Tái xuất hiện tình trạng chèo kéo, “cò mồi” khi du lịch phục hồi

Thứ Tư, 13/04/2022, 09:04

Từ giữa tháng 3/2022 đến nay, khi ngành Du lịch mở cửa trở lại sau những tháng “đóng băng” do dịch bệnh COVID-19, bình quân mỗi ngày tỉnh Thừa Thiên-Huế đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Điều đáng nói, khi du lịch vừa phục hồi thì lại xuất hiện tình trạng chèo kéo, “cò mồi”, gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 8 đến 11/4), địa phương đón hơn 35.000 lượt khách; tổng khách lưu trú ước đạt 22.600 lượt, tổng doanh thu ước đạt 41 tỷ đồng. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú đạt 65%, một số khách sạn đạt trên 90% hoặc hết phòng.

Bà Lê Thị Dạ Lam, Tổng quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Làng Hành Hương (TP Huế) cho biết, lượng khách đến lưu trú chủ yếu là thị trường nội địa. Bên cạnh thời điểm dịp nghỉ lễ, nhờ cách làm truyền thông của ngành du lịch tỉnh đã tác động tích cực đến số lượng khách lưu trú. Theo bà Lam, trong dịp lễ này, công suất phòng của khách sạn đạt tới 90%. Trong đó khách quốc tế chiếm 10-15%. Đây là một tín hiệu tốt mặc dù du lịch Việt Nam mới mở cửa, lượng khách quốc tế tăng trưởng còn chậm.

CHAN_CHINH-1649815519927.jpg
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng hình ảnh du lịch Huế an toàn, thân thiện.

Tuy nhiên, khi du lịch mới phục hồi, sôi động trở lại thì đã xuất hiện hình ảnh “xấu xí” như chèo kéo, đeo bám khách để bán hàng rong, xin tiền du khách. Điển hình, nhiều đối tượng ăn xin ở khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, cửa Ngăn, đường 23/8 và Đoàn Thị Điểm, chùa Thiên Mụ bu bám xin tiền khách tham quan; không ít tài xế xích lô không mặc đồng phục, đậu đỗ ở những vị trí không đúng quy định để mời chào và bắt khách...

Bên cạnh sự phát triển của mạng xã hội giúp việc quảng bá hình ảnh du lịch Huế tốt hơn, thời gian qua, khi du khách vào các trang hội, nhóm du lịch để nhờ tư vấn dịch vụ thì có một số cá nhân đã lợi dụng để cung ứng dịch vụ không đảm bảo, không đúng quy định.

Một nữ du khách phản ánh, thông qua một hội nhóm trên Facebook, nữ du khách này thuê hướng dẫn viên (HDV) du lịch để dẫn đoàn tham quan tại TP Huế. Thế nhưng, suốt hành trình dẫn khách, các thành viên trong đoàn đã đặt nhiều câu hỏi về văn hóa, lịch sử liên quan đến các di tích, danh lam thắng cảnh nhưng HDV này trả lời không thuyết phục. Sau đó mới biết HDV này đang còn là… sinh viên.

Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận, gần đây xuất hiện nhiều hình ảnh không tốt, ảnh hưởng đến môi trường du lịch nói chung. Nhiều HDV không có thẻ hành nghề, sinh viên cũng nhận khách dẫn tour. Nhiều du khách không nắm rõ quy định, khi đến Huế thì lên các nhóm, diễn đàn du lịch để thuê dịch vụ tại các đơn vị, cá nhân không đảm bảo. Theo quy định, nếu du khách thuê những HDV không có thẻ sẽ khó xử lý nếu xảy ra những phát sinh trong việc cung ứng dịch vụ.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hiện có nhiều cơ sở kiến trúc, hạ tầng phục vụ du lịch xuống cấp, hư hỏng. Một số thuyền rồng trên sông Hương cũng trong tình cảnh tương tự nên ngành Du lịch và các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá lại các phương tiện chuyên chở khách du lịch trên sông Hương, các cơ sở dịch vụ để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế khẳng định, thời gian qua, nhờ chủ trương mạnh dạn mở cửa các hoạt động du lịch của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL cùng với sự hưởng ứng nhanh, cụ thể hóa thông qua chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh và ngành du lịch địa phương đã góp phần hồi phục ngành du lịch. Riêng vấn nạn chèo kéo, “cò mồi” ở các điểm du lịch, hiện Sở Du lịch đang phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, chấn chỉnh tránh tình trạng vi phạm.

Các đoàn liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã nhắc nhở, cam kết; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thống kê số lượng người bán hàng rong tại các điểm di tích, du lịch nhằm có giải pháp định hướng nghề nghiệp để những người này có thể chuyển đổi nghề phù hợp.

Và, để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch Huế an toàn, thân thiện, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý nghiêm nạn chèo kéo khách, ăn xin, “cò mồi”, tình trạng mất trật tự ATGT của xích lô, xe thồ gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch khi ngành Du lịch phục hồi và mở cửa trở lại.

Anh Khoa
.
.
.