Người dân tái định cư hơn 10 năm “khát” đất sản xuất

Thứ Ba, 02/10/2018, 09:10
Nhường đất cho dự án thủy điện A Lưới, dời nhà về sống tái định cư (TĐC) tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế nhưng hơn 10 năm qua người dân ở đây vẫn thiếu đất sản xuất nên cuộc sống cứ quẩn quanh trong nghèo đói…

Giữa năm 2007, thủy điện A Lưới do Công ty CP thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư khởi công xây dựng ở thượng nguồn sông A Sáp, với công suất máy 170MW, tổng mức đầu tư lên đến 3.234 tỷ đồng. 

Dự án ảnh hưởng đến hơn 1.300 hộ dân sống trên địa bàn các xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Phú Vinh, Sơn Thủy và Nhâm thuộc huyện A Lưới với gần 1.900 ha đất rừng bị thu hồi và ảnh hưởng do nằm trong vùng lòng hồ thủy điện, vì thế đơn vị chủ đầu tư dự án phải đền bù, hỗ trợ cho người dân hơn 203 tỷ đồng. 

Đến nay công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư thủy điện A Lưới cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc phần kinh phí bồi thường chênh lệch giữa Quyết định số 928/2008/QĐ-UBND và Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền 40,4 tỷ đồng cho 924 hộ dân, trong đó có 860 hộ bị ảnh hưởng thuộc hạng mục lòng hồ và 64 hộ bị ảnh hưởng bởi hạng mục tuyến kênh và khu tái định canh. 

Cuộc sống của các hộ dân ở khu TĐC thủy điện A Lưới còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương giao cho Công ty CP Thủy điện miền Trung hỗ trợ 50% kinh phí và 50% còn lại do địa phương giải quyết hỗ trợ bằng đất sản xuất. Theo đó, hiện chủ đầu tư dự án đã chi trả xong 50% kinh phí với số tiền hơn 23,6 tỷ đồng cho người dân. 

Riêng hỗ trợ, cấp đổi 400 ha đất sản xuất cho 924 hộ dân, UBND huyện A Lưới và các sở, ngành qua nhiều lần rà soát trên địa bàn các xã có người dân bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện này nhưng chỉ còn vỏn vẹn hơn 11 ha đất sản xuất nên không đủ đất để cấp đổi cho người dân.

Ngoài số hộ dân được bố trí TĐC xen ghép trong khu dân cư do bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện A Lưới, từ năm 2008, có hơn 100 hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô ở các thôn của xã Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng được di dời đến nơi ở mới là khu TĐC ở xã Hồng Thượng. 

Khi di dời đến nơi ở mới, mỗi hộ dân được đơn vị chủ đầu tư dự án thủy điện bố trí một ngôi nhà cấp 4 trị giá 120 triêu đồng và tổng diện tích đất sản xuất gần 20ha cho tất cả các hộ dân. 

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở khu TĐC xã Hồng Thượng thì sau nhiều năm chuyển về nơi ở mới, hiện cuộc sống của người dân ở đây không bằng nơi ở cũ và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là vấn đề thiếu đất sản xuất. 

Dẫn chúng tôi đi tham quan từ nhà ra khu vườn có 2 hồ cá nhỏ được đào cách đây mấy năm về trước, bà Hồ Thị Hường (45 tuổi, người dân tộc Pa Cô, ở khu TĐC Hồng Thượng) bày tỏ nỗi buồn: 

“Mang tiếng là được chuyển về sinh sống ở nơi ở mới nhưng cuộc sống ở đây hiện rất vất vả. Ngoài ngôi nhà cấp 4, vợ chồng tôi được cấp gần 200m² đất vườn và 3 sào ruộng. Hiện nhà dự án bàn giao nay bờ tường nứt nẻ nhiều nơi, xuống cấp, còn ruộng thì không có vụ nào canh tác được bởi quá nhiều đá sỏi. Riêng đất vườn cũng nhiều đá, bạc màu nên chỉ canh tác và trồng được một số giống cây ngắn ngày. Vì thế chúng tôi đang mong ngóng từng ngày được các cơ quan chức năng bố trí cấp thêm đất sản xuất”.

Theo lãnh đạo UBND xã Hồng Thượng, từ hơn 100 hộ dân ban đầu, hiện khu TĐC ở xã đã tăng lên gần 150 hộ dân. Điều đáng nói, dù dân số ngày càng tăng nhưng hiện diện tích đất canh tác được cấp cho người dân có hơn phân nửa là không thể sử dụng. Đó là chưa kể đến các diện tích đất được trồng lúa thường xuyên bị ngập úng do hệ thống thủy lợi tại khu vực này đã hư hỏng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Bôn (70 tuổi) có nhiều băn khoăn, trăn trở về tương lai của thế hệ con trẻ ở khu TĐC nơi đây. 

Ông Bôn nói: “Đất đai thì bạc màu, cằn cỗi, nhà cửa xuống cấp, thu nhập của gia đình và các hộ dân ở đây chỉ phụ thuộc vào hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm nên cuộc sống rất đỗi khó khăn. Thế nhưng sau nhiều năm về nơi ở mới thì chúng tôi vẫn chưa được cấp thêm đất sản xuất dù đã nhiều lần kiến nghị. Kinh tế không có nên chuyện học hành của con em ở đây cũng bị kéo xuống khi nhiều gia đình không có đủ kinh phí cho con đến trường học tập. Cũng sau nhiều lần phản ánh, năm vừa rồi, khu tái định cư mới được các cơ quan chức năng quan tâm bắc hệ thống nước sạch nên người dân không phải sử dụng nước sông A Sáp để sinh hoạt như trước”. 

Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho hay, trước thực trạng nhà cửa của người dân ở khu TĐC thủy điện A Lưới bị xuống cấp, hư hỏng, mới đây UBND xã Hồng Thượng đã có báo cáo UBND huyện A Lưới để có phương án đề xuất Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm định chất lượng các công trình. Ngoài ra, huyện A Lưới cũng đã phê duyệt phương án hỗ trợ cho người dân ở khu TĐC phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.   

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết thêm, để giải quyết các khó khăn cho người dân TĐC thủy điện A Lưới, thời gian qua, huyện đã thực hiện đề án hỗ trợ, giúp người dân TĐC thủy điện A Lưới trồng cây mây để tạo sinh kế. Bên cạnh đó, huyện cũng đã kiến nghị Công ty CP thủy điện miền Trung đầu tư kinh phí để xây dựng trạm bơm, cải tạo đất nhằm giúp bà con có thể sản xuất được lúa nước. 

“Do đất đai ở khu TĐC được cấp cho người dân nhiều sỏi đá, bạc màu nên huyện đã thống nhất cấp thêm 5ha đất ở khu vực suối Kiền để người dân sản xuất, trồng lúa. Riêng diện tích đất cằn cỗi, đá sỏi với khoảng 6ha thì huyện có chủ trương chở đất ở ngoài vào với gần 35.000m³ để phủ lên bề mặt để giúp bà con có thể sản xuất. Mặt khác, sau khi có kết quả thẩm định của Sở Xây dựng, huyện sẽ có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thủy điện A Lưới bố trí kinh phí để người dân sửa chữa nhà ở, xây dựng đường giao thông nhằm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”, ông Ngưm thông tin.

Anh Khoa
.
.
.