Ai chịu trách nhiệm khi hàng trăm hécta đất tái định canh dự án bauxite bị lấn chiếm trái phép?

153 ha đất tái định canh dự án bauxite “biến mất” (Bài 1)

Thứ Năm, 16/05/2024, 07:32

Toàn bộ 153 ha đất khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng tại thị trấn Lộc Thắng và xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã bị người dân lấn chiếm trái phép. Việc giải tỏa công trình, hoa màu trên đất bị lấn chiếm đang gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT. Trong khi đó, giữa Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng và UBND huyện Bảo Lâm vẫn chưa thống nhất được quan điểm xử lý đối với diện tích đất tái định canh bị lấn chiếm. Sự việc đã kéo dài hơn 10 năm qua và câu chuyện vẫn đang là “bài toán nóng”...

Trong khi Khu tái định canh Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã được đầu tư hơn 10 tỷ đồng để người dân lấn chiếm hết thì tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) lại đang thiếu đất tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất để phục vụ khai thác quặng bauxite, chế biến alumin…

Theo hồ sơ, năm 2006, để phục vụ Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện khu tái định canh tại thị trấn Lộc Thắng và một phần xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Khu đất có tổng diện tích hơn 182ha, trong đó đất có rừng hơn 107ha, đất không có rừng trên 43ha và đất người dân đang sản xuất nông nghiệp khoảng 28ha. Mục tiêu của dự án là khai hoang và đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp để hình thành khu sản xuất với cơ cấu phù hợp, phục vụ tái định canh cho các hộ bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng dự án khai thác bauxite nhôm giai đoạn 1.

153 ha đất tái định canh dự án bauxite “biến mất” (Bài 1) -0
Khu tái định canh thuộc Dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng. 

Tháng 9/2007, khu tái định canh trên được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV chủ động thực hiện các thủ tục, thuận tiện hơn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng được Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam TKV giao nhận bàn giao đất từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng là 153,66ha; 28,34ha còn lại hiện trạng đất đang do người dân quản lý, sản xuất nông nghiệp, chưa được cấp có thẩm quyền đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng nên trên thực tế người dân vẫn canh tác, sản xuất bình thường. Sau khi nhận bàn giao, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan để giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và hoàn thiện với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng từ năm 2007, khi mặt bằng của khu tái định canh dần hình thành, đường sá đi lại thuận tiện, hành vi lấn chiếm đất tái định canh bắt đầu xảy ra. Thời điểm này, trên địa bàn xuất hiện nhiều nhóm người kéo tới “xí phần”, giăng dây, đóng cọc, lấn chiếm đất của khu tái định canh. Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng cũng đã nhiều lần phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, giải tỏa các loại hoa màu trồng trái phép trên diện tích đất lấn chiếm do đơn vị quản lý. Thấy việc lấn chiếm ngày càng phức tạp trong khi Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng không đủ người để trông coi, cơ quan này buộc phải ký hợp đồng với một đơn vị tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm để bảo vệ khu tái định canh. Dù vậy, việc lấn chiếm đất vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp nên trên thực tế hợp đồng này không thanh lý được. Đến năm 2014, toàn bộ diện tích đất tại khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng tại thị trấn Lộc Thắng và một phần xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm đã bị nhiều người kéo tới lấn chiếm hết.

153 ha đất tái định canh dự án bauxite “biến mất” (Bài 1) -0
Khu tái định canh đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng lại bị người dân lấn chiếm.

Đầu tháng 5/2024, có mặt tại khu tái định canh thuộc Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng, PV Báo CAND không thể nhận ra dấu hiệu nào của một dự án tái định canh. Toàn bộ khu đất rộng 153,66ha (chưa tính 28,34ha chưa thu hồi, bồi thường) đã bị người dân lấn chiếm hết, trồng phủ kín các loại hoa màu, trong đó chủ yếu là cây cà phê, chè, đã cho thu hoạch từ cách đây nhiều năm. Khu tái định canh bị người dân lấn chiếm xuất hiện ngày càng nhiều những công trình kiên cố, trong đó có nhà ở, nhà chòi phục vụ sản xuất nông nghiệp, kho bãi tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng… Những người đang sinh sống, canh tác nông nghiệp ở đây từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài người dân sinh sống địa phương lấn chiếm, còn có không ít người từ các tỉnh khác đến nhận chuyển nhượng đất trái phép.

Theo kiểm kê hiện trạng sử dụng đất của UBND thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm vào tháng 8/2017 có khoảng 130 hộ dân đã lấn chiếm 152,79ha đất tái định canh. Như vậy, gần như 100% diện tích đất của khu tái định canh đã bị người dân lấn chiếm. Cơ quan Công an cũng đã phát hiện nhiều trường hợp sang nhượng trái phép đất lấn chiếm ở khu tái định canh và đã tham mưu cho UBND huyện Bảo Lâm ra cảnh báo về tình trạng trên, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng sang nhượng đất lấn chiếm tại khu tái định canh, đảm bảo ANTT tại khu vực này.

Ông Nguyễn Đình Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng cho biết, khi đầu tư xong các công trình hạ tầng, đơn vị đã mời UBND huyện Bảo Lâm đến bàn giao khu tái định canh để cơ quan chức năng quản lý, bố trí đất canh tác cho các hộ dân có đủ điều kiện. Tuy nhiên, công tác bàn giao không thực hiện được do UBND huyện Bảo Lâm đề nghị Ban Quản lý dự án Tổ hợp - nhôm Lâm Đồng phải bàn giao “mặt bằng sạch” trong khi thời điểm này khu tái định canh đã bị người dân lấn chiếm, trồng hoa màu.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Trí, khi phát hiện các hộ dân lấn chiếm, cùng với việc phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương giải tỏa cây trồng, công trình trên đất, đơn vị cũng đã báo cáo sự việc tới UBND thị trấn Lộc Thắng và UBND huyện Bảo Lâm. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm “giải tỏa vô điều kiện” các trường hợp lấn chiếm đất khu tái định canh, đồng thời tiếp nhận và quản lý phần diện tích đã giải tỏa để bố trí tái định canh cho các hộ đủ điều kiện.

Dù vậy, các chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan tới dự án tái định canh này đều không thực hiện được. Phần diện tích đất đã được giải tỏa vào những năm trước đây cũng đã bị người dân tái lấn chiếm và trồng hoa màu.

(còn nữa)

Khắc Lịch
.
.
.