Phát triển Mobile Money: Phải đặt bảo mật lên hàng đầu
Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sáng 11/5, phía NHNN khẳng định, nguyên tắc bảo mật phải đặt lên hàng đầu và sẽ “không thỏa hiệp”.
Từng kỳ vọng “bùng nổ sau một đêm”, nhưng đã 6 tháng trôi qua, Mobile Money vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Tuy nhiên, tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sáng 11/5, phía NHNN khẳng định, nguyên tắc bảo mật phải đặt lên hàng đầu và sẽ “không thỏa hiệp”.
30% khách hàng đăng ký dịch vụ nhưng không đủ điều kiện
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán đánh giá, sau 6 tháng triển khai thí điểm, Mobile Money đã tăng trưởng khả quan với hơn 1,1 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ). Về phát triển điểm kinh doanh, tại thời điểm cuối tháng 3/2022, hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 900 điểm, chiếm khoảng 30% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập. Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán được thiết lập đến cuối tháng 3/2022 là hơn 12.800 đơn vị chấp nhận thanh toán, trong đó chủ yếu là các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục,… Sau 6 tháng triển khai thí điểm, tổng số lượng giao dịch qua Mobile Money đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch nhưng giá trị còn khiêm tốn (hơn 370 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nếu so với kỳ vọng “bùng nổ sau một đêm” thì nửa năm, cả nước mới chỉ có 1,1 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile Money, chưa tới 1% tổng số lượng thuê bao di động của cả nước được cho là con số còn khiêm tốn. Theo 3 doanh nghiệp thí điểm Mobile Money (Vinaphone, MobiFone, Viettel), việc triển khai dịch vụ thí điểm 6 tháng đầu năm vẫn còn rất nhiều vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT (Vinaphone) cho rằng, để người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa dễ sử dụng thì vấn đề đầu tiên là cần phải đơn giản trong sử dụng. Mâu thuẫn nằm ở chỗ, quản lý thì muốn chặt chẽ còn sử dụng lại muốn đơn giản. Cụ thể, điều kiện để mở tài khoản Mobile Money là rất chặt chẽ: KYC chính xác khách hàng; chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Theo ông Tấn, điều kiện quá chặt với Mobile Money (trong khi hầu hết các ngân hàng đã cho phép khách hàng đăng ký tài khoản online và eKYC toàn trình) đã làm mất đi tính ưu việt của Moble Money và làm cho doanh nghiệp thí điểm phải tốn thêm nguồn lực để phát triển thuê bao di động trở thành khách hàng Mobile Money. Thực tế tại VNPT, tính đến tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ nhưng không thành công do không đáp ứng các yêu cầu trên tại VNPT-Media là 156.351 người, chiếm 30% tổng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Các nguyên nhân bao gồm: Không thành công do áp dụng công nghệ AI, Big Data, do thay đổi căn cước công dân, do không đủ điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng dịch vụ liên tục trong ít nhất 3 tháng…
Ông Tấn cho rằng, vấn đề này có thể xử lý một cách đơn giản bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Ngoài ra, một khó khăn khác, theo bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone là do hạn mức của Mobile Money chỉ dưới 10 triệu đồng, thấp hơn ví điện tử rất nhiều.
Mobile Money hoạt động như dịch vụ tài chính thì phải tuân thủ các nguyên tắc
Ghi nhận những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thí điểm, song ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán khẳng định, NHNN có mấy nguyên tắc không thỏa hiệp. Thứ nhất là phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là vấn đề bảo mật. Thứ hai, phải bảo vệ an toàn tài chính (eKYC, phòng chống rửa tiền…), Mobile Money hoạt động như dịch vụ tài chính thì phải tuân thủ các nguyên tắc trên.
Ông Dũng đề nghị các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công, các khoản trợ cấp Chính phủ qua dịch vụ Mobile Money.
Thông tin thêm với các doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (Bộ Công an) cho biết, đối với nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nói chung và các nhà mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money nói riêng.
Cụ thể xác thực dữ liệu dân cư để làm sạch thuê bao di động, cấp tài khoản Mobile Money theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 88/TP-VPCP ngày 29/3/2022. Bộ Công an đã chủ trì làm việc cùng với các nhà mạng xây dựng quy trình, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện kết nối làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác trên nền tảng dữ liệu dân cư; cấp tài khoản Mobile Money, cấp sim chính chủ gắn với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Về giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, hiện nay, Bộ Công an đang triển khai thí điểm việc xác thực thẻ căn cước công dân thật/giả, xác thực thông tin cơ bản, thông tin sinh trắc với dữ liệu được lưu trữ trong chip của thẻ căn cước công dân, nhằm tránh các rủi ro, gian lận trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông, công chứng và các giao dịch dân sự, thủ tục khác.
“Do vậy, các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money tích hợp giải pháp này là cần thiết nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp. Hình thức của giải pháp này được thể hiện qua các đầu đọc thẻ căn cước công dân gắp chip, thiết bị xác minh di động tại quầy giao dịch, thư viện tích hợp vào các ứng dụng mobile trên nền tảng di động”, ông Hiệp cho biết.