Xây dựng nền tảng số giúp doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước làm việc từ xa hiệu quả

Thứ Hai, 13/04/2020, 08:17
Dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp; Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển đổi mô hình từ làm việc truyền thống sang làm việc từ xa. Tuy nhiên, do mô hình và văn hóa làm việc từ xa còn tương đối mới tại Việt Nam nên để làm việc từ xa vẫn đạt hiệu suất cao là không hề đơn giản...


Để giải quyết bài toán này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa cho ra mắt nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19 và từng bước mở rộng mô hình này giúp các cơ quan Nhà nước có nền tảng để thúc đẩy làm việc từ xa.

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT về những thuận lợi và thách thức trong chuyển đổi số, kiến tạo nền kinh tế số.

PV: Thưa ông, ý tưởng cung cấp các ứng dụng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình làm việc từ xa ra có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp? Việc ưu đãi sẽ được áp dụng đối với những đối tượng doanh nghiệp nào?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Cuối tháng 3-2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 16 phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Đây là chỉ thị thứ 2 mà Bộ trưởng chỉ đạo toàn Ngành TT&TT cùng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giúp cuộc sống tiếp diễn bình thường và thúc đẩy phát triển CNTT, chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ TT&TT đã bảo trợ và giao Cục Tin học hoá đồng hành cùng Cộng đồng Vietnam Remote Workforce (VRW) xây dựng danh sách các phần mềm và cung cấp các công cụ hỗ trợ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình làm việc từ xa tại địa chỉ https://ict.mic.gov.vn và https://remote.vn.

Ưu đãi từ chương trình này được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Điều kiện nhận ưu đãi là các doanh nghiệp phải có trụ sở chính tại Việt Nam và có mã số thuế còn hoạt động bình thường. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ chương trình này.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT.

Các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn lực, chưa đủ khả năng đầu tư các hệ thống thông tin lớn, cũng là đối tượng dễ bị tổn thương bởi khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Vì vậy, các doanh nghiệp này buộc phải thay đổi cách thức quản lý, kinh doanh và quy mô nhỏ cũng khiến việc chuyển đổi số được thực hiện dễ dàng hơn.

PV: Theo ông, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ đưa ra những gói ưu đãi về các giải pháp, dịch vụ phục vụ cho việc chuyển đổi số để các doanh nghiệp khác có thể sử dụng. Tất cả các gói giải pháp, dịch vụ cung cấp trong chương trình đều được miễn phí trong kỳ hạn tối thiểu từ 3 - 6 tháng. Nhiều gói sản phẩm còn giảm 50% giá bán, thậm chí khuyến mãi trong 1 năm.

Các gói giải pháp, dịch vụ phổ biến có thể kể tới là dịch vụ cung cấp tên miền, máy chủ, an toàn thông tin, marketing/bán hàng trực tuyến, dịch vụ đăng tin tuyển dụng online, quản lý nhân sự, đào tạo trực tuyến, phần mềm quản lý quan hệ khách hàng...

Với sự ủng hộ và hỗ trợ của Bộ TT&TT và sự hưởng ứng của doanh nghiệp công nghệ số, đến nay đã có trên 50 gói sản phẩm, giải pháp ưu đãi được các doanh nghiệp cung cấp. Tuy nhiên, thách thức đặt ra khi áp dụng chương trình này đó chính là việc thay đổi thói quen, kỹ năng làm việc của người lao động. Doanh nghiệp phải thực hiện tốt công tác truyền thông, đào tạo để nhân viên và khách hàng của mình làm quen với việc sử dụng công nghệ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có thể phải có đầu tư thêm cho hạ tầng công nghệ thông tin khi thực hiện làm việc từ xa.

