Doanh nghiệp duy trì “3 tại chỗ”
Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam (huyện Châu Thành, Hậu Giang) thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “3 tại chỗ”. Năm 2018, Công ty này đầu tư trên 380 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở chuyên gia, công nhân viên với sức chứa 1.500 người đã giúp công ty chủ động thực hiện “3 tại chỗ” trong đợt dịch này.
Theo ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam, dù đội thêm các chi phí, nhưng các chế độ phúc lợi vẫn duy trì, đảm bảo không để nhân viên thiếu thốn. Công ty sẵn sàng bỏ thêm chi phí đổi lấy sự an toàn cho toàn thể cán bộ, công nhân viên để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Đến nay, hơn 90% nhân viên công ty đang thực hiện “3 tại chỗ” đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 để duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng.
Chị Võ Thị Thủy (bộ phận hậu cần Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam) cho biết: “Công ty luôn đảm bảo cho nhân viên có đầy đủ sức khỏe, yên tâm làm việc. Chúng tôi được chăm lo 3 bữa ăn/ngày và tăng từ 20-30% lương cố định trong hơn 2 tháng thực hiện phương châm “3 tại chỗ”. Đây là động lực rất lớn, để anh chị em công nhân đoàn kết, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế”.
Ngoài việc được phát phiếu mua hàng miễn phí tại siêu thị mini trong khu ký túc xá, nhân viên sử dụng xe gắn máy đến trạm xăng trong công ty để đổ xăng, ăn uống miễn phí 3 lần mỗi ngày. “Chúng tôi quan niệm người khoẻ thì công ty mới khoẻ và vận hành tốt máy móc, thiết bị” - ông Patrick Chung nói.

Một trong những lĩnh vực sản xuất được các doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Bạc Liêu cố gắng duy trì là chế biến thủy sản xuất khẩu. So với cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng ngành thủy sản tuy giảm mạnh nhưng các DN đã đem về kim ngạch xuất khẩu 494,84 triệu USD. Để giải quyết các khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, thủy sản bền vững, UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu nông, thủy sản thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tỉnh tập trung hỗ trợ DN xây dựng các phương án duy trì sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát, phù hợp với điều kiện bình thường mới; tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Tại Sóc Trăng, trong đợt giãn cách vừa qua, hầu hết các DN lớn của tỉnh đều duy trì hoạt động thông qua phương án “3 tại chỗ” khá tốt nên khi giãn cách được nới lỏng, trạng thái bình thường mới được thiết lập sớm, việc phục hồi sản xuất thuận lợi hơn. Hiện phương án “3 tại chỗ” vẫn được một số DN duy trì có sự kết hợp thêm “1 cung đường, 2 điểm đến” nên số lao động trở lại làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Do chuẩn bị từ sớm nên đến thời điểm hiện tại, số lao động của Công ty làm việc trên 90% và nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến cơ bản đáp ứng đủ cho số lao động này”.
Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang cũng tổ chức mô hình “3 tại chỗ” hơn 2 tháng nay. Trên 1.500 lao động đang “làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi” tại công ty. Với số lượng lao động này, Công ty chỉ tổ chức được 25% công suất, không thể tăng sản lượng thu mua thêm nguyên liệu cho người nông dân và thực hiện kịp giao hàng cho các đơn hàng đã ký. Sau vấn đề lao động, DN chưa hết nỗi lo với nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ các đơn hàng kịp giao từ nay đến cuối năm. Đây là bài toán khó khi một số chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy trong giai đoạn giãn cách xã hội đến nay chưa thể khôi phục lại hoàn toàn. Do đó, theo các DN, tiến độ phục hồi sản xuất, kinh doanh hiện vẫn phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi, kết nối với chuỗi cung ứng hàng hóa. Một số DN chấp nhận khoản lỗ nhất định trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ” để giữ uy tín khách hàng, nay khi có đơn hàng mới số lượng lớn, giá cả hấp dẫn phải từ chối bớt vì lo ngại thiếu hụt nguyên liệu.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhiều DN đề nghị hoạt động lại. Tỉnh tạo điều kiện tối đa cho các DN hoạt động với điều kiện phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Vừa qua có gần 5.000 lao động được các DN tiếp nhận trở lại, hoạt động với phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.