Nơm nớp lo bên những công trình hồ đập xuống cấp
Thừa Thiên Huế là địa phương có số lượng hồ đập thủy lợi, thủy điện khá lớn. Tuy nhiên qua thời gian dài hoạt động, nhiều công trình hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng nhưng do thiếu kinh phí và các nguyên nhân khác nên chưa được kiểm định, duy tu, sửa chữa, gây ảnh hưởng công tác đảm bảo an toàn hồ đập khi mùa mưa bão đang đến gần.
Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 24 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 8 hồ lớn, 7 hồ vừa và 9 hồ nhỏ. Đến nay mới chỉ có hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ, hồ Khe Ngang… tiến hành kiểm định giai đoạn 1, còn nhiều hồ chứa khác do thiếu kinh phí nên chưa thể triển khai kiểm định.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, có nhiều hồ bị hư hỏng nhẹ dù không phát hiện sự cố lớn nhưng một số hạng mục phụ trợ đã xuống cấp, đập đất có hiện tượng trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí hư hỏng; một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp, trong đó các hồ Khe Bội, A Lá, Khe Nước đều đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
Ngoài các hồ đập kể trên, hiện đập Thảo Long nằm ở hạ lưu sông Hương (xã Phú Thanh, TP Huế), là đập ngăn mặn, giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á cũng đang bị hư hỏng nhiều hạng mục.
Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, đập Thảo Long có chiều dài hơn 571m, xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2008 với tổng kinh phí xây dựng 152 tỷ đồng. Công trình đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt của sông Hương. Đồng thời công trình này phối hợp với hồ Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền ở thượng lưu cung cấp đủ nước cho nhu cầu nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo môi trường sinh thái và dân sinh vùng đồng bằng sông Hương.
Tuy nhiên, sau 15 năm sử dụng, đến nay, công trình đập Thảo Long xuất hiện nhiều điểm xuống cấp như dầm đáy bê tông tại một số cửa van bị nước chảy làm xói mòn; các cửa van bị rỉ rét, nhiều thiết bị cơ khí và thiết bị xy lanh thủy lực bị nước mặn làm ô xy hóa; hệ thống lưới điện phục vụ cho công trình bị hư hỏng; nhà trạm, phòng chức năng, hệ thống điện nước cần đầu tư sửa chữa. Ngoài ra, do công trình không thiết kế cửa van dự phòng, nếu sự cố hư hỏng cửa van xảy ra không đóng, hoặc mở được sẽ dẫn đến nước mặn xâm nhập.
Ông Đỗ Văn Đính cho hay, trước tình trạng xuống cấp, hư hỏng của công trình đập Thảo Long, mới đây Bộ NN&PTNT đã có quyết định phê duyệt thành phần dự án sửa chữa cấp bách, đảm bảo an toàn đập Thảo Long với tổng mức đầu tư hơn 348 tỷ đồng.
Theo đó, dự án sẽ xử lý chống thấm nền đập bằng cừ thép Larsen IV từ khoang số 1 đến khoang số 15 với chiều dài 495m; thi công làm cừ chống thấm với chiều sâu 13m; gia cố hố xói, lòng dẫn hạ lưu công trình bằng đá hộc, lớp rọ đá trên phạm vi 24m đối với 6 khoang bờ Bắc và 44m đối với 9 khoang bờ Nam; thay mới 6 cửa van và đại tu, sửa chữa 9 cửa van; thay mới toàn bộ các cụm kín nước đáy và cụm nước bên tại 15 cửa.
Ngoài ra, đối với khoang âu thuyền sẽ thay mới cửa âu thượng và cửa âu hạ bằng thép không rỉ; thay mới hệ thống xi lanh đóng mở cửa van chính và cửa van cấp thoát nước buồng âu thuyền; nâng cấp, sửa chữa hệ thống điện điều khiển các van tại công trình và nhà quản lý; chỉnh trang cầu giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, biển báo; xây dựng hệ thống giám sát phục vụ quản lý, vận hành công trình…
“Đến nay, dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến triển khai thi công vào đầu năm 2024. Việc sớm đầu tư thực hiện sửa chữa đập Thảo Long là rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn trong quá trình vận hành điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt”, ông Đỗ Văn Đính khẳng định.