Nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng và môi trường tại cụm công nghiệp xây “lụi” Phước Tân

Chủ Nhật, 04/11/2018, 13:16
Sau khi Báo CAND liên tiếp phản ánh về vụ việc xây dựng trái phép cả cụm công nghiệp Phước Tân trên đất rừng trồng, tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để vào cuộc kiểm tra. 


Sau hơn 2 tháng xác minh, đoàn kiểm tra đã xác định nhiều sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất đai, môi trường và xây dựng của gần 50 doanh nghiệp trên phần diện tích 72 ha đất rừng trồng cũng như xác định trách nhiệm của một số bên liên quan để ra sai phạm. 

Theo kết quả kiểm tra, đoàn liên ngành xác định tại khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân có 48 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các hạng mục công trình. 

Trong đó 5 trường hợp xây dựng từ năm 2009 khi địa bàn này chưa được sáp nhập về TP Biên Hòa nên trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã Phước Tân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cùng các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện Long Thành. 

Sau khi sáp nhập địa giới hành chính xã Phước Tân về TP Biên Hòa năm 2010 cho đến nay có 43 trường hợp xây dựng trái phép khác, trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Phước Tân, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa và các phòng ban chuyên môn thuộc UBND TP Biên Hòa.

Nước thải đen đặc do nhiều DN trong cụm công nghiệp xây dựng trái phép xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trong quá trình các doanh nghiệp xây dựng trái phép, Chủ tịch UBND xã Phước Tân và Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã ký quyết định xử phạt 22 trường hợp về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng chỉ có 11 doanh nghiệp nộp phạt. Sau khi nộp phạt, các doanh nghiệp đều không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục hiện trạng ban đầu, thậm chí tiếp tục xây dựng công trình nhà xưởng với quy mô lớn. 

Với 16 trường hợp còn lại được xây dựng gần đây cũng đã bị đoàn kiểm tra của TP Biên Hòa và của tỉnh Đồng Nai xử phạt hành chính về vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Về sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, đoàn kiểm tra liên ngành xác định, trong số 48 trường hợp tự ý xây dựng các hạng mục công trình nhà xưởng, chỉ có 2 trường hợp được UBND TP Biên Hòa cấp giấy phép xây dựng tạm, còn 46 trường hợp không được cấp phép nhưng vẫn tiến hành xây dựng công trình nhà xưởng quy mô lớn như hiện nay. 

Mặc dù Chủ tịch UBND xã Phước Tân đã ký quyết định xử phạt 20 trường hợp, nhưng do xử phạt sai quy định nên sau đó đã thu hồi các quyết định xử phạt này. Ngoài 1 trường hợp tự tháo gỡ công trình sai phạm, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã ban hành 19 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đồng thời ban hành 5 quyết định xử phạt. Còn lại 20 trường hợp vi phạm xây dựng, UBND xã Phước Tân chưa đề xuất biện pháp xử lý.

Đoàn kiểm tra liên ngành Đồng Nai kiểm tra nhà xưởng xây dựng trái phép của DN trong cụm công nghiệp Phước Tân.

Liên quan đến vi phạm về môi trường của các DN tại đây, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa và Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai đã ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hành vi vi phạm chủ yếu là không có kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định. Hình thức xử phạt gồm phạt tiền 70 triệu đồng với mỗi trường hợp và đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp trong thời gian 9 tháng nhưng các DN vẫn không sợ. 

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận thì tổng số lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động ở khu vực cụm công nghiệp Phước Tân khoảng 2.300 người. Tuy vậy, theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai thì chỉ có hơn 1.200 người có hợp đồng lao động theo quy định.

Ngọc Sơn
.
.
.