Nhiều hồ đập thủy lợi xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Thứ Ba, 30/07/2024, 08:22

Nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng từ rất lâu, có một số hồ được xây dựng trong phong trào huy động nhân dân làm thủy lợi sau hàng chục năm sử dụng nay đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi mùa mưa bão về. Điều đáng lo, có nhiều hồ có đập nước bị thấm, biến dạng mái đập, có tràn bị nứt… kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 55 hồ chứa thủy lợi, gồm 8 hồ chứa nước loại lớn, 17 hồ chứa nước loại vừa và 30 hồ chứa nước loại nhỏ phục vụ tưới, tiêu cho hơn 60.000ha/năm. Nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến nay đã làm nhiều hồ đập thủy lợi tại địa bàn tỉnh giảm mạnh nguồn nước, có hồ đã trơ đáy.

Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi tỉnh, công trình hồ chứa nước Khe Ngang nằm trên địa bàn phường Hương Hồ, TP Huế với dung tích khoảng hơn 12 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 600ha cây trồng vùng đồng bằng, bán sơn địa thị xã Hương Trà và TP Huế. Hiện, cao trình mực nước của hồ Khe Ngang đạt 75% so với kế hoạch dùng nước đến cuối vụ, dự kiến thiếu 25% nếu nắng nóng kéo dài gây khó khăn cho công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tương tự, một số hồ chứa do các địa phương quản lý gần như cạn trơ đáy do thiếu nguồn nước bổ sung.

Nhiều hồ đập thủy lợi xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn -0
Hồ thủy lợi Thủy Yên bị sạt sau đuôi tràn, có khả năng mở rộng hố xói từ năm 2022 đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, kết quả kiểm tra hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp 55/55 hồ chứa nước theo quy định, tuy nhiên đa số các phương án đều chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt hạ du do thiếu kinh phí.

Trong đó, số lượng đập, hồ chứa nước bị sự cố do mưa, lũ lớn gây ra gồm 2 hồ (hồ Thôn 1 và hồ Nam Giản) và đã được khắc phục các hư hỏng, tại thời điểm kiểm tra 2 hồ chứa này vẫn đang tích nước đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, có 10 hồ có đập nước bị thấm và biến dạng mái đập, trong đó gồm các hồ Bến Ván 1, Bến Ván 2, Mỹ Xuyên, Nam Giản, Khe Nước, các hồ hiện vẫn tích nước, đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, có 7 hồ có tràn bị nứt và 17 hồ xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng như hồ chứa nước Thủy Yên (huyện Phú Lộc) bị sau đuôi tràn, có khả năng bị mở rộng hố xói. Đường quản lý vận hành một số hồ đã xuống cấp như hồ Khe Ngang (TP Huế - đường thấp và ngập lụt đang được UBND phường tiến hành nâng cấp), hồ Hòa Mỹ (huyện Phong Điền - đường đất chưa được đầu tư), hồ Truồi (huyện Phú Lộc - đường cứu hộ dọc theo kênh chính lên đầu mối chưa được bê tông hóa hoàn thiện).

Chi cục Thủy lợi tỉnh đánh giá, nhìn chung, các công trình thủy lợi qua kiểm tra bằng trực quan chưa phát hiện sự cố lớn, vẫn đang hoạt động bình thường. Quá trình vận hành thử các cống lấy nước, máy phát điện dự phòng, hệ thống nâng hạ cửa van… cho thấy, các thiết bị hoạt động bình thường, các hạng mục đầu mối chưa phát hiện sự cố lớn.

Tuy nhiên, do các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hầu hết được đầu tư từ rất lâu, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai và thời tiết cực đoan nên đa số các công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng, một số công trình hiện tượng thấm và hư hỏng nhỏ gây ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, số lượng đập, hồ chứa thủy lợi loại vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh còn lớn (chiếm 85%), phần lớn được xây dựng trong phong trào huy động nhân dân làm thủy lợi, chất lượng công trình rất đáng lo ngại; nhiều hồ trong số này do các xã, huyện quản lý, người quản lý không được đào tạo về chuyên môn tối thiểu, thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng…

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh thông tin, kết quả kiểm tra hiện trạng và an toàn đập hiện nay tại 24 hồ chứa thủy lợi (8 hồ lớn, 7 hồ vừa và 9 hồ nhỏ) do công ty quản lý cho thấy, hiện có một số hồ như: Thôn 1, A Rưng… nằm vị trí xung yếu ở các địa phương bị hư hỏng, có nguy cơ sự cố mất an toàn và phải tích nước hạn chế.

“Mặc dù công tác nâng cấp, xây mới hồ chứa thủy lợi được chú trọng nhưng nhiệm vụ bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa thủy lợi còn rất nặng nề, còn nhiều phần việc phải thực hiện và cần kinh phí lớn. Công ty đã báo cáo trình Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí tiếp tục thực hiện trong những năm tới”, ông Dương Đức Hoài Khánh cho biết.

Cùng với chức năng bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay có một số đập, hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng từ lâu nhưng chưa được bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Điều đáng nói, đến nay số hồ đập phải kiểm định theo quy định chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Cụ thể, trong 24 hồ chứa thủy lợi do Công ty thủy lợi quản lý, đến nay, mới có hồ Truồi, hồ Thủy Yên, hồ Hòa Mỹ, hồ Khe Ngang đã tiến hành kiểm định giai đoạn 1. Các hồ mới được nâng cấp năm 2021 chưa đến thời hạn kiểm định như hồ Phú Bài, hồ Tà Rinh, hồ Năm Lăng, hồ K4 do mới được nâng cấp, còn các hồ khác chưa triển khai kiểm định do thiếu kinh phí. Ngoài ra, hiện nay Công ty đang triển khai lập quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình để trình cấp thẩm quyền phê duyệt và chỉ có 7% được cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước…

Để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong quá trình quản lý, vận hành và khai thác, đẩy mạnh khai thác đa mục tiêu, đa giá trị công trình, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét đề xuất Chính phủ và bộ, ngành quan tâm tiếp tục bổ sung nguồn vốn để thực hiện một số công trình như xây dựng mới hồ chứa nước Thủy Cam, Ô Lâu Thượng… Ngoài ra, nâng cấp sửa chữa một số hồ chứa nước xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập.

Hải Lan
.
.
.