PV: Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp làm việc từ xa, việc chuyển đổi mô hình làm việc mới của cơ quan Nhà nước như cung cấp các sản phẩm phục vụ cơ quan Nhà nước làm việc từ xa đã và đang được Bộ TT&TT triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, các chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn cầu đều đang đẩy mạnh làm việc từ xa trên một quy mô chưa từng có. Tại Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Thực tế cho thấy, làm việc tại nhà mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, các cơ quan nhà nước phải hình thành nhanh kỹ năng, thói quen giao tiếp trực tuyến; áp dụng công nghệ số hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của đơn vị, triển khai nhanh nhưng phải phục vụ lâu dài, liên tục, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Để hỗ trợ việc chuyển đổi sang mô hình làm việc mới của các cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp CNTT có nhiều kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam để cung cấp các nhóm sản phẩm cần thiết để làm việc từ xa như họp, hội nghị trực tuyến; tương tác, làm việc nhóm; soạn thảo và quản lý văn bản; chia sẻ dữ liệu; quản lý và điều hành công việc; an toàn bảo mật và các công cụ thông minh khác. Các doanh nghiệp cam kết cung cấp cho các cơ quan nhà nước các sản phẩm, dịch vụ theo các gói ưu đãi khác nhau, từ việc giảm 30-40% chi phí đến miễn phí trong vòng 1-6 tháng.

PV: Cục Tin học hóa là đơn vị được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo ông, chuyển đổi số sẽ giúp gì cho Việt Nam khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Trong dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi đề xuất định hướng, tầm nhìn đến năm 2030 của chuyển đổi số Việt Nam là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia số” ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 30% GDP, người dân được thụ hưởng, trải nghiệm nhiều dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, giao thông, môi trường, cung cấp điện năng.

Đối tượng hướng tới của Chương trình chuyển đổi số quốc gia là thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, làm cho tất các chủ thể chính của xã hội đều được tác động và hưởng lợi. Trong đó, cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra doanh thu, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh; công nghệ số giúp các doanh nghiệp tái tư duy hướng kinh doanh, tái đánh giá chuỗi giá trị, tái kết nối với khách hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Người dân có cơ hội bình đẳng hơn trong tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức; cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng cao thông qua việc trải nghiệm các dịch vụ số, dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, năng lượng.

PV: Ông có cho rằng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia có thể xem là "bệ phóng"giúp cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tham gia sâu vào việc xây dựng, kiến tạo nền kinh tế số?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Một trong những trụ cột của chuyển đổi số quốc gia là phát phát triển kinh tế số. Vì vậy, trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia có nhiều nội dung, từ việc chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế cho đến phát triển hạ tầng, nền tảng số đều hướng tới tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông, công nghiệp, công nghệ thông tin, một mặt được tạo điều kiện chuyển đổi số để phát triển như mọi loại hình doanh nghiệp khác, nhưng mặt khác cũng phải có sứ mệnh là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho toàn xã hội và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực vươn ra thị trường toàn cầu.

Khi chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là khung chung cho chuyển đổi số quốc gia, căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương dựa trên lợi thế đặc thù, xây dựng và triển khai Chương trình 5 năm và Kế hoạch hàng năm về chuyển đổi số của mình. Khi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay thực hiện chuyển đổi số, các mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được đưa ra trong nội dung chương trình sẽ đạt được và các đối tượng là nhà nước, người dân, doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

PV: Với xuất phát điểm của Việt Nam hiện nay, theo ông quá trình thực hiện chuyển đổi số sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn và thách thức gì?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Với đặc thù khác biệt của Việt Nam, việc chuyển đổi số nói chung sẽ có cả những thuận lợi và khó khăn, thách thức. Thuận lợi nhất của chúng ta hiện nay là Đảng và Nhà nước có nhận thức và chủ trương đúng đắn, kịp thời về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam có ý chí và khát vọng về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Xuất phát điểm từ một nước đang phát triển, Việt Nam không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ. Hạ tầng công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng công nghệ của Việt Nam phát triển rất nhanh.

Nguồn nhân lực Việt Nam trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu; Việt Nam có điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên. Tuy vậy, chúng ta cũng đang phải đứng trước không ít khó khăn và thách thức.

Đó là Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp nên nguồn lực đầu tư hạn chế; thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số; đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo chưa cao.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chưa đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng ICT còn thấp. Tuy vậy, bằng trí tuệ và khát vọng về một Việt Nam hùng cường, chúng ta sẽ có các giải pháp khắc phục khó khăn để thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam đạt mục tiêu đề ra.

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.