Khởi nghiệp 0 đồng và doanh nghiệp 4.0 của người Việt trẻ

Thứ Hai, 29/10/2018, 09:00
Họ - những thanh niên du học Anh trở về nước bị thất nghiệp bởi thứ mà họ được học và theo đuổi chưa được ứng dụng ở Việt Nam. Thế là… khởi nghiệp! Khởi nghiệp 0 đồng.


Một năm sau, Công ty ADT Creative trở thành doanh nghiệp công nghệ duy nhất được “trình diễn” tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN với thông điệp xuyên suốt: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là tương lai của ASEAN” vào trung tuần tháng 9 tại Hà Nội.

3 du học sinh khởi nghiệp 0 đồng

Rất vô tình, tôi gặp Nguyễn Thái Duy, một trong những người sáng lập của ADT tại Trung tâm Toán học Beta. Tôi đến phỏng vấn CEO của Beta – thầy giáo trẻ Trần Quốc Anh vì thích cách anh khơi gợi và truyền ngọn lửa đam mê toán học cho học sinh phổ thông. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng những hình ảnh mà Duy cho xem trong iPad khiến tôi rất ấn tượng.

Cũng như CEO của Beta, Duy là một người trẻ khiến cho người tiếp xúc cảm nhận được ngọn lửa đầy ắp đam mê và sáng tạo. Tôi lấy số điện thoại, kết bạn zalo với Duy cùng một lời hẹn về một ngày nào đó sẽ đến ADT để “mục sở thị” những thứ mà tôi mới được lướt qua vài phút trên iPad.

Thái Duy (thứ nhất từ phải sang) tại buổi giới thiệu sản phẩm trong hội nghị của Bộ Khoa học Công nghệ.

Bẵng đi khoảng 2 tháng, tôi vô tình nhìn thấy Duy trên truyền thông trong sự kiện Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tại đây, Duy đang giới thiệu sản phẩm công nghệ của ADT cho các nguyên thủ, lãnh đạo các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Là doanh nghiệp chưa đầy 1 năm tuổi, nhưng cũng là doanh nghiệp công nghệ duy nhất được mời giới thiệu sản phẩm tại diễn đàn kinh tế lớn khiến tôi càng thêm tò mò về người thanh niên này cùng những cộng sự của anh. Thế rồi, một ngày đầu tháng 10, tôi tới toà cao ốc ở 35 Lê Văn Lương để được nhìn, nghe và trò chuyện với Duy cùng các cộng sự của anh.

Trẻ. Hiện đại. Đó là cảm nhận của tôi khi bước vào không gian ấy. Trong môi trường làm việc của những 8X đời chót và 9X này, tôi đã gặp Phạm Ngọc Mai Anh, CEO của ADT. Theo Mai Anh, ADT được sáng lập bởi: Mai Anh, Thái Duy và Nam. Họ đều là cựu sinh viên du học Anh. Mai Anh theo học ngành truyền thông tương tác, Duy học tài chính, Nam học công nghệ. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và đều là dân trường chuyên, họ đến Anh sau khi rinh được học bổng và theo đuổi ngành học yêu thích.

Mai Anh bảo rằng, cô học Toán Tin Tổng hợp (chuyên Toán Tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng đã chọn Đại học Nghệ thuật London của Anh và theo một chuyên ngành mới tinh của trường và với cả vương quốc sương mù – ngành truyền thông tương tác.

Mặc dù, cho đến tận hôm nay, công nghệ Thực tế ảo đang còn rất mới mẻ ở Việt Nam và ADT là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này nhưng từ năm 2011, cô đã được tiếp cận tại trường đại học. Chính vì sự mới mẻ cùng những ứng dụng hữu ích và việc không giới hạn sự sáng tạo đã tạo cho cô niềm đam mê bất tận với nó.

Năm 2013, Mai Anh về nước nhưng cô không thể nào tìm được một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để xin việc nên… thất nghiệp. Năm 2014, cô thành lập công ty từ một quỹ đầu tư của Singapore. Năm 2017, Mai Anh đã gặp Duy, Nam và họ cùng nhau thành lập ADT.

Mai Anh (bên trái) trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo Quốc tế ADT - Unity.

Học chuyên Anh văn của Trường Amsterdam, Duy sang Anh theo học ngành tài chính nhưng cũng trong thời gian này, anh biết đến công nghệ Thực tế ảo. Thế là cùng với việc theo đuổi chuyên ngành tài chính, Duy cũng dành rất nhiều thời gian cho công nghệ mới đầy hấp dẫn này.

Xem Duy trên chương trình “Cafe khởi nghiệp” khi anh giới thiệu về dự án Trường dạy công nghệ cho trẻ em mới thấy, anh không chỉ có niềm say mê với công nghệ mà mong muốn được truyền dạy, khơi gợi cho trẻ em hứng khởi với lĩnh vực là thành tựu của nền tri thức hiện đại này.

Với trẻ em thành phố, cơ hội để được tiếp cận công nghệ thông qua máy tính, qua đào tạo rất dễ nhưng với trẻ em vùng sâu, vùng xa thì việc biết đến khái niệm về công nghệ thôi cũng có thể là một ý niệm để các em hướng tới, tìm tòi, khám phá trong tương lai. Và đây chính là lý do mà Duy và các cộng sự của anh mong muốn phổ cập công nghệ cho học sinh cả nước.

