Vật vã… gỡ vướng [Kỳ cuối]
Mỗi dự án rơi vào tình trạng cù cưa, chậm trễ tiến độ hoàn thành so với kế hoạch ban đầu đều có nguyên nhân riêng. Nhìn từ góc độ chính quyền, đã có những nỗ lực nhất định để tháo gỡ những vướng mắc dự án bị “treo” hàng chục năm trời. Có những dự án, Trung ương rất đã quan tâm, chỉ đạo các bên có liên quan khẩn trương có giải pháp thích hợp, không để tình trạng vì dự án “treo” gây bức xúc, khó khăn cho người dân. Một số địa phương đã đưa các dự án chậm trễ tiến độ vào danh sách để giám sát...
Giám sát đặc biệt
Dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối ở biển Lăng Cô tọa lạc bên bờ biển Lăng Cô (thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến nay đã “đắp chiếu” 16 năm – tính từ lúc được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp chứng nhận đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 102 triệu USD, quy mô 100ha đất, gồm 100 villa - resort - khách sạn và 70 villa cao cấp… do Công ty TNHH MTV Bãi Chuối Việt Nam làm chủ đầu tư.
Nhằm hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ thi công dự án, tuyến đường dài gần 6km, chạy quanh núi Hải Vân được đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước với kinh phí 40 tỷ đồng đã hoàn thành từ giữa năm 2012. Được quan tâm như thế song đến nay khu đất của dự án này vẫn… để hoang. Cuối 2022, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc dự án này vi phạm các quy định của pháp luật do không triển khai thực hiện sau thời gian dài được cấp chứng nhận đầu tư; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án này. Trước đó, từ năm 2017, sau gần 1 thập kỷ không triển khai xây dựng, dự án bị đưa vào danh mục 29 dự án cần giám sát đặc biệt của tỉnh.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Hồ Huy Hinh, Phó trưởng Phòng Đầu tư - Doanh nghiệp và Lao động thuộc BQL Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho rằng, mặc dù cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi nhưng đến thời điểm hiện nay do vướng mắc nên vẫn chưa thu hồi được. Dự án gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và gây lãng phí tài nguyên đất tại địa phương, khiến người dân rất bức xúc.
Không phải chỉ dự án vừa kể, trong số các dự án du lịch “treo” kéo dài tại tỉnh Thừa Thiên Huế, còn nhiều dự án khác cũng nằm trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được tỉnh đưa vào diện giám sát đặc biệt. Dự án Khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải nằm trải dài bên bãi biển Lăng Cô và Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland chủ đầu tư với vốn đầu tư hơn 838 tỷ đồng cũng trong tình trạng “bất động” nhiều năm nay sau khi thực hiện khoảng 80%, bắt đầu từ 2016. Đây cũng là dự án từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm trong quá trình triển khai. Dự án này cũng được HĐND tỉnh đưa vào danh sách các dự án đôn đốc, theo dõi đặc biệt tiến độ thực hiện từ 8/2023. Hiện BQL Khu kinh tế yêu cầu nhà đầu tư xây dựng kế hoạch để tái khởi động dự án; chứng minh năng lực tài chính. Nếu nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện, tỉnh sẽ tiến hành rà soát các quy định pháp lý xem xét, thu hồi đất và kêu gọi nhà đầu tư mới có năng lực tiếp tục triển khai dự án.
Đối với dự án sân golf Lăng Cô, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả giám sát tình hình, kết quả sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đây thuộc nhóm các dự án giám sát đặc biệt. Trước đó, dự án này được tỉnh gia hạn nhiều lần và cũng có nhiều lần cam kết về tiến độ thực hiện, song thực tế, chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng.
Tương tự, dự án Khu du lịch Suối Voi (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cũng nằm trong danh sách các dự án chậm tiến độ cần giám sát đặc biệt và Sở KH&ĐT tỉnh từng xử lý vi phạm hành chính dự án triển khai chậm tiến độ. Hơn 3 tháng trước, ông Lê Văn Tuệ, Trưởng BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã chủ trì buổi làm việc, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết dự án; có văn bản cam kết về tiến độ. Trường hợp công ty không thực hiện theo cam kết, tỉnh sẽ rà soát, xử lý vi phạm, thực hiện thủ tục chấm dứt giai đoạn 3, 4 dự án theo quy định...
