Vay tiền qua app, nhiều công nhân bị xúc phạm, chửi bới

Chủ Nhật, 09/01/2022, 09:33

Hơn 2 tháng nay, nhiều người trong Công ty M.H. có trụ sở chính ở Tiền Giang và Chi nhánh ở Bình Dương liên tục bị nhiều tài khoản facebook đăng nội dung, hình ảnh bêu xấu, chửi bới để đòi nợ công nhân của công ty này vay tiền qua app nhưng không trả. Hậu quả để lại đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự, gia đình, công việc của các nạn nhân…

Anh K., trưởng Phòng hành chính nhân sự của Công ty M.H. cho biết, trước đây có một vài công nhân của công ty vay tiền qua app rồi mất khả năng chi trả. Họ nghỉ việc giữa chừng rồi tắt luôn điện thoại. Từ đó, có nhiều người lạ gọi điện thoại cho các thành viên trong gia đình, bạn bè của các công nhân vay tiền để đe dọa, chửi bới, nhục mạ nhằm đòi tiền nhưng không có kết quả.

Vay tiền qua app, nhiều công nhân bị xúc phạm, chửi bới -0
Anh K. và đồng nghiệp vị bêu xấu trên Facebook.

Từ đó, nhóm người này tấn công vào nhiều người ở công ty, trong đó có anh K. và một số nhân viên của công ty ở chi nhánh Bình Dương. Chúng gán ghép anh K. ngoại tình với kế toán của công ty rồi đưa cả hình ảnh gia đình anh K. trên mạng xã hội. "Từ đó tôi và nhiều anh chị em trong công ty liên tục nhận được điện thoại của người thân, bạn bè để hỏi thực hư câu chuyện. Tuy mình giải thích tường tận nhưng cũng có người tin, kẻ ngờ. Vợ con cũng hiểu và thông cảm nhưng ít nhiều cũng gây cho họ sự bất an"- Anh K. tâm sự.

Còn chị D., làm việc tại chi nhánh của công ty ở Bình Dương cũng phải viết status phân trần trên facebook nhưng cũng bị một số người dè bỉu "không có lửa làm sao có khói"… Từ đó mà cuộc sống của chị D bị ảnh hưởng rất nhiều, lúc nào cũng sống trong tâm trạng lo âu, sợt sệt vì những kẻ giấu mặt tuyên bố sẽ tiếp tục bêu xấu nếu như không chịu trả nợ thay. Hiện tại các nạn nhân đã gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý.

Theo cơ quan Công an, nguyên nhân dẫn đến sự việc như vậy là do khi vay tiền, một trong những điều khoản mà kẻ cho vay qua app đặt ra là người vay phải đồng ý cho app truy cập vào danh bạ, hình ảnh... trong  điện thoại của người vay. Từ đó mà kẻ cho vay đã thu thập được số điện thoại, hình ảnh của người thân, bạn bè, đồng nghiệp… của người vay và sử dụng để đòi nợ.

Về phía người vay qua app qua thực kế cho thấy đa phần sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bài, đánh đề, mua máy túy… nên rất dễ mất khả năng chi trả. Và khi người vay khóa máy điện thoại thì người thân, bạn bè, đồng nghiệp… phải lãnh đủ. Từ các đường dây qua app bị triệt phá cho thấy, những kẻ cho vay tuyển dụng lực lượng đòi nợ khá hùng hậu. Những người này không cần bằng cấp, chữ nghĩa miễn sao chửi bới nghe "đã lỗ tai" là được nhận vào làm. Như đường dây cho vay qua app do các đối tượng người Trung Quốc điều hành. Chúng lập 2 công ty ở TP Hồ Chí Minh rồi thuê 3 người Việt Nam và 6 người Trung Quốc làm quản lý.

Các đối tượng này thuê hơn 30 người Việt Nam (đa phần là người đồng tính nam) có nhiệm vụ chửi bới để đòi nợ. Hàng ngày, họ phải dùng hết sức lực để la hét, mắng chửi với lời lẽ không thể tục tĩu hơn đối với người lớn tuổi hơn cả cha mẹ, ông bà mình. Họ chửi mãi dần dà thành thói quen, cứ có người nghe máy là chửi đến khi nào thu hồi được nợ thì thôi. Bởi cho vay qua app thì không xác định được nơi ở của con nợ nên không thể dùng vũ lực để đòi nợ như kiểu cho vay nặng lãi "truyền thống" mà chỉ có đe dọa, chửi bới và biện pháp mạnh hơn đó chính là bêu xấu trên mạng xã hội.

Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, vay tiền qua app không chỉ phải chịu lãi suất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người thân, gia đình mà bản thân người vay còn là miếng mồi ngon cho các đối tượng lừa đảo.

Như trường hợp của bà N.T.K.T. nhận được tin nhắn của tài khoản Zalo có tên Money App hỏi có nhu cầu vay tiền không. Do đang cần thêm khoảng 150 triệu để giải quyết công việc nên bà T. đồng ý vay. Sau đó tài khoản Money App gửi cho bà T. đường link vào Website Money88. me rồi hướng dẫn bà T. chuyển tiền cho chúng để được "cấp mã giải ngân". Do số tiền chuyển không phải nhỏ nên bà T. thắc mắc thì đối tượng trấn an "chị cứ gửi để chúng tôi xác minh sau đó sẽ chuyển trả lại hết số tiền này cùng với 150 triệu đồng được giải ngân". Đến khi bà T. chuyển tổng cộng hơn 425 triệu đồng vào tài khoản thì đối tượng cắt đứt liên lạc…

Do vậy cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng. Không chuyển tiền cho các đối tượng lạ qua các app vay tiền vì không có tổ chức tín dụng, ngân hàng nào cho vay mà bắt buộc người vay phải đóng một số tiền lớn để xác minh cấp mã số nhận tiền cả. Đồng thời, không truy cập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Khi có nghi vấn, cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa.

M.Hải
.
.
.