Nam Nhã Đường, một danh lam xứ Cần Thơ

Thứ Năm, 11/06/2020, 17:43
Di tích lịch sử cấp quốc gia Nam Nhã đường ở thành phố Cần Thơ, tọa lạc bên bờ sông Long Tuyền, đối diện với đình Bình Thủy, là một di tích không chỉ đẹp bởi kiến trúc, chữ nghĩa, hay  không gian trang nhã mà còn ở những giá trị tôn giáo, lịch sử tiềm ẩn...


Đức Tế Phật đường

Đối diện với đình Bình Thủy cổ kính, còn có tên là Long Tuyền cổ miếu, qua con sông Long Tuyền, là ngôi chùa thấp thoáng mái ngói đỏ, cây cổ thụ tỏa bóng. Cổng chính của chùa đề “Nam Nhã Đường”. Hai bên cổng có đôi câu đối, hai chữ đầu ghép thành tên chùa: “Nam địa độ nguyên nhân, bát nhã cầm thanh thông giác lộ/ Nhã đình chiêu thiện khách, bồ đề thụ ảnh cái thiền môn” (nghĩa là: Nam địa độ nguyên nhân, Bát nhã tiếng đàn thông giác lộ / Nhã đình mời thiện khách, Bồ Đề bóng mát rợp thiền môn). Cả ba cổng đều có mái, có câu đối chữ nghĩa hàm súc.

Sân chùa nhiều cây tùng, trắc bách diệp và nhiều cây cổ thụ khác, giữa sân có núi non bộ lớn và một bể trồng sen lá xanh mướt, tạo một không gian thanh tịnh. Ngôi cổ tự mặt tiền kiểu phương Tây với những vòm cong, nhưng mái chùa có lưỡng long tranh châu kiểu Đông Tây kết hợp, tấm hoành phi nền vàng, chữ đỏ trên cửa chính vào nội điện đề “Đức Tế Phật Đường”, vậy là nơi đây ngoài tên Nam Nhã, còn có tên là Đức Tế.

Thầy Thiện Đức.

Năm 1890, ngôi chùa được xây dựng đơn sơ, lợp lá. Đến năm 1917, Thái lão sư Nguyễn Đạo Cơ, người làng Bình Thủy, học trò của Bùi Hữu Nghĩa cùng ban chủ sự hưng công xây dựng lại. Thái cô Mai Kim Lan, con gái một vị điền chủ lớn ở Hậu Giang đã cúng 44 công đất. Năm 1923, Phật đường được hoàn thiện có quy mô hiện nay.

Phật đường có hệ thống chữ Hán rất phong phú, ngoạn mục, lưu lại nét bút tài hoa của tiền nhân. Ngoài những chữ mang nội dung tôn giáo, có hoành phi đề “Tùng Cúc Mậu” mang phong vị Nho gia. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ hàng trăm mộc bản khắc in kinh sách được khắc cách đây một thế kỷ, chứng tỏ rất nhiều trí thức Nho học đã vân tập tại đây.

Tấm bia quốc ngữ dựng ở sân chùa giới thiệu cho hay, từ năm 1905 chịu ảnh hưởng của phong trào Đông Du, truyền thống yêu nước của các vị lão sư và các Phật tử được khởi động. Chùa trở thành trụ sở kinh tài, ủng hộ học sinh xuất dương du học chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp, truyền bá văn thơ yêu nước.

Theo nhiều tài liệu, Phan Bội Châu và Cường Để đã lưu lại chùa này một thời gian để vận động ủng hộ phong trào Đông Du. Theo cuốn “Vĩnh Long vùng đất và con người” của Nguyễn Chiến Thắng, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Phan, cho con em xuất dương sang Nhật, Cai tổng Cần Thơ kiêm Hội trưởng Hội khuyến học tỉnh Nguyễn Thần Hiến đã ủng hộ số tiền tương đương 300 lượng vàng; thương gia Lâm Bình cho hai con mang theo số tiền tương đương 70 lượng vàng; điền chủ Lưu Đình Ngoạn bán 72 mẫu ruộng để ủng hộ 450 lượng vàng…

Nam tông Minh sư đạo

Nam Nhã đường không phải là ngôi chùa theo nghĩa thông dụng là nơi thờ Phật, mà là Phật đường của Nam tông Minh Sư đạo.

