Nữ công nhân mất một cánh tay trong lúc lao động: Doanh nghiệp hỗ trợ vẻn vẹn 8 triệu đồng
Trong lúc sản xuất, chị Ánh không may bị máy xay thịt cắt cụt 1/3 cánh tay khiến phải nghỉ việc ở nhà, tạm thời sống dựa vào chồng. Điều đáng nói, dù bị thương tật nặng nề là thế nhưng sau nhiều tháng xảy ra vụ việc, nữ công nhân này chỉ nhận được vẻn vẹn 8 triệu đồng hỗ trợ từ chủ doanh nghiệp…
“Hoạ vô đơn chí”
Theo thông tin từ bạn đọc, cuối tháng 2/2023, chúng tôi tìm đến nơi ở của chị Vũ Thị Ánh (sinh năm 1996, ở xóm 6, thôn Lạt Dương, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Ngôi nhà cấp bốn nằm sâu trong một con ngõ của xóm 6, thôn Lạt Dương trông khá lụp xụp, 4 bức tường chỗ nào cũng bị ẩm mốc, đồ đạc chẳng mấy thứ gì có giá trị không giấu nổi hoàn cảnh khó khăn của gia đình.
Cố nén cảm xúc, chị Ánh kể lại, từ đầu tháng 9/2019, chị xin vào làm công nhân cho Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội (đóng tại thôn Cát Bi, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên), do ông Nguyễn Ngọc Quang làm Giám đốc. Gần 3 năm sau chị Ánh mới được công ty ký hợp đồng lao động theo tháng một.
Đến tháng 7/2022, công ty khuyến khích công nhân tự bỏ tiền ra đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng chị Ánh đã không tham gia. Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội có khoảng 30 công nhân tham gia và chỉ gần chục người được công ty đóng BHXH và đây chủ yếu là người thân trong gia đình ông Quang.
Chiều 9/1/2023, theo lịch làm việc của công ty, chị Ánh và các đồng nghiệp tiến hành xay thịt để làm nhân xúc xích. Trong lúc sản xuất, không may tai nạn lao động (TNLĐ) đã xảy ra, chị Ánh bị máy xay thịt cuốn, cụt mất 1/3 cánh tay phải và ngất đi. Sau đó, chị Ánh được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu…
“Khi nhập viện, tôi được công ty hỗ trợ đóng 3 triệu đồng tiền viện phí. Sau 1 tuần (ngày 16/1) điều trị ở viện, tôi xuất viện về nhà, chồng tôi là anh Hoàng Văn Trượng có gọi điện cho ông Quang để nói chuyện nhưng đại diện công ty không nói năng gì. Ngày 18/1, ông Quang gửi qua chị, em công nhân cùng công ty thêm 5 triệu đồng (tổng số công ty hỗ trợ 8 triệu đồng - PV)”, chị Vũ Thị Ánh chia sẻ.
Tiếp chuyện, anh Hoàng Văn Trượng, rầu rĩ kể: “Hôm đó, tôi đang làm ở nhà thì được báo là vợ tôi gặp TNLĐ được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, sau đó phải phẫu thuật cắt đi 1/3 cánh tay phải. Giờ mọi sinh hoạt cá nhân của vợ tôi rất khó khăn. Ngày 29/1, bà Xuân - vợ ông Quang có đến thăm hỏi nhưng không thấy nói gì về việc hỗ trợ kinh phí thêm cho gia đình".
“Hiện vợ tôi đã được bệnh viện cho về nhưng mất khả năng lao động, mọi chi phí cho sinh hoạt đều phụ thuộc vào nghề cơ khí của tôi. Vợ chồng tôi còn phải nuôi 2 con nhỏ (cháu lớn 8 tuổi, cháu nhỏ giờ mới 5 tuổi). Các cháu còn đang ở tuổi học hành và cần sự chăm sóc của cả bố và mẹ. Những việc của người lớn trước kia các cháu chưa phải làm nhưng sau khi mẹ gặp nạn đều phải tự làm hết”, anh Trượng chia sẻ.
