Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để doanh nghiệp tái sản xuất sau ngày 30/9

Thứ Tư, 29/09/2021, 07:32

Sau ngày 30/9, TP Hồ Chí Minh mở cửa hoạt động trở lại. Sau nhiều tháng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để khôi phục lại hoạt động…

Ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng Giám đốc Công ty CP nhựa Bình Minh cho biết, trong thời gian qua, công ty gặp khó khăn về vấn đề tính liên kết vùng. TP Hồ Chí Minh “khóa” tương đối chặt, còn một số tỉnh ĐBSCL, Miền Đông, Miền Tây, Miền Trung “cởi mở” hơn. Nhưng công ty không thể vận chuyển vật tư đi được vì đến chỗ nào cũng bị siết, bị “ngăn sông cấm chợ”. Vì vậy, nếu tính liên kết vùng không giải quyết được thì DN không thể nào phục hồi sản xuất được.

Ngoài ra, đáng quan tâm nữa đó là nguồn lao động. Hiện, Bình Minh có 3 nhà máy ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An. Cả 3 nhà máy này đang duy trì “3 tại chỗ” đến nay đã được 10 tuần. Trong suốt thời gian này, lãnh đạo DN luôn theo sát để động viên, ổn định tâm lý cho người lao động (NLĐ) để họ yên tâm làm việc. Tuy nhiên, để DN có nguồn lao động để chuẩn bị cho tái hoạt động sản xuất, thì vấn đề đi lại của NLĐ cần phải được giải quyết rõ ràng, cụ thể.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để doanh nghiệp tái sản xuất sau ngày 30/9 -0
Chuẩn bị nguồn lao động để tái hoạt động sản xuất sau ngày 30/9 đang là vấn đề lo lắng của các DN sử dụng số lượng lớn lao động.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cà phê NAPOLI, với hệ thống hơn 2.000 quán cà phê nhượng quyền thì chi phí bỏ ra để tồn tại trong thời gian qua là quá sức chịu đựng của DN. Tiếp tục thích nghi, sống an toàn với dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho NLĐ để không bị lây nhiễm thì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mới được vận hành suôn sẻ. DN đề xuất cho phép người đã tiêm đủ 2 mũi vaccin và tuân thủ 5K được lưu thông đi lại để tham gia sản xuất kinh doanh khi TP mở cửa trở lại. Còn với những vùng trồng nguyên liệu như cà phê hay các loại rau củ quả, trái cây, trong thời gian qua khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, cần được tháo gỡ vấn đề lưu thông để tránh tình trạng phải “giải cứu”.

Nhiều DN xây dựng, bất động sản cũng than phiền do ảnh hưởng dịch COVID -19 dẫn đến nhiều dự án bị ách tắc. Nếu được khai thông thì sẽ có hàng ngàn tỷ đồng được đưa vào đầu tư, giải quyết công ăn việc làm cũng như lưu thông cho nền kinh tế. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng Phúc Khang cho rằng, các dự án bị ách tắc là do các thủ tục hành chính. DN mong muốn có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án, tránh tình trạng ách tắc thủ tục hành chính. Cần đẩy mạnh tiến độ Chính phủ điện tử và các cơ quan đều sử dụng số hóa để giải quyết các thủ tục, vừa nhanh, vừa tiện lợi, giảm chi phí cho DN và đặc biệt là hạn chế lây lan dịch bệnh.

“Nhà nước cũng cần có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho DN tiếp cận sớm nhất các văn bản pháp quy về hướng dẫn cũng như chủ động để kiểm soát dịch bệnh tại DN, để có thể vừa giúp DN giảm bớt chi phí cho sử dụng trong phòng, chống dịch vừa chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, có DN với quy mô hàng chục ngàn lao động vẫn chưa có chính sách để có thể biết huy động được nguồn lực lao động”, bà Mẫu nói.

Với kế hoạch sẽ “mở cửa” từ ngày 1/10, vấn đề lo lắng nhất hiện nay của phần lớn các DN đó là chưa có chính sách cụ thể cho NLĐ ở các địa phương quay trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Đây là “bài toán” quan trọng hàng đầu khi DN tái hoạt động. Chưa có hướng dẫn về việc test nhanh kháng nguyên cho NLĐ, mỗi DN cứ tự test cho NLĐ của mình và giá các loại test xét nghiệm đang “nhảy múa” trên thị trường, mỗi ngày mỗi giá, khiến chi phí DN tăng lên quá cao, nhất là những DN sử dụng số lượng lao động lớn. Rất cần bình ổn giá các loại test; việc hỗ trợ DN phải phủ đều ở tất cả các loại hình DN chứ không tập trung vào một ngành nghề, lĩnh vực nào. Cần lập tổ kiểm tra để đo lường kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ DN. Cần có giám sát các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên khoản nợ đối với các khoản vay của DN trong giai đoạn khó khăn do COVID-19…

Một số DN đề xuất nên thực hiện việc giãn cách linh hoạt, bỏ các hình thức giãn cách cực đoan, phi thực tế. Cũng chỉ nên giãn cách ở những khu vực "đỏ" và không áp dụng phong tỏa, ngưng xét nghiệm trên diện rộng, xem xét hủy bỏ chính sách cách ly tập trung khi đã xác định sống chung với COVID-19.

Sở Công thương sẽ phối hợp Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, các Hội ngành nghề tổ chức hướng dẫn cho DN xây dựng phương án hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở tiếp tục rà soát nhu cầu vaccine của DN, tổ chức phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine cho NLĐ tại DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN đủ điều kiện hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thúy Hà
.
.
.