Nhân chứng lịch sử nay đã thành nữ doanh nhân thành đạt

Chủ Nhật, 03/04/2011, 15:59
Tôi tìm gặp chị Đặng Thị Thu Thủy, một nhân chứng trong cuộc đoàn tụ vào buổi trưa ngày 29/3/1975 ở TP Đà Nẵng. Gặp chị, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, khi đó chị mới 16 tuổi. Còn giờ đây, chị đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt và vừa được trao Cúp Bông hồng vàng nhân kỷ niệm ngày 8-3 năm nay.

Một trong những cuộc đoàn tụ hiếm hoi và xúc động mà các nhà làm phim đưa vào bộ phim này, là cuộc đoàn tụ diễn ra tại gia đình chị Đặng Thị Thu Thủy vào buổi trưa ngày 29/3/1975 ở TP Đà Nẵng. Cuộc đoàn tụ giữa một bên là các thành viên trong gia đình chị Thủy (bố, mẹ, anh, chị em ruột) và người cô ruột là Đặng Thu Vân, nữ quay phim đầu tiên của Hãng Phim thời sự - tài liệu Trung ương, được cơ quan cử bám theo đoàn quân ta từ các tỉnh miền Bắc tiến vào giải phóng TP Đà Nẵng mùa xuân năm 1975.

36 năm đã trôi đi, những hình ảnh trong đoạn phim ấy đã thôi thúc tôi đi tìm những nhân chứng trong cuộc đoàn tụ này; song rất tiếc, người còn, người mất. Nghệ sĩ, nhà quay phim Đặng Thu Vân theo anh bạn đồng nghiệp của tôi ở Hãng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương thì là một nữ quay phim đầu tiên của hãng. Cả cuộc đời của bà cống hiến cho ngành Điện ảnh. Mùa xuân năm 1975, trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt, là một phụ nữ, song nghệ sĩ Đặng Thu Vân vẫn tình nguyện đi theo các cánh quân của ta tiến vào các chiến trường nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử của quân và dân ta. Trong chuyến đi chiến trường năm ấy, bà và đồng nghiệp đã quay được nhiều thước phim quý giá về cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta. Nhiều cảnh quay cũng như những bộ phim do bà thực hiện vẫn còn lưu giữ ở Hãng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương. Song rất tiếc, khi đất nước có hòa bình, bà đã qua đời.

Hy vọng phác họa về nữ quay phim Đặng Thu Vân với tôi tạm khép lại. Cuối cùng theo gợi ý của các bạn đồng nghiệp ở Hãng phim Thời sự -Tài liệu, tôi tìm gặp chị Đặng Thị Thu Thủy, một nhân chứng trong cuộc đoàn tụ ấy. Gặp chị, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, khi đó chị mới 16 tuổi. Còn giờ đây, chị đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt và vừa được trao Cúp Bông hồng vàng nhân kỷ niệm ngày 8-3 năm nay.

Chị Đặng Thị Thu Thủy nhận Cúp Bông hồng vàng nhân ngày 8/3/2011.

Sinh năm 1959, chị bảo rằng, Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là nơi chị sinh ra và lớn lên. Ba mẹ chị sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái, chị là con út. Chưa rõ nguyên nhân gì mà ngay từ thời ấy, ba mẹ chị sử dụng 4 từ "cần, kiệm, liêm, chính" để lần lượt đặt tên cho 4 người con. Còn chị, do sinh vào mùa thu năm 1959 nên ba chị đặt tên là Thu Thuỷ. Sau này, chị hỏi ba, người cha thân yêu của chị giải thích ngắn gọn: "Thu Thuỷ gắn liền với mùa thu cách mạng".

"Cần, kiệm, liêm, chính" và "Thu Thuỷ", chỉ dừng ở việc làm ấy thôi đã gợi cho chúng tôi, những nhà báo thời nay sự kính trọng về những chiến sỹ cách mạng thời đất nước còn nằm trong ách đô hộ của chế độ thực dân. Theo chị kể thì đương thời, ba chị là một người tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm; còn mẹ chị là một nữ hộ sinh. Mặc dù chỉ là những người bình thường trong xã hội, nhưng cũng như bao người dân ở dải đất miền Trung, họ thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân mất nước, tội ác của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, một lòng theo Đảng làm cách mạng.