Năm 2017, ADT thành lập với vốn khởi nghiệp 0 đồng nhưng 3 người trẻ này đã tạo thành thế chân kiềng vững chắc: Mai Anh phụ trách điều hành. Duy phụ trách tài chính, nguồn lực; Nam phụ trách dự án. Sự phối hợp của 3 người và sự tích hợp kiến thức, kỹ năng của từng người bổ trợ cho nhau để tạo dựng một ADT chỉ sau 1 năm thành lập đã có 60 dự án, là khách hàng của nhiều doanh nghiệp lớn. Sản phẩm của ADT được giới thiệu với khách mời như một minh chứng cho sự hội nhập trong cuộc cách mạng 4.0 của người Việt Nam.

Du hành vào Thực tế ảo

Xem những sản phẩm được tạo ra từ ứng dụng công nghệ Thực tế ảo mới thấy, ADT đã tạo nên những sản phẩm công nghệ cho người xem được trải nghiệm “bữa tiệc của thị giác”. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, sản phẩm mà ADT mang đến cho khách tham dự trải nghiệm tương tác về du lịch, mà cụ thể là sản phẩm số hoá chùa Bái Đính. Dù không đặt chân đến thắng cảnh này, nhưng người xem được “tham quan” ngôi chùa lớn nhất Việt Nam từ cái nhìn tổng thể đến từng chi tiết.

Cũng liên quan đến du lịch, ADT đã số hoá vịnh Hạ Long trong một dự án quảng bá du lịch tỉnh Quảng Ninh ra quốc tế. Điều đặc biệt là khi giới thiệu sản phẩm này ở Tây Ban Nha thì một đối tác nước ngoài đã trở thành khách hàng của ADT. Duy cho biết, anh có mong muốn số hoá thư viện về du lịch Việt Nam.

Nếu làm được điều này, thì những thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá của đất nước sẽ được lưu giữ mãi mãi mà không phải tiếc nuối bởi những tác động của thiên nhiên, con người có thể làm nó bị hư hại hoặc biến mất. Điều đáng nói hơn nữa, nếu có một thư viện du lịch được số hoá thì những thắng cảnh như: Cao nguyên đá Đồng Văn, Yên Tử, Tràng An, chùa Hương, cố đô Huế… sẽ được quảng bá nhanh nhất, hấp dẫn nhất. Với những tiện ích về internet và thiết bị nghe, nhìn như hiện nay, thì hiệu quả của cách làm du lịch thông qua truyền thông tương tác là rất lớn nếu như ý tưởng của Duy và cộng sự được hiện thực hoá.

Tôi rất bất ngờ khi biết, những ứng dụng công nghệ Thực tế ảo còn là những sản phẩm rất gần gũi đã được những nhãn hàng nhạy bén với công nghệ và thị hiếu đầu tư để cho ra đời. Ví dụ như sản phẩm áo phông tương tác của một thương hiệu dành cho tuổi teen. Khi sử dụng một phần mềm quét trên áo phông, con vật in trên áo nhảy ra như thật.

“Lạc” vào thế giới của ADT, những nhà hàng, bảo tàng số được tạo dựng bằng công nghệ Thực tế ảo khiến người xem lạc vào thế giới ảo mà như thực đầy sống động. Nếu như công nghệ này được áp dụng trong giáo dục, ví dụ trong giờ sinh học, quả tim được quét lên thì học sinh còn có thể thấy từng mạch máu, nhịp đập, vách ngăn…

Buổi học sẽ lý thú hơn và kiến thức mà học sinh được tiếp nhận sẽ thật hoàn chỉnh. Những câu chuyện về lịch sử, văn hoá hay những thí nghiệm hoá học, vật lý nếu dùng công nghệ Thực tế ảo đều hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên và học sinh trong dạy và học.

Càng tìm hiểu, tôi càng thấy rõ tính ứng dụng của công nghệ Thực tế ảo trong đời sống rất đa dạng và hiệu quả cao. Đúng là nguồn tài nguyên này là vô tận và sức sáng tạo vô cùng, những điều được tạo dựng bởi những con người làm chủ trong kỷ nguyên số.

Định hướng phát triển là doanh nghiệp dẫn đầu chứ không phải đi đầu, những bạn trẻ mà tôi gặp ở ADT luôn trăn trở trong việc phát triển ngành truyền thông tương tác ở nước ta. Họ chọn cách mở những khoá học cho các bạn trẻ về lĩnh vực này để tạo nguồn nhân lực; giới thiệu với doanh nghiệp về truyền thông tương tác; quảng bá thông qua việc đi vào thực tế bằng tương tác…

Với một niềm tin, rằng Việt Nam có đủ nhân lực, tài lực tận dụng cuộc cách mạng 4.0 để phát triển, những bạn trẻ đầy đam mê và sáng tạo này đang miệt mài gây dựng tương lai tốt đẹp cho mình và cộng đồng.

Cao Hồng

.
.
.