Cần quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số để phục hồi du lịch

Thứ Ba, 12/04/2022, 08:17

Chuyển đổi số được xác định là giải pháp đột phá quan trọng để phục hồi du lịch và cũng là xu thế tất yếu của ngành Du lịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi số trong du lịch còn bất cập và cần được thúc đẩy triển khai quyết liệt hơn.

Khẳng định đại dịch COVID-19 làm cho ngành Du lịch trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số là giải pháp để chung sống và vượt qua đại dịch. Thực tế, không phải đến thời điểm hiện nay, chuyển đổi số mới được người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cung cấp dịch vụ du lịch quan tâm. Như Lux Group, ngay từ năm 2004, công ty đã phải cố gắng để ứng dụng công nghệ thông tin phát triển, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, số hóa dữ liệu, đầu tư trang web…

Nhờ ứng dụng công nghệ, đơn vị có dòng tiền nhanh hơn, biết ngay là khách thích gì, đi xe gì, yêu thích nhãn hiệu gì, phàn nàn gì, muốn gì… Tất cả đều nhờ công nghệ thực tế ảo, có quan hệ với khu vực khách đến, biết được khách tìm kiếm gì nhất. Việc ứng dụng công nghệ kết hợp với việc điều tra, nghiên cứu thị trường thực tế tạo được các data, big data về dữ liệu khách du lịch, tâm lý của khách, các hãng lữ hành gửi khách cho Việt Nam… Điều này vô cùng quan trọng trong kinh doanh.

Cần quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số để phục hồi du lịch -0
Quảng bá điểm đến hấp dẫn của Hoàn Kiếm, Hà Nội trên môi trường số. Ảnh minh họa

Ông Phạm Hà cũng cho rằng, việc chuyển đổi số cần được thực hiện càng nhanh càng tốt, từ đó quản lý, quản trị công việc kinh doanh, khách hàng. Các báo cáo phải phục vụ doanh nghiệp chứ không phải chỉ doanh nghiệp phục vụ cơ quan quản lý nhà nước. Khi có đủ dữ liệu khách có thể dễ dàng phân tích các thị trường khách. Ví dụ khách châu Âu thích tìm hiểu gì, thích ở đâu, thích ăn món nào nhất? Khách châu Á thích mua gì, thích chơi ở đâu, đến vùng khí hậu như thế nào…? Từ tất cả những dữ liệu đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Ông Ngô Minh Đức, Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty GOTADI thì nhận định, ứng dụng công nghệ thông tin của của du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói riêng đang ở mức thấp so với thế giới. Nếu không quyết tâm chuyển đổi số thì chúng ta sẽ lạc hậu, khó cạnh tranh. Chúng ta phải làm chủ được công nghệ, từ đó ngành du lịch có thể phát triển được, các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh được.

Cũng theo ông Ngô Minh Đức, hiện nay, hệ thống bán vé điện tử cần mở rộng áp dụng ở các điểm đến ở trong nước và cần đưa Thẻ du lịch thông minh tiếp cận rộng rãi khách du lịch. Người làm du lịch và các bên liên quan cần phải liên kết, phải chuyển đổi số cùng nhau, từ đó phát triển được hệ sinh thái riêng của người Việt…

Đồng quan điểm nói trên, ông Bùi Văn Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Liên chi hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cũng cho rằng: Người làm du lịch và lĩnh vực dịch vụ liên quan cần xác định được các sản phẩm, dịch vụ du lịch số mà người tiêu dùng quan tâm, từ đó thiết kế sản phẩm mang lại sự thuận tiện cho người dùng, kết nối sản phẩm với người dùng và kiên trì triển khai.

Về chuyển đổi số trong ngành Du lịch, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch khẳng định, đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và khi đại dịch COVID-19 làm thay đổi xu hướng, hành vi của người tiêu dùng chuyển sang sử dụng nhiều hơn các sản phẩm du lịch có ứng dụng công nghệ. Những năm qua, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nhiều văn bản, nghị quyết đều nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.

Triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch đã tiến hành xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam, thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh. Tổng cục cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện các Đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch,  rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định còn bất cập, đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và công nghệ.

Về định hướng giải pháp, ông Hoàng Quốc Hoà cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ phát huy cơ chế công tư, tạo nguồn lực chuyển đổi số, đồng hành, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số và đặc biệt quan tâm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh của ngành Du lịch.

N.H.
.
.
.