Tốn tiền tỷ xây chợ rồi bỏ hoang

Thứ Sáu, 13/08/2021, 08:23

Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có ít nhất 5 chợ được đầu tư xây dựng, với mức kinh phí hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, các chợ này chỉ vài lần nhóm họp; thậm chí có chợ chỉ có một… tiểu thương(!)

Trên đường xuyên Á nối cảng Cửa Việt với cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, rẽ vào thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, có một chợ mới xây dựng hoàn thành cách đây chừng 2 năm, song trong chợ thường có 4-5 tiểu thương buôn bán.

Ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho biết, chợ mới được khởi công xây dựng năm 2017, với tổng mức đầu tư 3,9 đồng; trong đó, ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng, ngân sách huyện 500 triệu đồng, vốn từ nguồn nông thôn mới của xã 500 triệu đồng, còn lại dự kiến từ nguồn đấu giá lô quầy và người dân địa phương đóng góp. Tuy nhiên, đã qua 3 lần đấu giá, chỉ có 5/60 lô quầy được đấu giá thành công. Hiện, công trình vẫn còn nợ đơn vị thi công 500 triệu đồng, một số hạng mục như hệ thống PCCC, phòng bảo vệ, mái che một số vị trí trong chợ chưa có kinh phí để triển khai.

Tốn tiền tỷ xây chợ rồi bỏ hoang -0
Chợ Mai Xá chỉ có 5-6 tiểu thương buôn bán. 

Ông Lương nói rằng, nhiều tiểu thương không tham gia đấu giá vì cho rằng họ chỉ buôn bán những mặt hàng nhỏ lẻ, trong khi người mua ít, sức tiêu thụ hàng hóa ở chợ thấp. Thực tế này không đủ khả năng trả kinh phí đấu giá 1 lần cho 10 năm hoạt động, với dao động mức từ 14-20 triệu đồng/lô quầy. Vì thế, UBND xã Gio Mai đã có đề xuất UBND huyện Gio Linh phương án điều chỉnh giảm 46% mức giá bình quân so với giá khởi điểm ban đầu cho từng lô quầy, đồng thời cho tiểu thương nộp tiền đấu giá lô quầy 2 lần để đỡ áp lực.

Tuy nhiên, sau khi thành lập tổ khảo sát thực tế, tổ công tác của huyện đưa ra 2 phương án: Giảm thời gian cho thuê lô quầy còn lại 5 năm, hoặc giảm thời gian cho thuê lô quầy còn lại 5 năm và giảm giá 10% theo giá cho thuê đã được phê duyệt để tổ chức đấu giá lại. Đến nay cả hai phương án này đều không được các tiểu thương đồng ý nên chợ vẫn chỉ có 5-6 người buôn bán...

Tương tự, chợ trung tâm xã Triệu Đông (cũ), trước thuộc xã Triệu Đông, sau sáp nhập là xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, cũng trong cảnh đìu hiu.

Theo ông Lê Cảnh Bồi, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thành, chợ được xây dựng cơ bản hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2018, trước thời điểm sáp nhập xã Triệu Đông và Triệu Thành. Công trình có mức đầu tư 3,3 tỉ đồng, với quy mô 33 lô ki ốt và quầy. Năm 2019, sau 3 lần UBND xã Triệu Đông (cũ) phối hợp Công ty Đấu giá hợp danh miền Trung tổ chức đấu giá, có 20/33 lô quầy được đấu giá thành công, thời gian sử dụng 5 năm, thu tiền hằng năm. Nhưng hiện chợ cũng chỉ có 1 tiểu thương buôn bán.

Nguyên nhân là do trên địa bàn xã đang tồn tại 2 chợ tạm tự phát. Trong đó, chợ tạm thôn Bích La Đông có gần 100 hộ tiểu thương buôn bán, còn chợ tạm thôn Nại Cửu nằm ngay trước mặt chợ trung tâm xã Triệu Đông (cũ)) có hơn 30 hộ tiểu thương buôn bán. Khi tiến hành đấu giá lô quầy ở chợ mới, chủ yếu tiểu thương ở chợ tạm thôn Nại Cửu tham gia, còn hầu hết tiểu thương ở chợ tạm Bích La Đông không tham gia và nại ra lý do vì đã buôn bán quen với khách ở chợ cũ, hơn nữa mức phí phải đóng chỉ 2.000-5.000 đồng/ngày, còn khi đấu giá lô quầy ở chợ mới thì cao hơn nhiều…

Còn ở TP Đông Hà có 2 công trình chợ đêm được đầu tư xây dựng gần 21,5 tỉ đồng, nằm ở những khu đất “vàng”, với tổng diện tích hơn 1,6ha. Đó là chợ tại khu phố 6, phường 3, cạnh đường Thành Cổ và cách đường Trần Hưng Đạo chỉ khoảng hơn 100m về phía Bắc. Chợ này có diện tích xây dựng trên 3.400m2, quy mô 200 lô quầy, có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, từ nguồn vốn viện trợ của Nhật Bản và vốn đối ứng của tỉnh Quảng Trị do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Ngôi chợ thứ hai (gọi là chợ đêm Đông Hà) tọa lạc gần với Quốc lộ 1, thuộc địa bàn khu phố 4, phường 2; có diện tích xây dựng trên 1,3ha, bao gồm các hạng mục: Cổng chính, sân khấu ngoài trời, khu vui chơi trẻ em, hệ thống giao thông nội bộ, cây xanh, các gian hàng thương mại, khu ẩm thực, khu nhà trưng bày sản phẩm…, với tổng kinh phí đầu tư gần 11,5 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Thương mại Triều Phát (Quảng Ngãi) đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Doãn, Chủ tịch UBND phường 3, cho hay, ban đầu chợ đêm phường 3 có 160/200 lô quầy được đăng ký, gồm các mặt hàng khá đa dạng, như áo quần, giày dép, hàng tạp hóa và ẩm thực… Tuy nhiên, do hoạt động không có hiệu quả nên chỉ sau hơn 1 tháng tồn tại, các tiểu thương rời bỏ quầy, chợ vì thế đành phải dừng hoạt động. Còn theo nhà đầu tư chợ đêm Đông Hà, nguyên nhân chính chợ này hoạt động không hiệu quả là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, một số người dân sống gần khu vực chợ có nhận định khác, nguyên nhân do việc đô thị hóa và công nghiệp hóa ở Đông Hà chưa cao nên sức mua chưa lớn. Đặc biệt, văn hóa mua sắm của người dân cũng khác với những thành phố lớn, người dân ở đây phần lớn làm việc trong giờ hành chính vào ban ngày, tan giờ làm việc là họ tranh thủ đi mua sắm luôn. Chính vì thế đi mua sắm chợ đêm chưa thể trở thành thói quen trong thời gian ngắn của người dân ở thành phố này được.

Qua trao đổi, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện toàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng 81 trong tổng số 108 chợ quy hoạch. Trong đó có 60 chợ kiên cố, 19 chợ bán kiên cố và 2 chợ tạm. Phân theo địa bàn có 27 chợ thành thị, 54 chợ nông thôn. Phân theo hạng, có 3 chợ hạng I, 11 chợ hạng II và 67 chợ hạng III. Trước tình trạng một số chợ hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí đầu tư, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, yêu cầu rà soát, có biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khai thác chợ một cách tốt nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Thanh Bình
.
.
.