Ai chịu trách nhiệm khi hàng trăm hécta đất tái định canh dự án bauxite bị lấn chiếm trái phép?

Thiếu đất tái định canh, khai thác bauxite gặp khó (Bài 2)

Thứ Sáu, 17/05/2024, 05:37

Trong khi khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng bị hàng trăm hộ dân kéo tới lấn chiếm, trồng hoa màu, xây dựng nhiều công trình kiên cố thì công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite tại huyện Bảo Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, một phần vì thiếu đất bố trí tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất. 

Đầu năm 2024, dự án khai thác quặng bauxite, chế biến alumin của Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng - TKV và Công ty nhôm Đắk Nông - TKV tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu để chế biến. Những năm gần đây, có thời điểm, hai nhà máy chế biến alumin chỉ hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là do công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite gặp rất nhiều trở ngại. Ngoài khó khăn về giá cả bồi thường, thu hồi đất, nhiều trường hợp còn liên quan tới công tác tái định cư, định canh trong khi quỹ đất dành cho lĩnh vực định canh, định cư của tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông tiếp tục thiếu hụt, không sắp xếp được quỹ đất.   

Thiếu đất tái định canh, khai thác bauxite gặp khó (Bài 2) -0
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công trường khai thác bauxite, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn dự án.

Theo Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng - KTV, giai đoạn 2020-2024 có diện tích 320,12ha (sau khi đã trừ gần 7ha rừng tự nhiên) được công ty và các đơn vị liên quan thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng từ năm 2019. Đến nay, 248,8ha đã có quyết định thu hồi đất (chiếm 78%), trong đó đất của hộ gia đình, cá nhân là 223,4ha, đất lâm nghiệp 25,4ha. 71ha còn lại chưa đền bù giải phóng mặt bằng, ngoài đất của các hộ gia đình, cá nhân chủ yếu là đất rừng, thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri (13,4ha) và đất do Công ty Vĩnh Tiến, Công ty Vĩnh Lộc quản lý (30,4ha). Mặc dù được các cơ quan chức năng địa phương quan tâm nhưng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và trách nhiệm, thẩm quyền xử lý nên tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn rất chậm. Điều này khiến cho việc khai thác quặng bauxite gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt quặng nguyên liệu để nhà máy chế biến alumin hoạt động.

Ông Đặng Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng - TKV cho biết, thời gian qua, công ty đã phải sử dụng nguồn quặng bauxite lưu trữ trong kho được khai thác từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án giải quyết tình thế trước mắt. Do thiếu hụt nguồn quặng nên sản lượng chế biến alumin đã có dấu hiệu sụt giảm so với những tháng trước đây. Về lâu dài, nếu công tác bồi thường, thu hồi đất giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite trên khai trường tiếp tục gặp khó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc vận hành nhà máy chế biến alumin, năng suất chế biến và các mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp đề ra.

Năm 2024, Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng - TKV cần 90ha đất sạch để khai thác quặng bauxite. Hiện tại, đơn vị chỉ còn 1,9ha đất đang khai thác quặng. Theo ông Đặng Trung Kiên, nguyên nhân khiến công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn là do liên quan tới giá cả bồi thường, thu hồi đất, vướng mắc các thủ tục pháp lý khác... Trước đây, khi đất đai chưa có giá, hầu hết những gia đình trong diện phải thu hồi đất để phục vụ khai thác bauxite thường không yêu cầu tái định canh mà quy ra tiền để nhận, người dân tự đi mua đất để canh tác. Nay đất đai có giá, quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhất là giá cà phê tăng mạnh, các trường hợp đủ điều kiện chuyển sang đề nghị nhà nước bố trí tái định canh. Điều này khiến công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng ngày càng gặp khó khăn, vướng mắc. “Nhu cầu về đất tái định canh là vô cùng lớn. Hầu như trường hợp nào phải thu hồi đất đều muốn nhà nước bố trí tái định canh theo đúng diện tích đã thu hồi!..”, ông Đặng Trung Kiên cho biết.

Trong khi nhu cầu về tái định canh cho các gia đình đủ điều kiện thuộc diện phải thu hồi đất là rất lớn thì hơn 153ha đất của khu tái định canh Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng được triển khai từ năm 2006 tại thị trấn Lộc Thắng và một phần xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng lại bị hàng trăm hộ kéo tới lấn chiếm hết. Công tác giải tỏa các hộ lấn chiếm vẫn lâm vào bế tắc…

Dự án khai thác bauxite, chế biến alumin của Công ty nhôm Đắk Nông cũng đang gặp khó khăn với nguyên nhân tương tự. Từ đầu năm 2024 tới nay, đơn vị mới chỉ khai thác được 557 nghìn tấn (đạt 13,2% kế hoạch năm) dẫn đến sản lượng quặng tinh sản xuất thực chỉ đạt 28,3% kế hoạch năm. Sản lượng quặng khai thác đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng tiếp tục gặp khó, không đủ diện tích để khai thác. Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (đối với khai trường năm 7 - 8), đã được UBND huyện Đắk RLắp đã phê duyệt 9 phương án/115 hộ với 91,2ha. Trong đó, số hộ chưa nhận tiền là 30/115 hộ với diện tích 29,84/91,2ha; số hộ đã nhận tiền là 85/115 hộ, với diện tích là 61,39/91,23ha. Chưa bàn giao thực địa là 17,94ha và nhận bàn giao mặt bằng 44,60/91,23ha. Công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án khai thác quặng bauxite tại Đắk Nông gặp khó khăn cũng liên quan tới việc bố trí tái định cư, định canh cho những gia đình đủ điều kiện.

Theo ông Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Giám đốc Công ty nhôm Đắk Nông, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến quý III/2023, có thời điểm lượng quặng khai thác chỉ đủ để sản xuất trong 1 tuần. Tháng 4/2024, nguyên liệu quặng trên khai trường đang rất ít. Nguồn quặng nguyên khai dự trữ trong kho hiện tại đạt khoảng hơn 100 nghìn tấn, chỉ bằng 1/6 so với cùng kỳ năm 2023. “Nếu không giải phóng được mặt bằng, cùng với sắp bước vào mùa mưa, nguy cơ nhà máy phải ngừng sản xuất là rất lớn. Trường hợp phải dừng hẳn nhà máy đến khi khởi động lại sẽ tốn kém rất nhiều tiền của…”, ông Nguyễn Vũ Hoàng cho biết.

(Còn nữa)

Khắc Lịch
.
.
.