Trong ký ức tuổi thơ, chị Đặng Thị Thu Thuỷ vẫn còn lưu giữ về những lần cảnh sát Ngụy ập đến gia đình chị lục soát, đe dọa. Ba chị - ông Đặng Xuân San, đã bị chúng truy lùng gắt gao. Năm 1966, ông bị chúng bắt và giam tại nhà tù Hội An. Tại trại giam này, chúng giam giữ hàng trăm tù chính trị. Sau gần 2 năm giam giữ tại nhà tù Hội An, chúng đầy ông ra giam giữ ở nhà tù Côn Đảo. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, như bao tù chính trị khác, ông được chúng trao trả. Vừa trở về nhà, ông tiếp tục hoạt động cách mạng.

Còn mẹ chị - bà Ngô Thị Cảnh, thời gian chồng hoạt động cách mạng và bị địch bắt, trong vai nữ hộ sinh bà đã có nhiều hoạt động, từ liên lạc, thu thập tin tức đến việc thu gom, tiếp tế thuốc men cho các tổ chức cách mạng đang hoạt động ở địa phương. Khi chồng bị bắt và đày ra giam giữ tại Nhà tù Côn Đảo, ngoài những hoạt động trên, để đảm bảo cuộc sống, nuôi các con ăn học, bà đã phải chấp nhận đi làm thuê cho các nhà hộ sinh tư nhân. Vất vả, cơ cực nhưng bà vẫn nuôi hy vọng và có niềm tin về ngày sum họp của gia đình. Niềm tin ấy đã được đền đáp. Ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng được giải phóng trong niềm vui khôn xiết của các giới, của đồng chí, đồng bào.

Trong câu chuyện có một chi tiết khá thú vị mà chị Thu Thuỷ kể với chúng tôi rằng, hôm đó, chị được chứng kiến những giây phút hiếm hoi của những giờ phút gặp mặt thật cảm động khi đoàn quân ta tiến vào giải phóng TP Đà Nẵng, căn cứ quân sự lớn thứ 2 ở miền Nam. Mọi người trong gia đình chị đâu có ngờ rằng, trong đoàn quân ấy có một người cô ruột của chị là bà Đặng Thu Vân, một nghệ sỹ, nữ quay phim ở Hãng phim Thời sự - Tài liệu được cơ quan cử đi theo đoàn quân chi viện chiến trường miền Nam. Hành quân từ miền Bắc vào đến TP Đà Nẵng, bà Vân tìm về căn nhà của gia đình mình. Một cảm xúc vỡ oà, những giọt nước mắt lăn chảy sau ba mươi năm trời xa cách. Không khí đoàn tụ ấy rất tiếc chỉ kéo dài được 30 phút, bà Vân lại phải theo đoàn quân tiến vào các tỉnh phía Nam để cùng đại quân ta làm nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Mọi chuyện ngỡ tưởng chỉ dừng lại ở 30 phút ấy, ai ngờ hàng chục năm sau, cuộc đoàn tụ hiếm hoi trong gia đình chị lại được tái hiện trong bộ phim truyền hình dài tập "Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình" do các nhà làm phim nước ngoài thực hiện (hiện bộ phim tư liệu này đã được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền). Sau này, hỏi lại được biết, cùng trở về thăm nhà của Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Thu Vân có cả các phóng viên quay phim Việt Nam và những người làm phim Mỹ chắc đã có được những thước phim tư liệu này từ các đồng nghiệp Việt Nam.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Cũng như bao miền quê khác, ở quê hương chị bị tàn phá nặng nề. Bao tàn tích và hậu họa của chiến tranh để lại khiến cho Đảng bộ và người dân nơi đây một lần nữa phải gồng mình để bắt tay vào việc xây dựng cuộc sống mới. Thời điểm này, ba mẹ chị mặc dù sức khỏe bị giảm sút nhưng ngày ngày vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương và trị bệnh giúp dân nghèo.

Còn chị, như một con chim được xổ lồng, sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, đất nước thống nhất, chị tiếp tục theo học ở trường THCS, tham gia tích cực các phong trào thanh niên ở trường và khối phố. Công việc khiến chị tự tin vào tương lai. Năm 1979, chị vào học hệ cao đẳng sư phạm TP với ước mơ sẽ trở thành cô giáo, góp phần xây dựng quê hương. Nhưng rồi, cuộc đời đã dẫn chị rẽ ra lối khác. Cuối năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, cô sinh viên Thu Thuỷ xinh đẹp, nhỏ nhắn ngày ấy không ngờ đã lọt vào đôi mắt của chàng thanh niên xứ Quảng. Anh là một doanh nhân thành đạt và vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Ước nguyện trở thành cô giáo không thành, sau ngày kết hôn, chị Đặng Thị Thu Thuỷ về làm kế toán của Trung tâm Thương nghiệp TP Đà Nẵng.

