Sông Hương mộng mơ nhưng nhiều thuyền rồng... quá "đát"!
Ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế và các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành đã thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu, thu hút du khách trong và ngoài nước đến du lịch, tham quan trải nghiệm trên dòng sông Hương, Cố đô Huế. Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương đang thiếu và yếu, cần tiếp tục được đổi mới để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
Du khách đến Huế thường đi thuyền rồng trên sông Hương để du ngoạn sông nước và thưởng thức các làn điệu ca Huế. Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế, thuyền rồng du lịch trên sông Hương xuất hiện từ những năm đầu 1990 với 2 chiếc đầu tiên của Công ty Du lịch Hương Giang và sau đó người dân địa phương đã đóng mới, cải hoán thêm nhiều thuyền rồng để chở khách du lịch. Đến nay, có gần 130 thuyền rồng chở khách du lịch trên sông Hương với chất liệu làm chủ yếu bằng vỏ hợp kim nhôm, các thuyền đều đứng tên hợp tác xã để hoạt động.
Theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu”, những chiếc thuyền này có thời gian hoạt động là 30 năm. Vì thế, trong năm 2022, có 9 thuyền rồng dừng hoạt động trên sông Hương. Điều đáng nói, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên suốt gần 3 năm qua, có nhiều chủ thuyền rồng phải cho thuyền nằm bờ dẫn đến việc thuyền bị xuống cấp, hư hỏng.
Ông Lê Hạnh (ở phường Kim Long, TP Huế), chủ một thuyền rồng đôi cho biết: “Gia đình tôi đóng chiếc thuyền rồng này từ năm 1992. Qua nhiều lần tu sửa, kiểm định đảm bảo an toàn chở khách thì đến tháng 9/2022, thuyền sẽ hết niên hạn hoạt động. Sau khi được lực lượng CSGT đường thủy Công an TP Huế và lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền, sắp tới tôi sẽ hạ giải chiếc thuyền này và vay mượn thêm kinh phí để đóng mới chiếc thuyền rồng với khoảng hơn 2 tỷ đồng để phục vụ khách du lịch trên sông Hương hiệu quả hơn”.
Tuy nhiên, không phải chủ thuyền rồng nào cũng có kinh phí đóng thuyền mới như gia đình ông Hạnh. Vì thế nhiều chủ thuyền rồng rất mong các ban ngành chức năng TP Huế, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế và các đơn vị liên quan có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ trong quy trình đóng mới thuyền rồng, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp đối với những chủ thuyền rồng không có điều kiện đóng thuyền mới.
Trước thực trạng có nhiều thuyền rồng sắp hết niên hạn hoạt động, nhiều đơn vị doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quan tâm đầu tư đóng mới một số chiếc thuyền để phục vụ khách du lịch tham quan trên sông Hương. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khắc Hùng được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt đóng mới 4 thuyền du lịch với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Những chiếc thuyền này làm bằng vật liệu gỗ, mang dáng dấp thuyền rồng truyền thống xứ Huế, bên trên có mái che để phục vụ du khách. Hiện những chiếc thuyền này đang được hoàn thiện thủ tục trước khi chính thức hoạt động du lịch trên sông Hương.
Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Sau khi những chiếc thuyền này hạ thủy đã được kiểm tra, thử máy móc, các trang thiết bị đều đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng tàu thủy nội địa nên được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trong đó thuyền Ngự Hương 1 và 2 có thiết kế chở 48 khách/chiếc; thuyền Ngự Hương 3 và 4 chở 16 khách/chiếc. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách trên sông Hương”.
Ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khắc Hùng trao đổi rằng, hàng chục năm qua, du khách đến Huế là đi thuyền rồng nhưng nay thuyền đã cũ kỹ, dịch vụ kém, không đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Với mong muốn góp chút sức lực để du lịch Huế phát triển hơn, đơn vị đã vay mượn kinh phí đóng mới những chiếc thuyền nói trên đảm bảo an toàn cho du khách khi đi trên sông nước.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng, vào giữa tháng 3/2022, Việt Nam sẽ mở cửa du lịch đón khách quốc tế trở lại. Để đón đà phục hồi của ngành Du lịch hiện nay, tỉnh sẽ có những đổi mới để có những sản phẩm du lịch đẳng cấp, trong đó có dịch vụ du thuyền trên sông Hương. Tỉnh đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp, xây mới các bến thuyền, làm nền tảng mở rộng, phát triển du lịch đường sông.
Trong đó sẽ đầu tư mới một số bến thuyền để đưa du khách đến các điểm di tích như Hổ Quyền, làng du lịch cộng đồng Thủy Biều, lăng vua Khải Định. Ngoài ra, khuyến khích các chủ tàu từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng vận chuyển hành khách cùng các dịch vụ đi kèm như biểu diễn ca Huế, phục vụ ẩm thực, trưng bày, bán các sản phẩm của các làng nghề truyền thống xứ Huế…