Lò đốt rác tiền tỷ vận hành ì ạch rồi bỏ hoang

Thứ Tư, 23/11/2022, 06:57

Nhiều lò đốt rác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đầu tư với số tiền hàng chục tỷ đồng, song qua một thời gian vận hành đã bộc lộ những bất cập vì lượng rác quá tải, kinh phí duy trì hoạt động không đủ khiến nhiều lò vận hành ì ạch, đơn vị vận hành thua lỗ xin chấm dứt hợp đồng. Trong khi đó, các địa phương đang gặp khó khi tìm kiếm các nhà đầu tư mới.

Được đầu tư với kinh phí 15 tỷ đồng, dự án trạm xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Kim Tân (Thạch Thành, Thanh Hóa) được quy hoạch xây dựng tại thôn Đự, xã Thành Thọ với quy mô 2 lò đốt xử lý rác thải, công suất 10 - 15 tấn/2 lò đốt/ngày, đêm bằng công nghệ đốt nhiệt Nfi-05. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014.

lo_dot_rac-1669161531655.jpg
Lò đốt rác ở xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) đã bỏ hoang nhiều tháng qua.

Theo thiết kế, hệ thống lò đốt rác này được kỳ vọng sẽ xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt của người dân trong huyện, thậm chí là cho cả một số xã thuộc các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung... Thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, trạm xử lý rác này đã bộc lộ nhiều bất cập, trở nên quá tải, hoạt động kém hiệu quả... Cụ thể, thiết kế ban đầu, trạm này sẽ có 2 lò đốt rác với tổng công suất xử lý 10 - 15 tấn/ngày, đêm nhưng thực tế, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt thu gom tại thị trấn Kim Tân và các vùng phụ cận của huyện Thạch Thành đưa về xử lý tại đây lên tới 25 - 30 tấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Tại thời điểm thiết kế, triển khai dự án, lúc bấy giờ lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đang còn ít, trạm xử lý rác đáp ứng việc xử lý đảm bảo môi trường. Những năm gần đây, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tăng nhanh, mỗi ngày có hơn 20 tấn rác, hoạt động của lò đốt trở nên quá tải. Hiện nay, địa phương đang thu hút các nhà đầu tư mới để nâng cấp hệ thống xử lý rác vừa hiện đại, đủ công suất xử lý rác, đảm bảo vệ sinh môi trường, ông Sơn cho biết thêm.

Tương tự, dự án lò đốt rác thải tại xã Xuân Bình (Như Xuân), có tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 5/2018, công suất thiết kế xử lý rác đạt 7 - 9 tấn/ngày, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4/2019. Mục tiêu dự án khi đi vào hoạt động, nhằm giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, xã Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân. Tuy nhiên, lò đốt rác này chỉ vận hành được một thời gian rồi rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, vận hành ì ạch, công tác bảo dưỡng không thường xuyên, nhiều hạng mục xuống cấp nhanh chóng. Cụ thể, lò đốt hoen gỉ, dây cáp néo ống khói bị đứt, cột ống khói bị đổ gãy; khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt bỏ hoang, dột nát...

Qua trao đổi, ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân cho hay: Nhà máy xử lý rác đang vận hành cầm chừng là do không thu được hết tiền xử lý rác từ người dân (chỉ thu được khoảng 40%), trong khi đó giá nhiên liệu tăng cao hơn trước nhiều lần. Trước đây cứ 2 ngày đơn vị hận hành (Công ty TNHH Thành Đạt) thu gom rác một lần, mỗi lần là một nửa xã Xuân Bình và một nửa xã Bãi Trành, bây giờ mỗi tuần rác chỉ được thu gom một lần, nhiều thì hai lần/1 tuần. Do nguồn thu không đảm bảo vận hành, doanh nghiệp này đã xin chấm dứt hợp đồng. Vừa rồi huyện đang kêu gọi nhà đầu tư mới vào vận hành nhà máy này, tuy nhiên, phía doanh nghiệp đang cân nhắc, nếu được hỗ trợ tiền đốt rác theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh may ra mới trụ được, còn thu tiền của dân để vận hành thì không đủ chi phí hoạt động, ông Tuấn cho hay.

Trung bình mỗi ngày toàn huyện Hậu Lộc phát sinh gần 90 tấn rác thải sinh hoạt. Để thực hiện xử lý môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã xây dựng Phương án 08/PA-UBND, ngày 30/6/2016 quy hoạch cụm lò đốt rác tại 10 đơn vị. Trong quá trình triển khai, đã thực hiện xây dựng được 3 cụm lò đốt rác hoạt động với công suất 18 tấn/ngày, đêm tại các xã Đại Lộc, Hòa Lộc và Phú Lộc. Thời gian đầu khi đi vào vận hành, nhiều lò đốt đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc xử lý rác thải tại địa phương, giúp cho các xã như Hòa Lộc, Phú Lộc, Đại Lộc, Xuân Lộc... hoàn thành chỉ tiêu môi trường, cán đích xã nông thôn mới. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều mô hình lò đốt dần bộc lộ những hạn chế, sự xuống cấp nhanh chóng công nghệ, công suất không đáp ứng được thực tế xử lý rác thải tại địa phương.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Xuân Hán - Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho rằng: Theo thiết kế công suất ban đầu, lò đốt rác của xã sẽ xử lý 7 tấn rác/ngày/đêm, nhưng hiện lượng rác của 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc là hơn 10 tấn/ngày/đêm. Bên cạnh đó, việc lò đốt rác được đầu tư công nghệ lạc hậu, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp công suất...

Xử lý rác nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng đang là vấn đề bức thiết của nhiều địa phương trong thời gian qua, lựa chọn được vị trí tập kết, xử lý rác đã khó, việc vận hành công nghệ xử lý rác đảm bảo an toàn cũng không hề dễ dàng. Từ thực tế cho thấy, chỉ cách đây chưa đầy 10 năm, các lò đốt rác đáp ứng việc xử lý nhưng nay lượng rác tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ở các địa phương, lò đốt quá tải. Bên cạnh đó, nguồn thu phí từ người dân không đủ đáp ứng kinh phí vận hành, công tác bảo dưỡng không thường xuyên, khiến các lò đốt rác chỉ hoạt động một thời gian rồi “chết yểu”, nơi xử lý rác thành nơi ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, việc đầu tư các lò xử lý rác cần chú trọng về công nghệ xử lý, tầm nhìn về quy mô đầu tư và đặc biệt là nguồn kinh phí vận hành thường xuyên.

Được biết, ngày 8/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1592/QĐ-UBND phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 31 khu xử lý chất thải rắn, gồm 3 khu xử lý liên huyện và 28 khu xử lý tại các huyện. 

Trần Thắng
.
.
.