Giờ đây, sau hơn 30 năm, trong câu chuyện với chúng tôi, chị bảo: Sau khi kết hôn, đời sống kinh tế của vợ chồng chị gặp muôn vàn khó khăn. Do vậy, để đảm bảo cuộc sống, vợ chồng chị đã phải làm đủ nghề. Vất vả là vậy, song chị cùng chồng vẫn vượt qua. Rất may là đất nước đổi mới, tư duy cũ, và cách làm ăn từ thời bao cấp cũng từng bước được tháo bỏ. Được sự động viên của chính quyền thành phố, vợ chồng chị quyết định thành lập doanh nghiệp cho gia đình mình. Đó là Công ty Nam Việt Á chuyên kinh doanh các mặt hàng xe máy, san lấp mặt bằng. Theo đó, vợ chồng chị gom tiền mua xe tải về để ngày ngày chở hàng thuê như trái cây, gạo…

Hồi ấy, như chị kể, mỗi chuyến hàng, dù chỉ là các mặt hàng phục vụ đời sống dân sinh, nhưng phải đổi lại những đêm thức trắng, sự lo âu và chờ đợi. May mà mấy đứa con của anh chị ngoan ngoãn nên phần nào cũng giúp vợ chồng chị yên tâm trong những chuyến xa nhà.

Dừng một lát, chị ngậm ngùi kể tiếp: Sau một thời gian làm ăn vất vả và cơ cực, vợ chồng đã tích cóp được ít tiền, không cam chịu đói nghèo, sau khi thành lập Công ty Nam Việt Á, người chồng của chị tiến quân ra Quảng Ninh, còn chị ở nhà lo việc gia đình. Chồng đi biền biệt cả tháng, mọi công việc ở nhà chị vẫn chu tất. Khi các con đã lớn, chị bàn với chồng mua một miếng đất ở TP Hồ Chí Minh và xây dựng một khách sạn mang tên Sanouva, chị đảm nhận cương vị giám đốc. Mặc dù khách sạn mới đi vào hoạt động vài năm nay nhưng với phong cách phục vụ tận tình, mến khách, trang thiết bị hiện đại nên sớm thu hút được khách trong và ngoài nước. Sau gần 3 năm kinh doanh, do phong cách và quản trị tốt nên khách sạn Sanouva đã được Tổ chức kinh doanh dịch vụ khách sạn quốc tế bình chọn và trao tặng cúp "Quả cầu vàng".

Ngoài việc thực hiện tốt vai trò của một nữ doanh nhân thời hội nhập, người vợ trong gia đình, dấu chân của chị còn in ở nhiều vùng quê trên đất nước ta trong những chuyến đi làm công tác xã hội từ thiện. Đó là các vùng thường xảy ra bão lụt, nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, các gia đình chính sách, trẻ em lang thang cơ nhỡ, các mẹ Việt Nam Anh hùng. Doanh nghiệp của chị còn góp phần xây dựng các căn nhà tình thương, góp tiền cho nồi cháo ở các bệnh viện chu cấp cho các bệnh nhân nghèo… Chị xứng đáng là nữ doanh nhân tiêu biểu thời hội nhập.

Chị Đặng Thị Thu Thủy.

Nhiều năm trở lại đây, cứ vào dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam lại trình chiếu bộ phim "Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình" do các nhà làm phim nước ngoài thực hiện.

Mặc dù đã vài lần xem bộ phim này trên màn ảnh nhỏ, song mỗi lần xem là một lần thu hút tôi, bởi các chi tiết, hình ảnh chân thật, khách quan được các tác giả phác họa từ nhiều chiều, nhiều phía xoay quanh cuộc chiến gian khổ mà hào hùng của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong bộ phim truyền hình dài tập này, các nhà làm phim đã dành thời lượng đáng kể về những cảnh đoàn tụ đẫm nước mắt của bao số phận, bao gia đình sau 30 năm dằng dặc cách xa.

L.V.
.
.
.