Vụ “Tan hoang núi rừng vì đua nhau xẻ núi, bạt đồi “săn view””:

Sẽ xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm

Thứ Bảy, 16/04/2022, 08:21

Đó là khẳng định của ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khi nói về nạn xẻ núi, bạt đồi để “săn view” trên địa bàn tỉnh mà Báo CAND đã phản ánh.

Theo ông Lê Trọng Yên, hoạt động san đồi, bạt núi, san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua là đáng báo động, có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số khu vực, vị trí sai phạm.

“Có thể nói hoạt động kinh doanh bất động sản, phân lô, tách thửa ở một số nơi còn thiếu minh bạch, chưa lành mạnh, một phần là do các quy định của luật pháp cũng như quy định của địa phương chưa chặt chẽ. Điều này dẫn tới hệ lụy là Nhà nước thất thu thuế, quy hoạch bị phá vỡ và thị trường bất động sản bất ổn”, ông Yên khẳng định.

sai pham2.jpg -0
Một địa điểm thác nước tự nhiên trên địa bàn TP Gia Nghĩa bị san ủi, xây dựng nhiều công trình trái phép để “săn view”.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng nghị quyết về thực thi công vụ từ lãnh đạo tỉnh cho tới tận cấp xã, phường, tổ dân phố. “Đối với những địa bàn “nóng” về vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. UBND tỉnh Đắk Nông cũng đang chỉ đạo các sở ngành tham mưu để UBND tỉnh ra văn bản chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến kinh doanh bất động sản, phân lô, tách thửa”, ông Yên nói.

“Công tác quản lý đất đai về tách thửa và xây dựng phải có những quy định để địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát. Vấn đề nữa là phải đánh giá có còn kẽ hở gì trong Quyết định 22 năm 2021 UBND tỉnh ban hành để triệt tiêu triệt để trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, tránh tạo ra lợi ích nhóm, phân thửa nhỏ không đúng quy hoạch đã được phê duyệt” , ông Yên cho biết.

Từ cuối năm 2021 đến nay, việc sốt đất ở Đắk Nông cùng với tác dụng tích cực là thúc đẩy thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy và nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi, rõ nhất là hoạt động san đồi, bạt núi trái phép. Hoạt động diễn ra một cách rầm rộ, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan cũng như phá vỡ kết cấu tự nhiên của địa hình, tiềm ẩn nguy cơ khi có thiên tai, lũ lụt.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết, có một số khó khăn và bất cập trong khâu xử lý vi phạm. Thứ nhất là mức phạt hiện nay đang còn rất thấp, theo Nghị định 91 năm 2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi huỷ hoại đất thì mức phạt tối đa ở cấp xã là 5 triệu đồng và ở cấp huyện chỉ là 50 triệu đồng. Trong khi đó, giá trị các thửa đất sau khi san lấp có thể đến hàng tỷ đồng, người vi phạm sẵn sàng vi phạm và nộp phạt.

Đồng thời, quy định về khắc phục hậu quả là “khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” đối với vi phạm san đồi, bạt núi là gần như không thể. “Chính phủ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, cần có giải pháp sửa đổi như thế nào đó cho phù hợp và đi vào thực tiễn”, ông Hoàng nêu ý kiến.

Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa cho rằng, tình trạng san lấp mặt bằng trái phép sẽ còn phức tạp khi mà sốt đất chưa đạt đỉnh. “Gia Nghĩa mới lên thành phố được 2 năm, giá đất ở thành phố hiện nay đã tăng so với trước khá nhiều nhưng vẫn chưa phải là cao. Khi bất động sản ở thành phố còn tăng, còn thu hút các nhà đầu tư thì hoạt động phân lô, tách thửa, san lấp mặt bằng sẽ tiếp tục tăng. Trong khi nhu cầu xây dựng của người dân là có thật, nhưng việc quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng được thực tiễn với quy hoạch chi tiết chỉ đạt 6.000/27.000ha và tập trung chủ yếu vùng trung tâm thành phố”, ông Sương thông tin.

Có thể nói sự ngang nhiên, bất chấp của nhiều đối tượng vi phạm cho thấy cùng với sự yếu kém, buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương cũng còn có những lổ hổng về luật pháp, chế tài xử lý vi phạm và công tác điều hành, quản lý cán bộ ở địa phương. Nhiều nơi có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm, cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương.

Văn Thành
.
.
.