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”
Cũng trong câu chuyện, ông Trần Văn D. (hàng xóm chị Ánh) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cháu Ánh rất đáng thương. Hôm bị TNLĐ, cánh tay của cháu Ánh bị dập nát, không thể can thiệp được nên tôi là người mang phần cánh tay đó đi chôn. Là một người đang lành lặn giờ bỗng dưng thành người tàn tật. Đời sống gia đình vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn. Tất cả kinh tế gia đình chỉ biết dựa vào thu nhập từ nghề cơ khí phập phù của cháu Trượng. Đúng là “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay””.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Ngọc Quang – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội cho biết, sau khi xảy ra TNLĐ, chính ông Quang là người đưa chị Ánh đi bệnh viện cấp cứu. Cùng với đó, công ty đã hỗ trợ cho gia đình chị Ánh 2 lần (tổng số tiền 8 triệu đồng). Còn lý do ông Quang không trực tiếp xuống thăm công nhân bị nạn được vì vào những ngày giáp Tết rất bận.
Liên quan đến việc sử dụng lao động cũng như các chế độ bảo hiểm cho người lao động tại công ty, ông Nguyễn Ngọc Quang lý giải, đối với việc chị Ánh không được chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp vì chị Ánh chỉ là lao động thời vụ nên không được ký hợp đồng lao động với công ty, không được tham gia BHXH, BHYT, BH TNLĐ - bệnh nghề nghiệp…
“Không có việc công ty ký hợp đồng 1 tháng như chị Ánh nói. Trong thời gian tới, sau khi ổn định về sức khoẻ, tâm lý, nếu chị Ánh và gia đình có ý kiến trình bày, công ty sẽ có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, cũng như phần nào đáp ứng nguyện vọng của người lao động. Còn trước đó, công ty cũng vận động mỗi công nhân đóng góp 1 ngày lương đến thăm hỏi động viên chị Ánh”, ông Quang cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Quốc Quý – Phó chủ tịch UBND xã Nam Tiến: “Vụ việc trên chúng tôi cũng có nghe nhưng chưa thấy gửi đơn gì đến đây. Do mới về đây nhận công tác được gần 1 năm nên tôi cũng chỉ nắm sơ sơ công ty này chứ không rõ như một đồng chí Phó chủ tịch khác. Dù là phần việc tôi quản lý nhưng chỉ khi nào Chủ tịch xã giao gì thì mới làm”.
Theo chỉ huy Công an xã Nam Tiến, đơn vị đã nhiều lần mời ông Nguyễn Ngọc Quang lên làm việc sau khi tiếp nhận đơn của chị Vũ Thị Ánh. Vụ việc cũng được Công an xã hoàn thiện hồ sơ ban đầu và chuyển lên cho Đội Cảnh sát Điều tra tổng hợp Công an huyện Phú Xuyên tiếp tục thụ lý, xử lý theo thẩm quyền.
“Công ty này cũng khá phức tạp, lĩnh vực hoạt động sản xuất thực phẩm và có cả người nước ngoài ở tại đây. Tuy nhiên, công ty đăng ký lưu trú qua mạng, nhiều khi đến kiểm tra thì đóng kín cửa, lắp camera theo dõi, thả chó gây khó khăn”, vị chỉ huy Công an xã thông tin.
Quá trình tìm hiểu vụ việc được biết, đây không phải là trường hợp TNLĐ xảy ra tại đây. Theo ông Trần Văn D., trước đó có 2 công nhân từng làm ở đây và cũng đã xảy ra TNLĐ. Trong đó, 1 nam công người bị máy cắt cụt mấy ngón tay còn công nhân nữ khác cũng bị chất tẩy rửa thực phẩm làm mù một mắt phải.