Luật Sở hữu trí tuệ và tham gia nhiều Công ước về bản quyền hẳn hoi nhưng vấn nạn này vẫn hoành hành một cách trắng trợn, công khai. Đúng là vấn đề bản quyền tuy được quan tâm nhiều hơn trong vài năm trở lại đây nhưng tình trạng này vẫn rất bát nháo.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho hay, nhiều nước phạt rất nặng, thậm chí bỏ tù người làm tranh giả. Còn ở Việt Nam, các họa sĩ đành “sống chung với lũ” vì nếu đi kiện cũng lắm rắc rối phiền hà. Nhìn lại các vụ việc bị phanh phui gần đây, hội đồng chuyên môn khẳng định 100% là tranh giả nhưng rút cuộc chưa có vụ việc nào được xử phạt đến nơi đến chốn bằng pháp lý. Tất cả vẫn dừng ở mức đánh động dư luận, cầu xin lương tâm của những kẻ ăn cắp chất xám người khác. Khi hệ thống pháp lý trong nước còn lỏng lẻo, chế tài chưa đủ răn đe, vấn đề căn bản nhất của họa sĩ là bảo vệ quyền tác giả vẫn chưa được giải quyết rốt ráo thì quyền được hưởng lợi tức từ giao dịch thứ cấp chỉ như giấc mơ xa xỉ. Song đến một lúc nào đó, quyền ARR phải trở thành hiện thực với hệ thống pháp lý đồng bộ, nếu nước ta thực sự muốn bước vào một nền mỹ thuật chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.