Vĩnh Phúc – từ tỉnh thuần nông đến “câu lạc bộ” nhiều ngàn tỷ

Thứ Sáu, 21/10/2016, 09:44
Không hoa mỹ trong kêu gọi đầu tư, Vĩnh Phúc luôn chào đón các nhà đầu tư đến với tỉnh bằng những việc làm thực tế, cởi mở và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh từ lúc khảo sát tìm hiểu tới quyết định đầu tư và dự án đi vào hoạt động. Bởi, với các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định, những nhà đầu tư ở trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài thì họ đều là những “vị khách đặc biệt” của tỉnh.

Quả đúng như vậy, trong gần 20 năm sau khi tách tỉnh, Vĩnh Phúc đã từng bước khẳng định vị thế của mình bằng những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, từng bước làm hài lòng từng “vị khách đặc biệt”. Ông Phan Bá Sang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến cuối tháng 9-2016, toàn tỉnh có 7.129 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, tăng 7.000 DN so với năm 1997.

Môi trường đầu tư ổn định đã tạo sức bật cho doanh nghiệp (công nhân Công ty CP ống thép Việt – Đức đang sản xuất).

Tổng kim ngạch XNK tháng 9 đạt 245,4 triệu USD, tăng 24,19% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch XNK 9 tháng đạt 1.868 triệu USD tăng 9,53% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 2,4 triệu USD, kinh tế tư nhân đạt 98,9 triệu USD, khối DN FDI đạt 1.767,2 triệu USD.

Kết quả trên cho thấy, “những vị khách đặc biệt” đã góp phần thúc đẩy làm đổi thay một vùng đất từ thuần nông, trở thành một tỉnh công nghiệp, có số thu ngân sách đứng trong Top 14 tỉnh điều phối ngân sách về Trung ương. Có thể nói, đây là bước chuyển mình ngoạn mục của Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh một cách ổn định và bền vững.

Ông Kim Woo Dong-Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Partron Vina (KCN Khai Quang- Vĩnh Yên) đánh giá cao về môi trường đầu tư ở Vĩnh Phúc. Năm 2008, Partron Vina bắt đầu đầu tư vào Vĩnh Phúc, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, cung cấp chính cho Sam Sung Việt Nam và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Brazil. Đến nay, DN tạo việc làm cho gần 5.500 công nhân với 4 xưởng nhà máy tại Việt Nam trong đó 3 xưởng ở Vĩnh Phúc với 5000 công nhân.

Doanh thu trung bình 60 triệu USD/ năm. “Đầu tư tại Vĩnh Phúc, Partron Vina nhận được sự ủng hộ rất lớn của các cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, môi trường đầu tư ở đây rất tốt và thuận lợi, nhiều DN Hàn Quốc sau khi khảo sát đã vào đây đầu tư. Bên cạnh đó, khi đi vào sản xuất, nguyên liệu công ty chủ yếu nhập khẩu và xuất khẩu, nhiều đơn hàng thường vào cuối giờ chiều, nhưng cán bộ Chi cục hải quan Vĩnh Phúc vẫn sẵn lòng làm ngoài giờ để giúp DN hoàn thiện hồ sơ”, ông Kim Woo Dong nói.

Đồng tình với ý kiến của ông Kim Woo Dong, ông Chao Wen Hsiang-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (VPIC 1) cũng đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc. “Lãnh đạo tỉnh cởi mở, DN gặp khó khăn về vấn đề gì cũng được lắng nghe và cùng tìm cách tháo gỡ”, đây chính là yếu tố ghi điểm giữ chân nhà đầu tư”, ông Chao Wen Hsiang chia sẻ.

 Công ty CP sản xuất thép Việt Đức đầu tư vào Vĩnh Phúc từ năm 2002, cơ sở hạ tầng ban đầu ở KCN Bình Xuyên chỉ có 6ha, đến nay đã mở rộng và phát triển lên tới 20ha với 3 công ty thành viên, đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng/ năm; tạo hàng trăm việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 8-11 triệu đồng/ tháng. “Sự thấu hiểu, chia sẻ của cơ quan chức năng địa phương chính là điểm hấp dẫn, khiến DN nhìn thấy chiến lược kinh doanh dài hạn tại Vĩnh Phúc. Chúng tôi khá hài lòng về môi trường đầu tư ở Vĩnh Phúc”, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thép Việt Đức nói.

Sự thành công của DN trên địa bàn cũng là thành công của các cấp chính quyền trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, kêu gọi đầu tư. Ông Cao Đình Thi, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc cho biết, khi bắt tay vào đầu tư KCN Khai Quang năm 2003 chúng tôi mang rất nhiều băn khoăn. Nhưng chính từ sự quyết tâm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho DN từ các cấp chính quyền địa phương trong thu hút đầu tư, diện mạo mới của KCN đã được hình thành.

Đến nay, KCN đã lấp đầy được 90%, với 13 DN trong nước và gần 60 DN FDI đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Theo ông Thi, thời gian qua Vĩnh Phúc đã có những cải cách thực tế, rút ngắn được khoảng cách giữa DN và chính quyền địa phương, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét.

Để có môi trường đầu tư tốt, nhận được những đánh giá tích cực của các nhà đầu tư là cả một chặng đường dài đồng hành giữa chính quyền và DN.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhà đầu tư rất kỹ tính khi lựa chọn môi trường đầu tư. Do vậy, cải cách phải thực tế, gần DN, cùng DN tháo gỡ những nút thắt để DN phát triển thì khi đó tỉnh mới thực sự là điểm đến. Bởi, những nhà đầu tư đến đầu tư tại Vĩnh Phúc, đầu tư thành công họ sẽ là cầu nối để DN khác đến đây đầu tư, tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ, sản phẩm. Tạo động lực phát triển cho toàn vùng, theo đó môi trường đầu tư của tỉnh sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.

Để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2016 cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào thị trường các nước tiềm năng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển phương thức hoạt động từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý vừa phục vụ.

Theo đó, từ tháng 10-2016, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ gặp gỡ với các doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hàng tuần để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết thấu đáo các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Lưu Hiệp
.
.
.