Chuyện phá rừng trên đảo Phú Quốc là có (!)

Thứ Sáu, 26/10/2012, 14:43
Sau phản ánh của báo chí, trong đó có Báo CAND, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo UBND huyện cùng các ngành chức năng lập đoàn kiểm tra. Qua đó, UBND huyện vừa có báo cáo khẳng định chuyện phá rừng trên đảo là có. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận chỉ ra nhiều bất cập trong lĩnh vực quản lý rừng trên đảo.

Phú Quốc đẹp, đầy tiềm năng, nhất là tiềm năng du lịch. Đó là thực tế không ai phủ nhận. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, hòn đảo xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore này sẽ trở thành Đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc TW. Có điều, lá phổi xanh trên đảo này từng bị tàn phá bởi bàn tay của con người…

Quản lý lỏng lẻo, lấy đất rừng làm dự án

Tìm điều tra của PV Báo CAND, hiện trên đảo Phú Quốc có nhiều dự án du lịch sinh thái (DLST) đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư. Hầu hết các dự án DLST có diện tích rộng lớn, có một phần là đất rừng. Khi phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết cho các nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn lưu ý đến nội dung bắt buộc phải bảo vệ và phát triển rừng. Thế nhưng, thực tế rừng tại các nơi dính vào dự án lại bị chặt phá bừa bãi, vượt ra khỏi sự kiểm soát của chủ đầu tư và chính quyền, ngành chức năng tại Phú Quốc.

Trên phần đất rộng khoảng 267ha tại xã Cửa Cạn mà cách nay hơn 4 năm, UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh (TP HCM) để xây dựng khu DLST Vũng Bầu, tình trạng chặt đốn cây rừng đã diễn ra. Hai hộ Lê Văn Thu và Dương Thị Tuất dù đã được duyệt bồi thường (ông Thu trên 1 tỷ đồng, bà Tuất trên 2,8 tỷ đồng) nhưng đến cuối năm 2011, lại được “duyệt” cho khai thác 29 cây (trong đó có cầy, cám, kim, cang dầu, trâm,…) với tổng khối lượng gần 20m3 gỗ tròn (nhóm V-VII) để chuyển về thị trấn Dương Đông… cưa, xẻ. 

Trong số 97 dự án mà Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh Kiên Giang xem xét, nghị thu hồi (do không triển khai hoặc chậm triển khai, không phù hợp quy hoạch) thì có tới 8 dự án khu DLST có liên quan đến đất rừng, với diện tích 1.332ha, hầu hết đất thuộc Vườn quốc gia... Đó là dự án của các chủ đầu tư: Công ty CP Việt Ngọc (530ha tại Hàm Rồng, Rạch Tràm), Công ty CP Hải An Huy (165ha tại Cửa Cạn), hộ kinh doanh cá thể Thanh Nga (7,06ha), Công ty CP Địa ốc Thảo Điền (194,5ha ở Dương Tơ), Công ty TNHH Quốc Lâm (8,99ha), DNTN Đảo Xanh (400ha), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xạ Hương (20ha ở rạch Tràm, Bãi Thơm);…

Sau một vụ phá rừng trên đảo.

Vi phạm nhiều, xử chậm và chẳng bao nhiêu

Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc, từ năm 2009 đến nay, qua tuần tra, truy quét, các cơ quan chức năng đã lập biên bản 26 vụ vi phạm, với tổng diện tích trên 19ha, trong số này có 23 vụ nằm trong phạm vi rừng phòng hộ. Trong số 26 vụ vi phạm, Công an huyện đã khởi tố hình sự 3 vụ (vụ ông Bùi Văn Mãn và Bùi Đình Thỏa) nhưng có 1 vụ đối tượng bỏ trốn và cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã. Đối với 4 vụ xử lý hành chính, có 2 vụ buộc khắc phục hậu quả nên không ban hành quyết định xử phạt, 1 vụ đương sự chưa chấp hành, vụ còn lại Hạt Kiểm lâm huyện đã báo cáo đến Chi cục Kiểm lâm, đề nghị UBND tỉnh xử lý. Đối với 14 vụ (7,52ha) vi phạm vắng chủ, lãnh đạo huyện cho biết Công an huyện đang củng cố hồ sơ 2 vụ để khởi tố hình sự; 12 vụ còn lại thì đang tiếp tục xác minh, truy tìm đối tượng vi phạm.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc cho biết, từ giữa năm 1998, khi UBND tỉnh có quyết định giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc để bảo vệ và phát triển rừng với diện tích 33.307,82ha, do đặc thù Phú Quốc có địa hình đồi núi phức tạp và đan xen với đất của hộ dân nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Cùng với quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, trong những năm qua, tình hình đất đai ở Phú Quốc luôn có sự biến động lớn, từng lúc, từng nơi ở các xã, thị trấn vẫn còn tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất rừng, phá rừng, khai thác gỗ trái phép,… Việc báo chí thông tin trong thời gian qua là có. Số vụ vi phạm đất rừng đã được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng còn chậm, có vụ còn kéo dài gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Theo Thanh tra Chính phủ, diện tích đất rừng phòng hộ hiện trạng năm 2005 của huyện đảo Phú Quốc là 11.653,75ha và theo kế hoạch đến cuối năm 2010, giảm 3.840ha, tức diện tích rừng trên đảo còn lại hơn 7.813ha. Thế nhưng thực tế, đến cuối 2010, diện tích rừng phòng hộ giảm ngoài kế hoạch trên 414ha. Đó là chưa kể nhiều diện tích rừng phòng hộ được điều chuyển sang loại đất khác trái với quy hoạch (như sang đất trồng cây lâu năm 1.438ha, đất mặt nước 211ha, đất khác gần 500ha,…).

Chưa hết, Thanh tra Chính phủ phát hiện báo cáo của BQL rừng phòng hộ và báo cáo của UBND huyện Phú Quốc dù thời điểm xác lập chỉ cách nhau hơn 1 tháng nhưng các số liệu không thống nhất. Cụ thể, theo UBND huyện thì diện tích thu hồi đất rừng phòng hộ là 3.259,9ha trong khi BQL rừng phòng hộ báo cáo 3.615,02ha. Tương tự, đối với đất rừng đặc dụng, năm 2005, tổng diện tích là 30.102,96ha. Theo quy hoạch đến năm 2010, còn lại 29.258,03ha. Số liệu thống kê đến cuối năm 2010 là 30.735,49ha nhưng UBND huyện báo cáo 31.422ha; trong khi đó trong một quyết định của UBND tỉnh được ban hành tháng 8/2007, con số lại là… 29.135,9ha.

Binh Huyền
.
.
.