Xung quanh việc cưỡng chế nhà của người đã mất

Thứ Hai, 17/10/2022, 07:49

Gia đình chị Hồ Thị Kỳ (SN 1975, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng về việc gia đình mình bị “xử ép” cưỡng chế xây dựng nhà trái phép.

Chị Hồ Thị Kỳ buồn bã nói: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, công việc không ổn định. Vào đầu năm 2019, do không đủ điều kiện kinh tế nên chúng tôi có vay mượn tiền của người quen, bạn bè số tiền hơn 1 tỷ đồng mua đất và xây dựng một căn nhà không phép trên thửa đất 776, tờ bản đồ 10, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh để lấy chỗ che mưa, che nắng. Đến nay, số tiền vay  mượn vẫn chưa trả hết. Đang xây dựng dang dở căn nhà trên, chồng tôi bị tai nạn giao thông và qua đời. Người thân xót thương góp mỗi người một chút tiền hỗ trợ mẹ con tôi làm tạm bợ cho xong căn nhà để lấy chỗ thờ cúng chồng”.

Xung quanh việc cưỡng chế nhà của người đã mất  -0
Lê Văn Tùng bên căn nhà của gia đình mình trước khi bị cưỡng chế.

Chị Kỳ bức xúc: “Chính quyền địa phương gửi thông báo cưỡng chế cho chồng tôi là ông Lê Văn Dụng (SN 1975, ngụ F6/16R, ấp 6B, xã Vĩnh Lộc A), yêu cầu phải tháo gỡ công trình không phép theo quy định là đúng pháp luật. Nhưng đáng buồn, nhiều gia đình khác trong cùng con hẻm cũng xây dựng sai phép như gia đình tôi mà không cơ quan chức năng bị cưỡng chế. Cụ thể, các căn nhà số F6/17/17H1, F6/17/17H5, F6/16/12X, F6/17/17, F6/17Y/18H, F6/17/17y/19, cùng thuộc tổ 12, ấp 6B, Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Những công trình này vẫn tồn tại nhiều năm qua mà không bị xử lý. Đến tận bây giờ, UBND xã Vĩnh Lộc A lại chỉ xử lý, ra thông báo cưỡng chế với căn nhà của tôi và một căn nhà khác. Cách đây hơn 2 ngày, chính quyền địa phương đã chính thức tháo gỡ căn nhà của gia đình. Như vậy, liệu có đảm bảo công bằng, minh bạch không (?)”.

Được biết, chị Kỳ làm công nhân với đồng lương hơn 4 triệu đồng chỉ đủ thuê phòng trọ gần căn nhà bị cưỡng chế để 3 mẹ con cùng sinh sống. Con trai đầu của chị Kỳ là Lê Văn Tùng phải bỏ học kiếm sống, hỗ trợ mẹ chăm sóc đứa em ruột. Mới đây, vào ngày 22/9, UBND xã Vĩnh Lộc A ra thông báo về việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn Vĩnh Lộc A đối với công trình vi phạm của ông Lê Văn Dụng. Đáng lưu ý, ông Dụng đã mất cách đây 3 năm nhưng thông báo cưỡng chế lại gửi cho ông Dụng. Đến ngày 28/9, UBND xã Vĩnh Lộc A tiếp tục có thư mời ông Dụng có mặt lúc 14h30 ngày 30/9 để làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết: “Chúng tôi ra thông báo cưỡng chế, yêu cầu gia đình ông Dụng tháo gỡ công trình không phép căn cứ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã Vĩnh Lộc A vào ngày 24/5/2019 về hành vi trên; quyết định ngày 3/6/2019 của UBND xã Vĩnh Lộc A về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gia đình ông Dụng có đơn đề nghị chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ ổn định do khó khăn chỗ ở thì chúng tôi sẽ họp bàn, xét nguyện vọng”.

Liên quan đến phản ánh nhiều hộ gia đình khác xây dựng không phép, ông Phùng Quốc Việt phân trần: “Trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A có rất nhiều công trình xây dựng không phép như của gia đình của ông Dụng và có quyết định thi hành cưỡng chế của cơ quan chức năng. Công trình xây dựng không phép của gia đình ông Dụng đã được nêu trong kết luận thanh tra của UBND TP Hồ Chí Minh. Trong đó, trên địa bàn có nhiều công trình phải cưỡng chế từ nhiều năm trước mà UBND xã Vĩnh Lộc A chưa thực hiện được. Chính quyền địa phương đang rà soát, phân loại để báo cáo cấp trên tổ chức cưỡng chế theo quy định. Chúng tôi đã làm việc với vợ anh Dụng và được biết anh này đã mất. Về nguyên nhân còn tồn tại nhiều công trình xây dựng không phép trên địa bàn do những năm trước để lại sai sót mà chưa tổ chức thực hiện. Do vậy, chính quyền địa phương đang tiếp tục rà soát, phân loại để xử lý...”.

Đức Mừng
.
.
.