Ngang nhiên lấn rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc

Thứ Ba, 30/08/2022, 08:54

Trong quá trình triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội tại TP Phú Quốc gặp không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có các vụ việc liên quan lấn chiếm rừng, đất rừng và xây dựng trái phép…

TP Phú Quốc là quần đảo nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh. Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên cùng sự quan tâm, định hướng quy hoạch, đầu tư của Trung ương và nỗ lực của tỉnh, đến nay, Phú Quốc không ngừng phát triển về mọi mặt, đời sống kinh tế - xã hội được nâng lên đáng kể, nhiều nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế tìm đến đầu tư, tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội gặp không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có các vụ việc liên quan lấn chiếm rừng, đất rừng và xây dựng trái phép…

2.jpg -0
Các công trình vi phạm lấn chiếm rừng và đất rừng trong khu vực được Vườn Quốc gia Phú Quốc hợp đồng với Công ty Cityland Phú Quốc về giao khoán, bảo vệ rừng.

PV Báo CAND đã ghi nhận trực tiếp hành vi lấn chiếm đất rừng và xây dựng trái phép trên diện tích đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc. Tại khu đất rừng có diện tích 9,7ha diện tích đất rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương giao Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Thành phố - Đảo Phú Quốc (Cityland Phú Quốc) quản lý, bảo vệ đã có hàng chục trường hợp lấn chiếm, dựng hàng rào, xây dựng nhà trái phép, thậm chí còn mở cả hàng quán mua bán. Khi cơ quan chức năng đến làm việc thì các hộ lấn, chiếm, xây dựng trái phép không hợp tác, không cung cấp được hồ sơ, giấy tờ liên quan để chứng minh là chủ sở hữu hợp pháp của phần đất.

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết, Vườn Quốc gia Phú Quốc có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho Cityland Phú Quốc với mục đích bảo vệ nguyên hiện trạng rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường nhằm góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Việc khoán bảo vệ rừng có ý kiến chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang, hồ sơ phương án giao nhận khoán bảo vệ rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phê duyệt. Vào tháng 9/2019, Vườn Quốc gia Phú Quốc phối hợp với Cityland Phú Quốc xác định vị trí, ranh giới, diện tích và hiện trạng để bàn giao cho công ty thực hiện việc bảo vệ rừng theo phương án đã được phê duyệt.

Ngoài phần diện tích rừng gỗ tự nhiên ngập phèn nghèo, rừng thường xanh phục hồi, rừng tự nhiên ngập mặn chưa có trữ lượng, còn có 1,9ha diện tích đất có canh tác nông nghiệp 1,9ha, trên đất có trồng đào, tràm bông vàng và có 2 căn nhà có người dân sinh sống. Diện tích này do bà Lê Thị Oanh vi phạm chiếm đất rừng trái phép để cất nhà vào năm 2010 và tranh chấp với hộ ông Ngô Quang Sáng.

Đến đầu năm 2021, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Cityland Phú Quốc phát hiện có nhiều đối tượng vào lấn, chiếm rừng và đất rừng, xây dựng trái phép, phân lô bán nền trong phần diện tích nhận khoán 9,7ha. Cityland Phú Quốc đã nhiều lần có báo cáo gửi đến các cơ quan chức năng về tình hình lấn chiếm, xây dựng trái phép trong phần diện tích đất rừng được khoán bảo vệ.

Vườn Quốc gia Phú Quốc đã lập biên bản 23 vụ (1 vụ phá rừng trái pháp luật, 6 vụ chiếm rừng và 16 vụ cất nhà trong rừng). Theo ông Nguyễn Văn Tiệp, vào đầu năm 2021, các vụ vi phạm đã được Vườn Quốc gia Phú Quốc lập biên bản và bàn giao cho Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc và UBND xã Bãi Thơm để xử lý.

Ông Huỳnh Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc cho biết, để xử lý các trường hợp vi phạm lấn, chiếm rừng và đất rừng, cũng như xây dựng nhà trái phép trong khu vực giao, nhận khoán bảo vệ rừng của Cityland Phú Quốc, Hạt Kiểm lâm TP đã tham mưu cho UBND TP Phú Quốc thành lập Tổ công tác để xử lý. Kết quả kiểm tra xác định, trong diện tích 9,7ha có 35.1883m2 diện tích thuộc diện vi phạm có dấu hiệu hình sự; 13.421,5m2 xử lý hành chính, diện tích còn lại chưa bị tác động.

Đối với phần diện tích 35.1883m2 có dấu hiệu hình sự, Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc đã tiếp nhận hồ sơ vi phạm từ Vườn Quốc gia Phú Quốc sau đó phối hợp cùng Công an, VKSND TP Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phú Quốc, UBND xã Bãi Thơm để tiến hành xử lý.

Qua đo đạc thực tế, diện tích 35.1883m2 có 4 thửa, hiện nay đang thuộc Tiểu khu 62. Ở phần đất này, bà Bùi Thị Kim Trường có hành vi phá rừng trái pháp luật vượt khung xử lý hành chính, có dấu hiệu hình sự, hiện cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án; Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc đang hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ bàn giao Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc để xử lý.

Đối với phần diện tích 13.421,5 m2, qua làm việc xác định bà Lê Thị Oanh (SN 1980) đã cho 2 người con một phần diện tích, phần còn lại được sang nhượng cho 18 hộ dân khác xây dựng nhà và móng nhà. Bà Lê Thị Oanh và các hộ dân không hợp tác với Tổ công tác cũng như không cung cấp được các giấy tờ có liên quan đến phần đất trên. Hồ sơ vụ việc được chuyển cho UBND xã Bãi Thơm xử lý theo thẩm quyền.

Tháng 6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc.

Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, Tổ công tác đặc biệt đã tiêu hủy 32.130 cây trồng các loại (dừa, mít, ổi,...), 6.765m kẽm gai, 1.138 trụ xi măng, 100 trụ gỗ, 661m tường rào bê tông, 30m lưới B40, 107 trụ điện ống kẽm tròn, 240m ống nước, 2 móng nhà diện tích 101,28m2, 18 nhà tạm diện tích 844,19m, 2 căn nhà cấp 4 diện tích 239,39m2, 720m2 đường đá mi ngang 4m dài 180m, 360m đường bê tông… vi phạm lấn chiếm đất rừng. 

Qua đó, thu hồi 139,44ha diện tích đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị chiếm. Điều tra, xử lý vi phạm 11 vụ trọng điểm có dấu hiệu hình sự, tội hủy hoại rừng. Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp 165 vụ, với số tiền phạt 1,438 tỷ đồng và buộc khắc phục hậu quả trên diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm là 50,4ha.

Tổ công tác đặc biệt cũng đã khảo sát các xã Hàm Ninh, Dương Tơ và Cửa Dương, qua đó, phát hiện có 47 vụ vi phạm, diện tích đất bị tác động là 29,36ha và tiếp nhận đề nghị xử lý 15 vụ phá rừng, chiếm diện tích 9,58ha đất rừng của Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Trần Lĩnh
.
.
.