Một thanh niên trẻ thanh tú, mặc quần áo nâu sẫm, đeo tràng hạt ra tiếp chúng tôi. Hỏi ra mới biết đó là thầy Thiện Đức, tu sĩ của Nam Nhã đường. Theo thầy Thiện Đức, Minh Sư đạo thờ theo ngũ hành gồm: Thiên bàn thuộc Hỏa; Long thần hộ pháp thuộc Thủy; Lịch đại tổ sư thuộc Kim; Lịch đại tông thân (bá tánh) thuộc Mộc và Ngũ phương Thổ thần thuộc Thổ.

Gian chánh điện thờ Tam giáo Thánh nhân với ba pho tượng đồng cao chừng 80cm đặt trong khám, chính giữa là Đức Thích Ca Văn Phật, hai bên là Đức Khổng Tử Chí Thánh và Đức Lão Tử Đạo Tổ. Nhìn cách thiết trí chánh điện chúng tôi nghĩ rằng, mặc dù với một xuất xứ khác nhưng Minh Sư đạo cũng tương đồng với quan niệm Tam giáo đồng nguyên thời Lý -Trần, đã góp phần tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ.

Phía trước ba pho tượng chính là ba pho tượng nhỏ hơn, chính giữa nhưng để thấp hơn là vị Thiên Nguyên Cổ Phật, hai bên là Diêu Trì Kim Mẫu và Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Điều đặc biệt là ở bàn thờ chính điện có treo ngọn đèn có tên là Vô cực huyền đăng, còn gọi là Nhiên Đăng luôn thắp sáng, được treo bằng trong một khung tròn,  dưới ngọn đèn đặt một bình tịnh thủy (nước trong), hai bên bình nước là hai chiếc đĩa sứ nhỏ đặt trên đế cao. Bình tịnh thủy tượng trưng cho ngôi Thái cực, hai chén nước hai bên là lưỡng nghi, với chén cơm ở giữa hợp lại là Tam tài, tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân. Phía trong cùng, dưới các pho tượng là một tấm gương để nhắc tín đồ phải luôn hồi quang phản chiếu.

Điều khác biệt nữa là ngày thường thì thắp hương nhưng khi có lễ thì không thắp hương mà đốt bột thơm. Thầy Thiện Đức cho chúng tôi xem hai chiếc thố sứ nhỏ đặt hai bên lư hương, trong đó một thố là bột hương, một thố đựng những thanh gỗ trắc bách diệp như những que diêm. Khi hành lễ, bột thơm được đổ vào lư hương và những mẩu trắc bách diệp được đốt cháy cắm vào bột thơm, tỏa một mùi hương thanh nhã. Lễ vật bao gồm cơm, năm loại trái cây và năm loại thức ăn khô, tuyệt đối không dùng rượu thịt.

Tu sĩ không cắt tóc

Khác với giáo phẩm Phật giáo, trong Minh Sư đạo, các tu sĩ được phân cấp gồm ba bậc. Bậc Thượng thừa gồm: Thái Lão sư (Tổ sư), Thập địa Lão sư (Đại Trưởng lão – không quá 10 người), Bổ thiệt Lão sư (Đại Lão sư), Đảnh hàng Lão sư (Trưởng lão). Bậc Trung thừa gồm: Bảo ân, Dẫn ân, Chứng ân và Thiên ân. Bậc Hạ thừa gồm: Tam bộ, Nhị bộ, Nhất bộ, Sám hối (ăn chay trường, giữ giới đạo) và Quy y Hộ đạo (ăn chay kỳ). Nữ phái chỉ cầu đạo trong phạm vi hai bậc là Hạ thừa và Trung thừa (phẩm cao nhất là Bảo ân). Minh Sư đạo tu vô vi, không chấp tướng, tu sĩ không thí phát (cắt tóc) nhưng bắt buộc người tu phải ăn chay trường, tuyệt dục, giữ giới luật Đạo pháp.