Bên cạnh một số dự án nằm trong phạm vi của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đang trong trạng thái… chờ gỡ vướng thì dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế (tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) mà chúng tôi đã đề cập, nhà đầu tư đã có công văn đề nghị được điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 72,09ha xuống còn khoảng 30ha. Sở KH&ĐT cũng đã tiếp nhận đề xuất, có văn bản tham mưu UBND tỉnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh chỉ đạo sau khi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) dự án mới được phê duyệt, giao Sở KH&ĐT thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Không bơm vốn, khó đẩy nhanh tiến độ
Trở lại câu chuyện dự án Làng đại học Đà Nẵng, theo Đại học Đà Nẵng - chủ đầu tư, tổng nhu cầu vốn cần bổ sung giai đoạn 2021 - 2025 là 6.164 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.942 tỷ đồng, nhu cầu vốn xây dựng các hạng mục công trình tại khu quy hoạch là 1.222 tỷ đồng.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết thêm, đến nay đã thông báo mời thầu, lựa chọn tư vấn để lập quy hoạch 1/2000; phối hợp với các sở, ngành liên quan của TP Đà Nẵng và Quảng Nam rà soát thực tế và có báo cáo đề xuất bổ sung nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2018 - 2020 trên 1.500 tỷ đồng, trong đó ưu tiên giải phóng mặt bằng và đã được Chính phủ thống nhất bố trí 1.000 tỷ đồng và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Đại học Đà Nẵng cũng đã làm việc với WB hoàn thành đề xuất dự án vay vốn ODA với số tiền 100 triệu USD…
Chủ đầu tư cũng đã báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, đề nghị Bộ quan tâm, sớm báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ưu tiên xem xét, bố trí vốn đầu tư công từ nguồn bổ sung hoặc dự phòng trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để hoàn thành giải phóng mặt bằng tại 2 địa phương; xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật và một số công trình cấp thiết với tổng kinh phí khoảng 6.164 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Theo tính toán của UBND thị xã Điện Bàn, khi giải phóng mặt bằng 170ha (theo phương án Quy hoạch chi tiết 1/500 do Đại học Đà Nẵng đề xuất, vệt dân cư dọc tuyến đường ĐT 607 và một số khu vực mồ mả trong ranh giới dự án với tổng diện tích gần 20ha, không phải giải tỏa), sẽ có 1.845 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 1.375 hộ bị ảnh hưởng đất ở; 440 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp; còn lại bị ảnh hưởng đất tín ngưỡng, tôn giáo. Tổng số lô cần bố trí tái định cư là 3.155 lô, với tổng quỹ đất khoảng 100ha, chưa tính đến việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi chính dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ Làng đại học Đà Nẵng.
Có một thực tế nếu phải giải tỏa trắng hiện trạng (170ha/190ha), thì chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư khu tái định cư rất lớn… Từ thực tế này, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, nếu giải toả trắng 170ha, địa phương kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét, phân bổ vốn để thực hiện, trước tiên là phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư để có cơ sở thực hiện.
Thứ hai, trong trường hợp không bố trí đủ vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2.000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha.
Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời, để thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Làng đại học Đà Nẵng, thì phải cơ bản hình thành khu tái định cư để người dân có thể ổn định và chi phí đầu tư khu tái định cư với quy mô diện tích đề xuất nêu trên là rất lớn. Cụ thể, suất vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện khu tái định cư cho dự án với diện tích khoảng 163,8ha nêu trên (bao gồm các chi phí: xây dựng, thiết bị, quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn đầu tư xây dựng và các khoản chi phí khác, chưa tính đến chi phí giải phóng mặt bằng) dự kiến khoảng 7,179 tỷ đồng/1,0ha.
“Dự án Làng đại học Đà Nẵng đã kéo dài 27 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân. Do vậy, nếu cấp thẩm quyền không chấp thuận chủ trương thực hiện một trong hai kiến nghị đề xuất nêu trên, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh quan tâm kiến nghị cấp thẩm quyền dừng dự án trên để người dân tại khu vực được thực hiện các quyền liên quan về đất đai, xây dựng, ổn định đời sống”, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn bày tỏ.