Công an huyện Sơn Hòa giải quyết tin báo vụ phá rừng từ phản ánh của Báo CAND

Thứ Hai, 20/09/2021, 10:30

Từ nguồn tin của báo chí, trong đó có Báo CAND, Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đã tiếp nhận và giải quyết tin báo vụ phá rừng ở xã Sơn Long, để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.

Nguồn tin từ Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) ngày 20/9 cho biết, cơ quan này đã lập thủ tục tiếp nhận và giải quyết tin báo về vụ phá rừng ở thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa từ phản ánh của báo chí, trong đó có Báo CAND. Trình tự, thủ tục giải quyết tin báo được thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an.
Công an huyện Sơn Hòa giải quyết tin báo vụ hủy hoại rừng từ phản ánh của Báo CAND. -0
Những vạt rừng bị "cạo trọc"

Như CAND online đã thông tin, sau khi tiếp cận hiện trường những vạt rừng tự nhiên đã bị “cạo trọc”, đốt cháy nham nhở (để chiếm đất trồng keo) và hiện trường đốn hạ hàng chục cây gỗ to để lấy gỗ trong khu rừng tự nhiên ở gần đó, ngày 8/9, PV Báo CAND đã tiếp xúc ông Đào Đức Hải – Chủ tịch UBND xã Sơn Long.

Ông Hải thừa nhận vụ phá rừng tự nhiên để chiếm đất trồng keo ở tiểu khu V3.4 trong khu rừng Mùa Xuân (thuộc thôn Phong Hậu, xã Sơn Long). Tổ công tác của xã đã lập biên bản kiểm tra, đo đạc 2.100 m2 rừng bị “cạo trọc” hoàn toàn, nhưng chưa xác định được thủ phạm (?!). Còn khu vực lâm tặc đốn hạ cây lấy gỗ ở khoảnh 6, tiểu khu 173 trong khu rừng Mùa Xuân, UBND xã Sơn Long cũng đã lập biên bản kiểm tra trước đó tới… hai tháng nên chỉ lập biên bản hiện trạng 6 cây gỗ bị đốn hạ là gỗ giẻ, gỗ tạp, đường kính 40-70cm, chiều dài khoảng 15m.

Công an huyện Sơn Hòa giải quyết tin báo vụ hủy hoại rừng từ phản ánh của Báo CAND. -0
Công an huyện Sơn Hòa giải quyết tin báo vụ hủy hoại rừng từ phản ánh của Báo CAND. -1
PV Báo CAND tại hiện trường nơi có hàng chục cây gỗ to bị đốn hạ bằng cưa máy.

Tuy nhiên, theo hình ảnh PV Báo CAND ghi nhận được, ngoài  rừng 2.100 m2 ở tiểu khu V3.4 còn có một vạt rừng khác ở gần đó đã bị “cạo trọc” nhưng xã Sơn Long chưa lập biên bản kiểm tra. Còn trong phạm vi khoảng 1.000m2 ở khoảnh 6, tiểu khu 173 đã có hàng chục cây gỗ lớn có đường kính 20-60cm đã bị đốn hạ bằng máy cưa. Không chỉ sử dụng thiết bị tự chế để cẩu kéo gỗ tròn mà lâm tặc còn ngang nhiên cưa xẻ thân cây lấy gỗ hộp, bỏ lại những tấm bìa và tại hiện trường vẫn còn nhiều cây gỗ to đổ ngã chưa kịp đưa ra khỏi rừng.

Điều đáng nói là vị trí phá rừng chiếm đất trồng keo và hiện trường đốn hạ hàng chục cây gỗ to nằm ven Hội trường Mùa Xuân - một hạng mục trong quần thể Di tích lịch sử Quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ được Bộ VH-TT cấp bằng xếp hạng ngày 22/8/2008, nên cần phải được bảo vệ theo Luật di sản văn hóa.

Cùng với việc lập thủ tục tiếp nhận, giải quyết tin báo vụ phá rừng nêu trên, Công an huyện Sơn Hòa đã tiến hành khám nghiệm hiện trường để tiến hành các hoạt động điều tra, xác định đối tượng có liên quan. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Hữu Toàn
.
.
.