EVN nói gì về việc bất ngờ tăng giá điện

Thứ Bảy, 02/12/2017, 11:40
Sau khi bất ngờ công bố tăng giá điện, chiều 1-12, Bộ Công Thương đã tổ chức “gặp gỡ báo chí” để lý giải thêm về điều này cũng như giá thành điện năm 2016.


Tại cuộc họp báo, PV đã đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Công Thương về nguyên nhân tăng giá điện trong khi năm 2016 Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn lãi tổng cộng hơn 2.600 tỷ đồng (dù riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 600 tỷ)? 

Giải thích điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân. 

Đại diện Bộ Công Thương cung cấp thông tin liên quan đến giá điện lần này chưa thực sự thuyết phục.

Ông Tuấn cũng giải thích, việc điều chỉnh giá điện chỉ tính riêng chi phí sản xuất, kinh doanh điện, và đây cũng chỉ là một căn cứ để điều chỉnh giá. Tuy nhiên, lý do đích thực vì sao EVN lãi nhưng vẫn được tăng giá không được ông Tuấn trả lời rõ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm các tính toán cụ thể về tác động đến người dân của việc tăng giá điện: Theo đó, đối với hộ tiêu thụ 50 số điện trở xuống thì chi phí giá điện tăng 3.250 đồng/tháng; hộ tiêu thụ tới 100kWh tăng 6.600 đồng, hộ tiêu thụ 100-200 số tăng 13.800 đồng, hộ tiêu thụ 200- 300 số tăng 13.800 đồng/tháng; hộ dùng 400 số điện trở lên mới tăng thêm 34.800 đồng/tháng. Trong số 23,4 triệu hộ sử dụng điện đang được EVN bán điện trực tiếp hiện nay, có khoảng 78% số hộ tiêu thụ điện dưới 200 số. 

“Với giá điện hiện nay mỗi 1 hộ nghèo được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Điều này thể hiện chính sách ưu đãi của Chính phủ với các hộ nghèo, hộ chính sách. Chúng ta có 3,5-4 triệu hộ được nhà nước hỗ trợ, với mức tiền 2.500 tỷ đồng/năm”, ông Tuấn cho biết. 

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, việc tăng giá điện làm CPI năm 2018 tăng thêm 0,1% còn GDP giảm khoảng 0,166%. Tuy nhiên, đại diện EVN cho hay chưa tính toán được việc tăng giá điện thêm gần 100 đồng/số sẽ giúp ngành điện thu thêm được bao nhiêu tiền.

Giá điện tăng không ảnh hưởng tới CPI tháng 12 và lạm phát năm 2017

Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Giá điện tăng từ 1-12, không ảnh hưởng nhiều đến CPI tháng 12-2017 và không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát năm 2017. 

Theo tính toán, tăng vào 1-12 ảnh hưởng rất nhỏ đến CPI, PPI và tăng trưởng của 2017. Ảnh hưởng nhỏ nên không làm cho lạm phát vượt quá mục tiêu, vẫn kiểm soát lạm phát. 

Tăng giá điện ảnh hưởng nhiều đến lạm phát của 2018 hơn là năm nay. Chính phủ có giải pháp chỉ đạo điều hành, vẫn tiếp tục kiểm soát lạm phát năm 2018 ở dưới 4%, mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 6,7%. 

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị để biên soạn Nghị quyết 01 cho năm sau. Đây là thời điểm phù hợp để tăng giá điện để giá điện không ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và để kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện. 

Ngoài ra, tăng giá điện theo bậc lũy kế tiêu dùng nên ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp khá giả, tiêu dùng nhiều điện. Tầng lớp thu nhập thấp cũng không bị ảnh hưởng nhiều. 

Điện là năng lượng dùng chủ yếu trong nhiều lĩnh vực nên sẽ ảnh hưởng đến giá sản xuất của DN và từ đó tác động đến giá tiêu dùng. Điều này, Chính phủ đã có tính toán để có bài toán tổng hòa để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và có giải pháp. (Lưu Hiệp)

Vũ Hân
.
.
.