Người dân tái định cư thủy điện A Lưới vất vả mưu sinh

Thứ Hai, 09/05/2022, 08:28

Sau khi nhường đất cho dự án thủy điện A Lưới, đến nay hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu tái định cư (TĐC) Hồng Thượng (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa thoát cảnh nghèo khó. Thiếu đất sản xuất, khu TĐC thường xuyên bị ngập lụt khiến cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn chồng chất khó khăn.

Tìm hiểu được biết, từ năm 2011, 165 hộ dân là người đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô ở các xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Sơn Thủy của huyện A Lưới được bố trí, di dời đến khu TĐC Hồng Thượng để nhường đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án thủy điện A Lưới.

Tại khu TĐC này, người dân được chủ đầu tư dự án thủy điện và chính quyền địa phương bố trí ở trong những ngôi nhà cấp 4 và được cấp khoảng 20ha đất sản xuất. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở 2 thôn A Đên và A Sáp, thuộc khu TĐC Hồng Thượng, sau 11 năm được chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hồ Văn Lanh (SN 1962, ở thôn A Đên) cho biết, khi chuyển về khu TĐC Hồng Thượng, ngoài ngôi nhà cấp 4, gia đình ông được cấp 3 sào ruộng và 200m2 đất vườn. Thế nhưng, do đất ruộng vườn toàn sỏi đá nên không thể canh tác sản xuất. Trên mảnh vườn khô cằn, vợ chồng ông Lanh chỉ trồng được mấy cây chuối, vài ba cây keo tràm làm bóng mát.

“Đất đá cằn cỗi lại bạc màu nên trồng cây gì chết cây đó, còn mảnh ruộng nằm sát sông A Sáp thì toàn đá sỏi, không thể cày bừa để gieo giống được. Người dân trong thôn chúng tôi phải làm đủ thứ nghề, từ trồng rừng thuê, bốc vác gỗ keo tràm, làm phụ hồ, thợ xây… để mưu sinh nên rất vất vả”, ông Lanh than thở.

Người dân tái định cư thủy điện A Lưới vất vả mưu sinh -0
Sau nhiều năm di dời, cuộc sống người dân ở khu tái định cư Hồng Thượng vẫn còn nhiều khó khăn.

Đáng nói, do được bố trí khu vực TĐC nằm ngay bên bờ sông A Sáp nên người dân ở 2 thôn A Đên và A Sáp thường xuyên phải chịu cảnh nước sông dâng cao gây ngập lụt, nhấn chìm hoa màu, cuốn trôi vật nuôi.

Bà Hồ Thị Hạnh ở thôn A Sáp bày tỏ, vào mùa mưa lũ, nước sông A Sáp cuồn cuộn dâng cao kèm theo lượng nước từ các khe suối trên đồi cao chảy xuống khiến khu TĐC Hồng Thượng ngập lụt nặng, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho các hộ gia đình có nhà cửa nằm sát bờ sông A Sáp. Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc tuyến đường bê tông chạy thẳng bờ sông A

Sáp đi qua khu TĐC Hồng Thượng, do nước sông thường dâng cao đã gây sạt lở nhiều điểm, nhiều đoạn ăn sâu vào gần mép đường. Phía bên kia đường là nhà cửa của các hộ dân được xây dựng quay mặt ra hướng sông A Sáp. Vì thế, ngoài nỗi lo ngập lụt vào mùa mưa, người dân ở khu TĐC này còn lo sợ tốc độ sạt lở bờ sông uy hiếp ruộng vườn, nhà cửa.

Qua trao đổi, ông A Viết Huy, Bí thư Chi bộ thôn A Sáp còn cho biết, do nằm gần thượng nguồn nên địa bàn thôn bị ngập nặng vào mùa mưa. Trong đó, nhà cửa, ruộng vườn của 26 hộ dân trong thôn bị ngập lụt nặng nhất.

Cứ đến mùa mưa, khi nước sông A Sáp dâng cao thì chính quyền thôn lại đi vận động những hộ dân này di dời đến nhà văn hóa thôn hoặc nhà các hộ dân ở khu vực cao ráo. Nhiều năm qua, tại khu TĐC Hồng Thượng đã xảy ra 3 đợt lũ lớn gây thiệt hại nặng. Người dân trong thôn nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp cần sớm có phương án di dời, cho các hộ dân ở xen ghép tại các khu vực cao ráo để đảm bảo an toàn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho rằng, thông thường nước sông A Sáp dâng cao lên cao trình +553 thì thủy điện A Lưới phải xả tràn. Tuy nhiên, khi mực nước mới đạt cao trình +551 hoặc +552 thì sông A Sáp không chỉ chảy về phía đường Hồ Chí Minh đoạn xã Phú Vinh mà còn chảy thẳng vào khu TĐC Hồng Thượng.

Nguyên nhân do tình trạng biến đổi khí hậu khiến dòng chảy phức tạp hơn.Vì thế cứ đến mùa mưa lũ, khu TĐC Hồng Thượng ven sông A Sáp đối diện với nguy cơ lũ lụt rất lớn, có những trường hợp phải di dời khẩn cấp trong đêm rất nguy hiểm cho người dân.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, để đảm bảo an toàn cho người dân ở khu TĐC Hồng Thượng trong mùa mưa lũ, phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương cử cán bộ về phụ trách tại khu TĐC này và tổ chức phương án di dời tùy theo mức độ từng đợt lũ, thậm chí phải cưỡng chế các hộ dân di dời khi lũ dâng cao.

Về phương án lâu dài, UBND huyện A Lưới sẽ xây dựng khu TĐC mới trên diện tích 15ha ở khu vực cao ráo với dự kiến kinh phí khoảng 20 tỷ đồng nhằm di dời các hộ dân ở khu TĐC Hồng Thượng, giúp người dân ổn định cuộc sống để lao động, sản xuất.

Anh Khoa
.
.
.