Mobile Money: "Mỏ vàng" cho các nhà mạng viễn thông

Thứ Tư, 24/03/2021, 07:39
Việc Chính phủ chính thức cho triển khai thí điểm Mobile Money tại Việt Nam được cho là mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Cụ thể, người dân dùng Mobile Money sẽ có thêm một lựa chọn hữu dụng phục vụ chi tiêu với các tiện ích gần như ví điện tử nhưng không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng...


“Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại” - đây là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh khi nói về việc thí điểm Mobile Money.

Với khoảng 124 triệu thuê bao điện thoại di động, đây sẽ là “mỏ vàng” cho các nhà mạng viễn thông trong cuộc chạy đua với các ví điện tử.

Mobile Money giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.

Việc Chính phủ chính thức cho triển khai thí điểm Mobile Money tại Việt Nam được cho là mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Cụ thể, người dân dùng Mobile Money sẽ có thêm một lựa chọn hữu dụng phục vụ chi tiêu với các tiện ích gần như ví điện tử nhưng không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng.

Với các ngân hàng, họ sẽ tăng lượng giao dịch mặc dù với Mobile Money thì không nhất thiết phải thông qua ngân hàng, nhưng về bản chất, khi chuyển tiền qua Mobile Money thì nhà mạng vẫn phải thực hiện đối ứng 1:1 với ngân hàng.

Còn với các nhà mạng, đơn vị sở hữu giải pháp Mobile Money sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi lượng tiền giao dịch có thể đạt mức khổng lồ với hơn 124 triệu thuê bao đang được sử dụng tại Việt Nam. Đây có thể coi là thị trường tiềm năng béo bở nhất dành cho các nhà mạng. Hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng tất cả các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Nếu hạn mức giao dịch dự kiến trên được giữ nguyên, giả sử chỉ cần 20-30% trong tổng số khoảng 124 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng tiền luân chuyển qua "kênh" Mobile Money này có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.

“Về cơ bản, Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Do đó, Mobile-Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc triển khai Mobile Money cũng không dễ dàng gì đối với các nhà mạng bởi trên thế giới, các nước phát triển mạnh về Mobile Money đều là các nước chậm phát triển, mạng lưới ngân hàng kém phát triển, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp. Còn tại Việt Nam, mạng lưới ngân hàng phát triển khá mạnh, hơn 60% dân số đã có tài khoản ngân hàng, nên Mobile Money sẽ phải chật vật để cạnh tranh.

Ngoài ra, với Mobile Money, mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản thanh toán theo SIM chính chủ tại một nhà mạng. Thế nhưng, hiện nay tình trạng SIM kích hoạt sẵn được bày bán công khai vẫn tồn tại ở một số khu vực hay SIM chưa đúng thông tin vẫn chưa được giải quyết triệt để. "Nếu việc định danh khách hàng, quản lý SIM rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ, Mobile Money có thể là kênh để rửa giao dịch, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống rửa tiền", các chuyên gia cảnh báo.

Từ phía NHNN, để triển khai Mobile Money thành công, theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cần tuân thủ và đảm bảo các điều kiện, quy định khi tổ chức triển khai. Doanh nghiệp viễn thông cần xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ cần chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán này với các chi phí hợp lý.

Về phía người dùng cần thấy rõ lợi ích khi sử dụng phương thức này trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng. Đại diện lãnh đạo NHNN cũng thông tin, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và nắm bắt thông tin phản ánh dư luận liên quan đến việc thực hiện thí điểm Mobile Money để kịp thời phối hợp với các bộ, ngành xử lý các vướng mắc, phát sinh.

Hà An
.
.
.