Hiện nay tại Nam Nhã đường, bên phải ở dãy nhà Càn đạo có 7 nam tu sĩ, bên trái là Khôn đạo có 6 nữ tu sĩ, hai dãy nhà có hành lang dẫn lên chánh điện. Đạo phục của nam tu sĩ khi hành lễ là áo rộng màu đen, quần trắng, đội mão màu đen, mang giày vải đen. Nữ phái để đầu trần, chân mang hài nhung đen.

Dù cho nam nữ cùng ở, cùng tu nhưng bảng quy định được treo nơi Phật đường ghi rõ là tuyệt đối cấm nam nữ tu sĩ trò chuyện, tiếp xúc riêng tư với nhau, khi tiếp xúc chỉ được bàn về đạo pháp và công việc chung của Phật đường.

Sân trước Nam Nhã Đường.

Ngồi trò chuyện với thầy Thiện Đức trên bộ tràng kỷ kê ở nhà Càn đạo, tôi băn khoăn về chữ “nguyên nhân” ở câu đối ngoài cổng, không biết diệu ý là gì, thầy Thiện Đức giải thích: Minh Sư đạo chia thế giới thành ba cõi: Thiên giới, Địa giới và Thủy giới. Địa giới là cõi âm phủ, Thủy giới là thế giới loài người, Thiên giới là cõi trời. Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị chủ tể ngự trị ở cõi trời, nhưng chưởng quản cả hai thế giới còn lại.

Giáo lý chia thời gian thành ba kỳ tức Tam nguyên: Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên, mỗi kỳ có 12 Hội; mỗi Hội là 10.800 năm. Thượng nguyên là giai đoạn Diêu Trì Kim Mẫu tạo lập thiên địa. Lúc bấy giờ ngài cho 96 ức Nguyên nhân (Linh căn) xuống trần, đến nay đã trải qua đời Thượng nguyên, Trung nguyên và sắp hết đời Hạ nguyên mà chỉ có 4 ức Nguyên nhân trở về với mẹ. Như vậy còn 92 ức Nguyên nhân đang chìm trong biển trầm luân, đời mạt kiếp sắp tới, Di Lặc Cổ Phật sẽ xuống trần lập Hội Long Hoa, tế độ tất cả các Linh căn đó.

Về các tu sĩ đang tu hành tại Nam Nhã đường, thầy Thiện Đức chia sẻ, đường chủ của Nam Nhã đường hiện nay là Đại Tiên sanh Hồ Minh Phong, vốn là một cử nhân công nghệ thông tin. Thầy Thiện Đức cũng tốt nghiệp Đại học Xây dựng, đã ăn chay trường từ thời còn học phổ thông, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học mới quy y. Trong Phật đường còn có một vị là kỹ sư nông nghiệp…

Hiện nay, Minh Sư đạo có 53 Phật đường hoạt động ở 18 tỉnh, thành phố  từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh và nhiều nhất là đồng bằng sông Cửu Long với 300 chức sắc, hơn 1.262 chức việc và trên 11.224 tu sĩ, tín đồ. Tổ đình của Minh Sư đạo đặt tại Quang Nam Phật Đường ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.

*

Chia tay thầy Thiện Đức, hòa vào dòng xe cộ tấp nập, chúng tôi nghĩ rằng, Nam Nhã là điểm đến để lòng người lắng lại, bớt chuyện sân si, phiền não cho cuộc sống được an bình. Cần Thơ là thành phố trù phú, đang phát triển từng ngày, những di tích như chùa Nam Nhã, đình Bình Thủy, khu lưu niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa… là những viên ngọc quý về bề dày văn hóa, tinh thần và tâm linh, tô điểm cho mảnh đất gạo trắng nước trong này.

Nguyễn Phan Khiêm
.
.
.