Tốn tiền tỷ xây chợ... “bỏ hoang”

Thứ Sáu, 07/11/2014, 13:05
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hàng chục ngôi chợ được xây dựng mới, với tổng kinh phí nhiều tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước, hoặc vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 135; nhưng bị bỏ hoang. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu khảo sát khi xây dựng chợ…

Chỉ tính riêng huyện Phú Vang, trong 9 năm qua đã có 40 ngôi chợ lớn, nhỏ thi nhau “mọc lên”, với kinh phí xây dựng mỗi chợ từ 200-700 triệu đồng. Trong số đó có hơn 10 chợ xây xong bỏ hoang. Điển hình, năm 2005, UBND xã Phú Diên đầu tư gần 600 triệu đồng xây 2 chợ Phú Diên 2 và 3 ở thôn Mỹ Khánh và thôn Kế Sung. Nhưng sau khi hoàn thành, tiểu thương vào chợ buôn bán chỉ đếm trên đầu ngón tay...

Bà Nguyễn Thị Lợi (trú thôn Kế Sung) cho biết: “Do xã có đến 4 ngôi chợ được xây dựng liền kề, đó là chưa kể đến các chợ xép ven đường nên chợ mới xây lên rất vắng người. Trong đó có chợ Phú Diên được xây dựng từ năm 2003 nhưng do không hoạt động nên đến nay vẫn bỏ hoang. Bà con chúng tôi thấy việc xây dựng chợ như thế này là lãng phí vô cùng”. Tương tự, tháng 5-2014, UBND xã Phú Mỹ đầu tư khoảng 600 triệu đồng xây mới 2 khu chợ Dưỡng Mong và An Lưu; song phần lớn diện tích cũng bỏ hoang và hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Chợ Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) xây mới nhưng bị bỏ hoang.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, lý giải: “Do trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công không lường trước được những bất cập nên dẫn đến chợ xây dựng có quy mô nhỏ, mái che quá cao và hẹp nên không đáp ứng được nhu cầu buôn bán của người dân. Hiện xã đã yêu cầu đơn vị thi công sửa chữa lại những điểm hư hỏng như người dân phản ánh”... Tại xã Quảng Phước (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) khu chợ chuyên kinh doanh gia cầm và nông sản Quảng Phước được xây dựng trên diện tích khoảng 5.000m2, gồm 36 lô, với kinh phí đầu tư 2,2 tỷ đồng, nhưng luôn trong tình trạng “bỏ phí” từ năm 2008 cho đến nay…

Ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Hiện toàn tỉnh có gần 160 ngôi chợ từ loại I đến loại III nhưng qua khảo sát, có đến 1/3 trong số này hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chính là do trong quá trình xây dựng chợ ở các vùng nông thôn và miền núi, chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công đã vô tình bỏ qua khâu khảo sát địa điểm, thu thập ý kiến của người dân... dẫn đến chợ xây ra nhưng không có người tụ họp, gây lãng phí tiền tỷ của Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng chợ xây xong rồi bỏ hoang, đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các địa phương có chợ cùng cơ quan liên quan sớm có những biện pháp để vận động, khuyến khích người dân vào chợ mua bán, tránh tình trạng lãng phí như hiện nay…

Lê Anh
.
.
.