Nhiều vùng nông thôn Quảng Trị “sốt đất” do đâu?
Sau khi tình trạng “sốt đất” ở TP Đông Hà vừa lắng xuống thì đầu năm nay hầu khắp vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị đột nhiên nổi lên “sốt đất”, rần rần người mua, kẻ bán.
Trong vai người mua đất, tôi liên hệ với H. qua số điện thoại kèm thông tin những lô đất mà cô gái này rao bán, đăng trên Facebook. H. trả lời ngắn gọn: “Khoảng 30 phút nữa, em đến đó dẫn anh đi xem lô đất ở Cùa trước. Còn lô Quán Ngang để em hỏi lại chủ đã nhé!”. Tôi đợi H. trước Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Trị. Đúng 30 phút sau cô ta đến...
Trên đường đi, tôi hỏi thẳng: “Ở tỉnh mình, ngay cả TP Đông Hà chưa đủ kiện đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, chất lượng để phát triển, huống hồ nông thôn vùng Cùa, nhưng sao có nhiều thông tin mới lạ, hấp dẫn ở đó vậy em?”. H. không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà nói: “Nếu có lượng tiền dư giả đủ lớn, hoặc vay ngân hàng thậm chí 50 - 60% giá trị lô đất mua đầu tư, thì người kinh doanh bất động sản (BĐS) không bao giờ lỗ. Tuy nhiên, đợt này do giá đất ở Đông Hà đã lên cao quá, những người đầu tư vốn liếng ít khó xoay xở, hơn nữa mua rồi chậm sinh lời. Vì vậy, thời điểm này, đầu tư ở vùng nông thôn là hợp lý hơn, mỗi lô tầm 150 - 170m2 giá cỡ khoảng 700 – 800 triệu đồng thôi”.
Tôi dò hỏi thông tin của H. đăng trên Facebook: “Thấy nhiều môi giới rao thông tin, bảo bán đất ở Cùa. Anh thì biết rõ Cùa thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ rồi, nhưng thắc mắc có dự án nào lớn không mà giới nhà đất mạnh dạn bảo thế?”. Lúc này, H. giải thích: “Không có dự án nào anh ạ! Nhưng bọn em thấy Cùa cách thị trấn Cam Lộ cũng gần, đường sá trên đó thì đều bê tông hết cả rồi, hơn nữa so với giá đất ở Đông Hà, nó chỉ bằng 1/10 nên giới thiệu cho khách”…
Lướt Facebook của các “cò đất” ở Quảng Trị, thấy rặt thông tin rao bán đất vùng nông thôn hầu khắp tỉnh. Mỗi một nơi đều được “cò” gắn cho những thông tin “có cánh”, như đất TP Cùa, vùng đồi rừng đẹp mê ly, cách Đông Hà chưa tới 15 phút nhấn ga nhưng giá chỉ bằng “hột mít” 110 triệu đồng/mét ngang; đất khu vực sân bay Quán Ngang, nằm ở khu trung tâm, cách quốc lộ 1, đường xuyên Á và bãi tắm Gio Hải chỉ 5 – 10 phút lướt ôtô…
Cùng với đó, “cò đất” còn câu kết một số đối tượng lùng sục đất ở các vùng nông thôn; dò hỏi, vận động, thậm chí chỉ dẫn cách thức để người dân “cắt” một phần đất hương hỏa của gia đình ra để bán. Lúc này, “cò” thực hiện vai kép, thấy thuận lợi thì mua để bán lại, còn không thì đăng tin môi giới cho người khác mua, còn mình nhận hoa hồng, thường là theo thỏa thuận với chủ đất. Trong các ngày 16 và 17/2, tại vùng biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, rất nhiều “cò đất” kéo đến giới thiệu chỗ này, chỗ kia thuận lợi để xây dựng resort sát biển, rồi tự trả giá, tự mua bán với nhau trên giấy cọc...
Theo lời một vào “cò đất”, tạo “sốt đất”, thổi giá đất thực chất do các chủ đầu tư “cá mập” thực hiện trước, sau đó các đầu tư con và “cò đất” chỉ việc ăn theo. Bằng phương thức bình cũ, rượu cũ, các chủ đầu tư “cá mập” ban đầu lặng lẽ mua gom đất, sau đó tự bán, mua một số lô để thổi giá, tạo sốt nhằm thu lợi những lô còn lại. Cùng với đó, họ sử dụng thủ đoạn “nước về chỗ trũng” để kinh doanh, móc túi khách hàng mua đất ở nông thôn. Cụ thể, sau khi giá đất ở thành phố bị đẩy lên ở mức đỉnh, họ lập tức quay sang vùng nông thôn, thực hiện các thủ đoạn cũ tương tự để thu lợi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị nói rằng, việc “cò đất” hoạt động lộn xộn sẽ gây ảnh hưởng xấu các vùng nông thôn, ảnh hưởng đến quy hoạch theo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều khó khăn, bất lợi sau này. Do đó, đơn vị sẽ kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý hành chính nhà nước có liên quan, nhất là đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc phân lô, tách thửa các loại đất ở vùng nông thôn, không tạo kẽ hở các chủ đầu tư BĐS và “cò đất” lợi dụng.