Bi kịch vì sụp bẫy “cò đất”

Thứ Sáu, 11/02/2022, 09:14

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) ở địa bàn tỉnh Quảng Trị sôi động hẳn lên, kéo theo tình trạng “cò đất” hoạt động rầm rộ, lợi dụng tình hình này có không ít đối tượng câu kết cài bẫy, lừa bịp người mua, bán đất...

Nhiều nhà đầu tư về lĩnh vực BĐS cho rằng, việc thị trường BĐS ở Quảng Trị bất ngờ sôi động hơn nhiều lần các tỉnh, thành lân cận, chỉ là mánh khóe của một số chủ đầu tư “cá mập”. Sau khi mua gom đất, họ tung tin, chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những lời rao “có cánh”, như đất nằm cạnh khu quy hoạch thương mại – dịch vụ cao cấp; giá siêu đầu tư… Tiếp đến, họ “giở chiêu” giả mua, giả bán với nhau, với mức giá cao gấp hơn nhiều lần để “thổi giá” đất lên. Do thiếu thông tin nên các nhà đầu tư “cò con” tưởng ngon ăn nên xúm vào và… dính bẫy.

Trong 2 năm (2020 và 2021), cơn sốt đất bùng lên tại hầu hết các khu dân cư (KDC) trên địa bàn TP Đông Hà, Quảng Trị. Thực tế, số lượng đất ở (có 2 dạng, đất cá nhân nằm xen trong KDC và đất do chính quyền địa phương phân lô, bán đấu giá được người mua bán lại) tại địa phương này khá “khiêm tốn”, bao gồm chỉ các khu vực Nam Đông Hà, Bắc sông Hiếu, các đường Thanh Niên, Trần Bình Trọng mở mới và KDC mới Hàn Thuyên - Phạm Hồng Thái…, với tổng cộng khoảng 2.000 lô. Trong khi, TP Đông Hà có chưa tới 100 nghìn dân, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn rất nghèo nàn, khó khăn để phát triển. Vậy mà, người mua đất dăm lô nhỏ lẻ vẫn bị “sập hầm” các chủ đầu cơ BĐS loại “cá mập” và “cò đất”. Cao điểm, có lúc trong vòng nửa tháng các đối tượng đã tạo ra 4-5 cơn sốt đất để “lướt ván”…

Bi kịch vì sụp bẫy “cò đất” -0
Người dân cần thận trọng, suy xét kĩ khi quyết định đầu tư BĐS.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, các chủ đầu cơ và “cò đất” không chỉ giả mua, giả bán nhằm lừa bịp người mua bằng thủ đoạn kể trên, mà còn lập “băng nhóm” thực hiện hành vi trái pháp luật, như cưỡng đoạt tiền của cả người mua lẫn người bán. Ông Đặng Văn Linh, Trưởng văn phòng Luật sư Linh Đặng tại TP Đông Hà cho biết, nhiều người có đất thấy được giá nên quyết định bán, ai ngờ sau đó bị mắc bẫy “cò” mất tiền oan; còn không thì dính vào việc đơn thư khiếu kiện rất mất thời gian và phiền phức. Thủ đoạn này mới, do các “cò” câu kết, chiếm đoạt tiền của người bán đất.

Cụ thể, ban đầu “cò” A đến trả mua của vợ chồng ông bà C lô đất với giá 1 tỉ đồng, cọc 100 triệu đồng. Sau đó vài ngày, “cò” B đến trả mua lô đất này với giá cao gấp 1,5 lần, sẵn sàng cọc 200 triệu đồng, hẹn thời gian cụ thể ra công chứng. Thấy giá cao hơn nên ông bà C bẻ cọc, chấp nhận bồi thường cho “cò” A 100 triệu đồng. Thế nhưng, “cò” A không đồng ý, gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, mục đích “đẩy” lô đất kể trên của vợ chồng ông bà C rơi vào tình trạng đất đang tranh chấp. Bằng thủ đoạn này, ông bà C không thể làm thủ tục công chứng, chuyển nhượng đất cho “cò” B theo đúng hẹn trong hợp đồng. Lúc này, “cò” B liền lấy lý do đó để bắt ông bà C hoàn cọc, đồng thời phải bồi thường số tiền tương đương. Kết quả, ông bà này thiệt đơn, thiệt kép, còn 2 “cò” này thì chiếm đoạt được số tiền 300 triệu đồng chỉ trong vài ngày.

Một thủ đoạn khác, “cò” A bán cho ông X lô đất với giá 6 tỉ đồng, cọc 1 tỉ đồng. Vài ngày sau, “cò” B đến trả ông X lô đất đó 8 tỉ đồng, cọc 2 tỉ đồng. Ông X thấy lãi lớn, nhận cọc. Nhưng sau đó, “cò” A bẻ cọc, bồi thường cho ông X 1 tỉ đồng đúng như trong hợp đồng. Lúc này, ông X không có đất để bán, buộc phải bồi thường cho “cò” B 2 tỉ đồng, như vậy chỉ trong vài ngày ông X mất trắng 1 tỉ đồng…

Chưa hết, sau khi Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail (thành viên của Vingroup) trúng đấu giá lô đất ở TP Đông Hà vào giữa tháng 11/2021 với mức giá gần 400 tỉ đồng để thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại dịch vụ Nam Đông Hà, các chủ đầu cơ và “cò đất” lập tức tạo ra cơn sốt đất lớn chưa từng có xung quanh khu vực dự án này. Cụ thể, các đối tượng này tiến hành thu mua với mức giá cao gấp 4-5 lần so với giá thị trường ngay thời điểm trước đó. Nhiều người có đất ở khu vực này cứ ngỡ sau một đêm thành tỉ phú, hóa ra chuyện không dễ, thậm chí tiền mất tật mang.

Xác minh theo phản ánh của nhiều người dân, chúng tôi nắm bắt được thông tin có một số băng nhóm “cò đất”, chúng bằng thủ đoạn “lướt” đất trên giấy cọc để thu lợi. Nhưng khi không thu được lợi (bán lại không có người mua hoặc người mua trả giá thấp hơn giá chúng đã mua) thì chúng lập tức quay trở lại người bán để “xin” lại tiền cọc. Trường hợp người bán nhất quyết thực hiện theo hợp đồng đặt cọc, chúng liền giở trò đe dọa…

Trước tình trạng các chủ đầu cơ, “cò đất” hoạt động bát nháo gây ra nhiều bất ổn xã hội tại địa phương, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cùng với việc chỉ đạo các ban ngành chức năng trong tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin, sự việc, áp dụng các quy định của pháp luật về đất đai để quản lý, xử lý, không tạo kẽ hở để những đối tượng trên thu lợi bất chính, trái pháp luật, UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm khắc các trường hợp đầu cơ, “cò đất” vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tình hình ANTT địa phương.

Thanh Bình
.
.
.