Gần 1,7 triệu tỷ đồng cho vay nông nghiệp, vốn Agribank chiếm 50%

Thứ Tư, 09/01/2019, 08:37
Dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 11-2018 đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 24% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 14,5% so với cuối năm 2017, cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Trong đó, với vai trò là NHTM chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, nguồn vốn Agribank chiếm 50% dư nợ toàn ngành Ngân hàng trong lĩnh vực này.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần hạn chế tín dụng đen diễn ra ngày 26-12-2018 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 11-2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. 

Hiện nay có khoảng 70 tổ chức tín dụng, mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tập trung chủ yếu cho sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản, trong đó tập trung vào một số sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh và kim ngạch xuất khẩu cao như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả...

NHNN đang tích cực đẩy mạnh chính sách cho vay nông nghiệp thông qua việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, minh bạch quy trình, tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…

Để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, đây là điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Nghị định 116 có một số điểm mới như nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ.

Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Việc nâng hạn mức cho vay không cần tài sản đảm bảo giúp đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp.

Tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của Agribank đạt gần 1 triệu tỉ đồng với 4 triệu khách hàng, trong đó 70% dư nợ của Agribank dành cho nông nghiệp, nông thôn, chiếm 50% dư nợ toàn ngành trong lĩnh vực này.

Với mong muốn góp phần đẩy lùi tín dụng đen, trong năm 2019, Agribank sẽ xem xét bố trí nguồn vốn khoảng 10 ngàn tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp, trong đó có các nhu cầu vốn cấp bách trong thời gian ngắn với thủ tục nhanh gọn hướng tới rộng rãi đối tượng khách hàng là bà con tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Với quyết tâm triển khai hiệu quả Nghị định 116 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Agribank mong muốn thời gian tới sớm tháo gỡ được những khó khăn, bổ sung vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa với kỳ vọng quá trình này đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và toàn thể người dân.

PV
.
.
.