Yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ phá rừng phòng hộ A Lưới

Thứ Sáu, 24/09/2021, 19:15

Dù lập biên bản, có tọa độ nhưng Đội bảo vệ rừng chuyên trách (BVRCT) Hương Lâm không báo cáo cho lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) A Lưới biết để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ tại địa bàn huyện A Lưới, chiều 24/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chi cục đã đề nghị BQLRPH A Lưới tổ chức kiểm điểm, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, thiếu sót của cá nhân, tập thể liên quan để xử lý theo quy định khi đã để xảy ra vụ phá rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khu vực xảy ra khai thác rừng trái phép thuộc khoảnh 7, tiểu khu 312 (xã Hương Phong, huyện A Lưới), thuộc BQLRPH A Lưới quản lý. Tổng số cây bị các đối tượng chặt hạ là 12 cây có đường kính gốc từ 50-94 cm, trong đó có 10 cây gỗ đã được các Đội BVRCT thuộc BQLRPH A Lưới phát hiện qua các đợt kiểm tra.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng phòng hộ A Lưới -0
Những gốc cây cổ thụ ở tiểu khu 312 bị lâm tặc đốn hạ trơ gốc. Ảnh: Đình Thành.

Cụ thể, ngày 9/11/2020, Đội BVRCT Hương Lâm tuần tra và phát hiện tại khu vực này có 9 cây bị chặt hạ, còn lại gốc. Cán bộ của Đội đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, định vị toạ độ 9 gốc và đánh dấu đã kiểm tra bằng phấn sáp. Qua 10 tháng do mưa nắng, dấu hiệu trên phai và số trên gốc cây bị mất. Điều đáng nói, dù lập biên bản, có tọa độ nhưng Đội không báo cáo cho lãnh đạo BQLRPH A Lưới biết để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng phòng hộ A Lưới -0
Cây rừng ở rừng phòng hộ A Lưới bị chặt hạ lấy gỗ. Ảnh: Đình Thành.

Tiếp đó, ngày 1/7/2021, Đội BVRCT Mỏ Quạ tuần tra và phát hiện tại khu vực này có 1 gốc khác bị đốn hạ nên lập biên bản kiểm tra, lưu toạ độ và đánh dấu đã kiểm tra bằng phấn sáp, hiện dấu hiệu vẫn còn.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng phòng hộ A Lưới -0
Lực lượng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra hiện trường phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 312, thuộc BQLRPH A Lưới quản lý.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khoảng cách từ đường Hồ Chí Minh đến khu vực khai thác gỗ trái phép là 5,8 km. Số cây bị chặt nằm rãi rác tuyến (theo bản đồ dài là 3,4 km ngoài thực địa khoảng 5 km). Trong đó có 9 cây gỗ là chủng loại phò lái, 1 cây vang trứng, 2 cây trám thuộc gỗ nhóm VII (nhóm gỗ nhẹ, sức chịu lực kém, khả năng chống mối mọt thấp, dễ bị cong vênh), thường được khai thác gỗ để làm quan tài.

Qua kiểm tra tại hiện trường có 1 lóng gỗ dài 5m, đường kính 70 cm nằm phía dưới ta luy âm; các bìa và phần không sử dụng làm quan tài được bỏ lại tại hiện trường. Kiểm tra khu vực xung quanh trên tuyến có một số cây cổ thụ chủng loại gỗ Chò Chỉ, Sến… chưa bị cưa hạ.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các Đội BVRCT, căn cứ tình hình, mức độ vi phạm để tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, thiếu sót của của tập thể và cá nhân liên quan trong việc để xảy ra phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 312.

Hạt Kiểm lâm A Lưới và Trạm Kiểm lâm địa bàn Hương Phong tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm liên quan đến vụ việc nói trên để báo cáo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý.

Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, Hạt Kiểm lâm A Lưới tăng cường nắm bắt thông tin, tổ chức truy quét ở các khu rừng do BQLRPH A Lưới quản lý. Chú trọng những khu rừng có nhiều trữ lượng chưa bị khai thác, thường xuyên theo dõi để bắt các đối tượng chặt hạ gỗ nhằm xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Anh Khoa
.
.
.