Nhiều công ty tạo ra các app vay tiền khác nhau để “bẫy” con nợ

Thứ Sáu, 19/11/2021, 21:50

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), có nhiều công ty lợi dụng công nghệ cao để hoạt động biến tướng với các mô hình như: cầm đồ online; hợp tác, cung cấp khách hàng cho công ty cầm đồ; tạo lập ứng dụng để cá nhân đi vay và cá nhân cho vay tự do kết nối, thỏa thuận với nhau; hợp tác với bên thứ ba là đối tác giới thiệu khách hàng cho các công ty tài chính của hệ thống ngân hàng.

Tại Việt Nam, có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến, hầu hết có vốn nước ngoài đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho vay tiền, thu hồi nợ. Các doanh nghiệp này thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Nhiều công ty tạo ra các app vay tiền khác nhau để “bẫy” con nợ -0
Bảng kê vay các app “tín dụng đen” của một nữ sinh trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Số doanh nghiệp này thường tạo ra nhiều ứng dụng (app) cho vay với tên gọi khác nhau để hoạt động cho vay lãi nặng với thủ đoạn tương tự các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay trực tuyến. Vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố bị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh điều tra là một ví dụ điển hình.

Theo đó, một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến, như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”...Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong 3 ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình.Bên cạnh đó, để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”.

Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo” thì người vay lần đầu chỉ được vay 1,7 triệu đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1,428 triệu đồng, còn công ty sẽ thu 272 nghìn đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày người vay phải trả 2,040 triệu đồng (trong đó, 1,7 triệu đồng tiền gốc và 340 nghìn đồng tiền lãi 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102 nghìn đồng/ngày.

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” thì người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900 nghìn đồng, còn 600 nghìn đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng. Nếu người vay tiền trả chậm một ngày sẽ bị phạt từ 2 % đến 5 %/ngày.

Nếu người vay trả nợ đúng hạn, có uy tín thì lần vay sau, nhân viên công ty sẽ duyệt cho người vay số tiền cao hơn từ cấp độ 1 đến cấp độ 7 (mỗi cấp độ gọi là 1 app), với số tiền tối đa được vay là 2,75 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, mỗi người có thể vay nhiều app khác nhau cùng lúc, để có thể vay được số tiền mình có nhu cầu vay. Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm.

Cơ quan Công an xác định từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng nói trên; với tổng số tiền các đối tượng cho vay vào khoảng 100 tỷ đồng.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng cho biết, hiện nay xuất hiện nhiều ứng dụng hoạt động dưới hình thức “tín dụng đen”, các ứng dụng này thường thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Theo thống kê, hiện có đến hàng trăm ứng dụng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” như vậy (thông qua website, qua các ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu trên GooglePlay, AppStore như Tamo, Vdong, Movay, Ucash…). Khi khách hàng cài đặt một hoặc một vài ứng dụng vay, sẽ có nhân viên của nhiều ứng dụng khác liên hệ, liên lạc để giới thiệu, mời chào khách hàng cài đặt và vay trên ứng dụng của họ.

Đã có rất nhiều nạn nhân lúc đầu chỉ vay một app với số tiền vài triệu đồng, sau khi không có tiền trả nợ được nhân viên các app giới thiệu cho vay app khác để trả nợ. Và các nạn nhân đã vướng vào cái vòng luẩn quẩn đó, vay app sau, trả cho app trước, có người đã vay đến vài chục app và số tiền cả gốc lẫn lãi lên đến nhiều trăm triệu đồng. Trong số các app họ vay, có nhiều app lập ra do chính công ty họ vay ban đầu, chỉ là họ vay qua các app khác nhau để tổng tiền vay tăng lên theo cấp số nhân. Đến lúc này, họ biết đã rơi vào bẫy của các công ty cho vay kiểu “tín dụng đen”  thì đã muộn.

Hoàng Châu
.
.
.