Thành công của doanh nghiệp là mục tiêu của Vĩnh Phúc
- 100 doanh nghiệp tham gia “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Mozambique"
- Bộ Công Thương sẽ rà soát các lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải đồng hành, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm
Để nâng cao chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh, Vĩnh Phúc nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào đề án sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan công quyền.
Đó cũng là nội dung chính trong cuộc trò chuyện giữa ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc với phóng viên Báo CAND.
![]() |
Ông Lê Duy Thành. |
PV: Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những tỉnh thành công trong việc thu hút đầu tư FDI, DDI; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền về hỗ trợ cho phát triển của DN. Ông có thể cho biết về yếu tố quyết định tạo nên thành công đó?
Ông Lê Duy Thành: Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông, sau 20 năm tách tỉnh đã từng bước chuyển mình thành, xứng đáng với vị thế là nơi khởi nguồn của Đổi mới. Các mục tiêu của Vĩnh Phúc trong Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đã, đang được thực hiện với sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Và, kết quả là mức tăng trưởng bình quân hằng năm của tỉnh luôn đạt trên 15%; luôn đứng ở vị trí hàng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn từ nhiều quốc gia.
Không chỉ thu hút các nhà đầu tư bằng các lợi thế về vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, mà Vĩnh Phúc còn được nhà đầu tư đánh giá cao bởi phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc - Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”.
Môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, thực hiện cam kết rõ ràng giữa chính quyền và các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án là những điểm nhấn quan trọng, khẳng định uy tín của địa phương và tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong các nhà đầu tư FDI.
Tính đến tháng 7-2017, tại Vĩnh Phúc đã có 245 dự án dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số vốn đăng ký đạt trên 3,75 tỷ USD. Trong số các nhà đầu tư FDI, Nhật Bản đứng thứ 3 về số dự án và vốn đăng ký, đứng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện. Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào Vĩnh Phúc như Toyota, Honda, Sumitomo.
Đặc biệt, ngày 21-9, lễ khởi công KCN Thăng Long II do Công ty TNHH KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc (một nhà đầu tư Nhật Bản) đầu tư, đã kết nối với hơn 60 doanh nghiệp Nhật Bản sang tìm hiểu môi trường đầu tư và xây dựng nhà máy. Có thể thấy, đang có một làn sóng DN Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư, trong đó Vĩnh Phúc là một trong những lựa chọn của họ tại khu vực phía Bắc.
PV: Như ông khẳng định, công nghiệp là nền tảng phát triển, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ thành nghành kinh tế mũi nhọn, nâng cao tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao tạo nên giá trị cân bằng với môi trường. Vậy, để thực hiện được mục tiêu đó, Vĩnh Phúc đã có những kế hoạch gì?
Ông Lê Duy Thành: Hiện nay, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong các trung tâm phát triển công nghiệp của cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được đầu tư cơ bản; diện mạo đô thị, nhất là khu vực nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Các chính sách về an sinh xã hội tiếp tục được duy trì và đảm bảo. Công tác quốc phòng địa phương được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Từ các kết quả đã đạt được, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng. Đồng thời tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành khung đô thị và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Về du lịch, Vĩnh Phúc đã có những chiến lược thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có. Tam Đảo và Đại Lải được xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.
Tại các điểm đến này hiện đã có những nhà đầu tư tên tuổi như Tập đoàn Sun Group (đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, khách sạn và hạ tầng nghỉ dưỡng tại khu vực Tam Đảo II), FLC Vĩnh Thịnh ( đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng), khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải của Công ty cổ phần tập đoàn Flamingo,… đang góp phần vào việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, một hướng đi mới cho du lịch Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển du lịch tâm linh với điểm đến là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đền thờ quốc mẫu Tây Thiên, Gò Đồng Đậu (cái nôi của người Việt cổ)… trở thành trung tâm văn hoá, lễ hội và du lịch của tỉnh. Vĩnh Phúc kỳ vọng những nét đặc trưng của văn hoá, vùng đất và con người cộng với những chính sách đầu tư mở sẽ giúp Vĩnh Phúc trở thành điểm đến mới trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Về nông nghiệp, những huyện có lợi thế cao đã tập trung tiếp thu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có chính sách thu hút, khuyến khích để người nông dân tích cực tham gia, nâng cao thu nhập, ổn định định đời sống kinh tế, xã hội, tạo nên sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các địa bàn trong tỉnh.
PV: Vậy tỉnh có chính sách cụ thể như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp?
Ông Lê Duy Thành: Vĩnh Phúc luôn quan tâm và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, thủ tục thuế, cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại tỉnh một cách hiệu quả nhất. Chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, thực hiện giải pháp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN đã được tỉnh Vĩnh Phúc ban hành, trong đó, tập trung triển khai một cách đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực tài chính, đất đai, đổi mới khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường; hỗ trợ thương mại điện tử cho DN…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!