Nhiều hậu quả, hệ lụy từ việc nuôi tôm tự phát

Thứ Tư, 16/08/2023, 08:45

Do lợi nhuận của việc nuôi tôm mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu nên những năm qua, người dân ở các xã, thị trấn ven biển của Quảng Trị đã tự ý đào nhiều ao hồ nuôi tôm nước mặn và nước lợ trên đất nông nghiệp. Hoạt động sản xuất tự phát này gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy. Đặc biệt, đất đai bị nhiễm mặn, không thể canh tác được, người dân “khát” nước sạch và môi trường bị ô nhiễm nặng.

PV Báo CAND có mặt tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong, quan sát thấy có nhiều hộ nuôi tôm trên đất trồng hoa màu nằm trong khu dân cư với diện tích từ vài chục đến hàng trăm m2/hồ nuôi. Ông Trần Văn Sằn, Phó Trưởng thôn Tường Vân, xã Triệu An cho biết, khoảng năm 2002, khi đó phong trào nuôi tôm sú ở khu vực đầm Hà Tây và ven sông cụt giáp ranh giữa thôn Hà Tây và thôn Tường Vân phát triển rầm rộ. Nhờ nuôi tôm sú, nhiều hộ dân ở đây giàu lên một cách nhanh chóng. Nhưng rồi 3 - 4 năm sau, hệ lụy của việc nuôi tôm tự phát này bắt đầu hiển hiện trước mắt. Nhiều diện tích canh tác lúa xung quanh khu vực hồ nuôi bị nhiễm mặn nặng do nguồn nước từ hồ nuôi thẩm thấu vào.

Nhiều hậu quả, hệ lụy từ việc nuôi tôm tự phát -0
Lồng bè nuôi tôm tự phát (ảnh minh họa).

Đến nay, thôn Tường Vân có hơn 38/80ha ruộng lúa bị bỏ hoang hoàn toàn do nguyên nhân kể trên, không thể canh tác được. Ông Hoàng Lập, một người dân ở thôn Tường Vân cho biết, do đất nhiễm mặn cũng như bị hơi mặn thổi vào nên trồng hoa màu thì hoa, quả đậu rất ít, lá thường úa tàn và chết nhanh. Muốn khoan giếng lấy nước tưới nhưng nếu khoan cạn thì không có nước, khoan sâu thì nước nhiễm mặn nên thật sự rất nan giải.

Thôn An Xuân nằm giáp ranh thôn Tường Vân, bị ảnh hưởng rất lớn bởi việc nuôi tôm trên đất trồng lúa. Cụ thể, do các hồ nuôi tôm không có bể lắng, ao chứa để xử lý nước thải, mỗi lần vệ sinh hồ nuôi, lượng nước thải này đổ thẳng xuống sông, đầm, đất đai bỏ hoang xung quanh khu dân cư, khiến môi trường ở đây bị bốc mùi hôi thối, nguồn nước giếng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng không sử dụng được. Ngoài ra, cũng như ở thôn Tường Vân, việc bơm nước mặn vào hồ để nuôi tôm đã khiến nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu ở đây phải bỏ hoang. Người dân thôn An Xuân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của xã, huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Triệu An cho rằng, đối với diện tích ruộng bị bỏ hoang khoảng 9ha ở ngay trung tâm của thôn Tường Vân, khoảng năm 2021, trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã có đề án về việc đắp tuyến kênh mương ở khu vực nêu trên để “thau chua, rửa mặn”. Nhưng đa số người dân thôn Tường Vân không đồng tình do ảnh hưởng đến việc nuôi tôm tự phát của bà con. Thực tế việc nuôi tôm tự phát gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để quy hoạch, xây dựng khu vực nuôi với công nghệ tiên tiến, an toàn là rất lớn, bà con cũng như chính quyền địa phương hiện nay chưa có đủ khả năng thực hiện. “Vì thế, trước mắt, chúng tôi chỉ biết tuyên truyền, vận động bà con nên hạn chế việc nuôi tôm tự phát”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Vũ Thành Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ của toàn huyện là trên 430ha, trong đó xã Triệu Phước chiếm diện tích lớn với hơn 200ha, Triệu Độ gần 28ha, Triệu Trạch hơn 10ha, Triệu Lăng 67ha, Triệu An 90ha, Triệu Vân gần 32ha… Tổng số hộ nuôi tôm ở các xã trên là 892 hộ. Những năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm có xu hướng giảm dần với việc số hộ nuôi tôm bị thua lỗ ngày càng tăng. Nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng thấp triều, vùng ao nuôi bãi ngang ven biển trên địa bàn không đảm bảo với việc không có ao chứa xử lý nước, hệ thống ao nuôi cạn và không được cải tạo đúng kỹ thuật dẫn đến môi trường vùng nuôi tôm lâu năm bị ô nhiễm.

Trước tình trạng này, huyện Triệu Phong đã yêu cầu các phòng, ban, địa phương trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người nuôi tôm cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải và hệ thống cấp nước. Hiện, địa phương cũng đang nỗ lực từng bước quy hoạch vùng nuôi tôm an toàn.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị chia sẻ, khoảng năm 2005 trở về trước, do lợi nhuận con tôm mang lại gấp nhiều lần so với cây lúa, hoa màu nên người dân ồ ạt đào ao, lót bạt nuôi tôm. Hoạt động sản xuất tự phát này khiến môi trường sinh thái tự nhiên bị suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt quá trình mặn hóa đất gây ra những hậu quả, hệ lụy khó lường.

Trước tình hình trên, những năm gần đây, đơn vị đã cùng các sở, ban, ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương chú trọng việc quy hoạch, xây dựng vùng nuôi tôm khoa học, tích hợp nhiều diện tích nuôi trước đó vào vùng quy hoạch này nhằm vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước và quản lý ngành hiệu quả, vừa giúp người nông dân phát triển sản xuất, sinh lợi được bền vững, giảm thiểu được các rủi ro. Cùng với việc làm này, đơn vị yêu cầu các địa phương cần tăng cường quản lý và không mở rộng diện tích nuôi tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng ở các xã vùng biển bãi ngang, xử lý nghiêm các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm.

Thanh Bình
.
.
.